Tình trạng thiếu canxi ở trẻ sơ sinh

27/12/2007 11:10 GMT+7

Hỏi: Trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi hay khóc đêm, đi khám BS chẩn đoán bị thiếu canxi. Bệnh như thế có nguy hiểm không, có chữa khỏi được không, bằng cách nào? (Phan Thanh Liem - TP.HCM)

Đáp: Hiện tượng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh thường gặp phổ biến nhất trong 2 tuần đầu sau sinh, do xương cần phát triển mạnh, đòi hỏi lượng canxi cung cấp rất lớn, nhưng sau khi cắt rốn, lượng canxi từ mẹ cung cấp cho con bị cắt đột ngột và nguồn canxi cung cấp từ bên ngoài qua sữa thường thiếu. Vì vậy canxi máu có thể giảm sau sinh, mức độ giảm tùy theo trẻ và phản ứng của trẻ với hạ canxi cũng không giống nhau. Cơ thể trẻ có thể tự điều chỉnh được tình trạng này sau vài giờ hoặc vài tuần, tùy theo hoạt động của tuyến cận giáp và chế độ ăn. Trẻ đẻ non dễ bị hạ canxi máu, nhưng thường thì trẻ sẽ tự điều chỉnh được.

Một số nguyên nhân khác gây thiếu canxi ở trẻ sơ sinh là do mẹ mắc bệnh tiểu đường, nhiễm độc thai nghén, cường tuyến phó giáp, chế độ ăn thiếu canxi, trẻ bị ngạt, sau đẻ trẻ bị thiếu oxy máu... Tình trạng thiếu canxi kéo dài có thể do trẻ bị thiểu năng tuyến giáp trạng hay ăn sữa có nhiều phosphat… Một nguyên nhân phổ biến hay gặp, nhất là ở các vùng quê Việt Nam, là do thiếu ánh nắng gây thiếu vitamin D, do sau sinh các bà mẹ thường nằm trong buồng tối, tránh ánh nắng mặt trời nhiều tuần, nhiều tháng sau đẻ dẫn đến cả mẹ và con đều có nguy cơ thiếu vitamin D và hạ can xi máu.

Biểu hiện của thiếu canxi máu tùy thuộc vào mức độ có thể gặp các dấu hiệu như: khi ngủ hay bị giật mình và mỗi lần như vậy có những cơn khóc thét, co cứng toàn thân, đỏ và tím mặt, cơn khóc kéo dài và có thể nhiều giờ hoặc suốt đêm. Càng dỗ, càng ru, càng cho bú càng khóc nhiều, có thể ngưng thở trong cơn khóc. Trẻ bị thiếu canxi hay có những cơn co thắt thanh quản gây khó thở, nấc cụt, ọc sữa… Ở những trường hợp thiếu canxi nặng có thể ngưng thở và thở nhanh, những cơn tăng nhịp tim và có thể gây suy tim.

Tiến triển của hạ canxi máu: nếu không giải quyết tốt nguyên nhân gây hạ canxi máu thì ngoài những biến chứng như trên thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến xương và gây còi xương sớm, biến dạng xương, gù vẹo cột sống. Các biến dạng về xương có thể trở thành vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời, khi trẻ lớn lên đầu có dạng hình cá trê hoặc méo một bên, ngực lép kiểu ức gà, lưng gù, chân cong, răng hô, tướng đi chữ bát...

Điều trị: Nếu hạ canxi máu cấp gây cơn co giật thì phải đưa trẻ nhập viện để tiêm canxi gluconate vào tĩnh mạch. Những trường hợp thiếu canxi nhẹ, không có cơn co giật có thể cho uống canxi gluconate kết hợp với vitamin D hàng ngày cho tới khi canxi máu trở về bình thường. Đối với trẻ bú mẹ, cần điều trị cả mẹ lẫn con nếu lượng canxi trong máu và sữa mẹ cũng giảm. Ngoài ra cả mẹ và con nên tắm nắng vào các buổi sáng mỗi lần 30 phút liên tục cho tới khi trẻ biết đi. Trong chế độ ăn của mẹ cần tăng cường các chất giàu canxi như cá, tôm, cua, thịt, trứng, sữa và chất béo.

BS B.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.