Mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà - nguy cơ đầu cơ?

14/11/2005 15:08 GMT+7

Qua 4 năm triển khai Nghị định 81/2001/NĐ-CP, mới có khoảng 60 trường hợp Việt Kiều được mua nhà ở trong nước. Với những quy định thông thoáng hơn trong Dự thảo Luật Nhà ở đang trình Quốc hội, dự kiến số Việt kiều được mua nhà ở trong nước sẽ tăng lên. Tuy nhiên, kèm theo đó là mối lo ngại về tình trạng đầu cơ nhà đất của Việt kiều. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Ngọc Trân đã giải đáp những băn khoăn trên.

* Thưa ông, trên nghị trường đã xuất hiện những ý kiến lo lắng về tình trạng đầu cơ
nhà đất của Việt kiều, một khi Luật Nhà ở nới lỏng quy định về việc cho phép người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà ở trong nước. Điều này liệu có cơ sở?

- Đúng là có một số đại biểu lo ngại về tình trạng đầu cơ. Nhưng ở đây, phải phân biệt 2 hình thức đầu cơ: Đầu cơ thông qua Việt kiều và Việt kiều đầu cơ. Có những người không "dính dáng" gì đến Việt kiều, nhưng muốn lợi dụng Việt kiều để rửa tiền bằng cách mua nhà ở trong nước. Cần phải chú ý đến thực tế này. Tôi nghĩ, sẽ dẫn đến tình trạng đầu cơ nếu quy định cho phép Việt kiều có thị thực 3 hoặc 6 tháng được mua nhà ở trong nước. Trên thế giới, không có nước nào cho phép kiều dân về nước mua nhà dựa trên căn cứ thị thực.

* Vậy theo ông, làm sao để ưu đãi được đúng đối tượng Việt kiều, trong khi vẫn ngăn chặn được đầu cơ?

- Theo quy định trong Dự thảo Luật Nhà ở, những người được phép về Việt Nam có thời gian từ 6 tháng trở lên được sở hữu một nhà ở riêng hoặc một căn hộ. Theo tôi, chỉ những người về nước có thẻ cư trú, mà phải là cư trú trung hạn và dài hạn, mới được mua nhà. Hơn nữa, cần phải làm rõ nguồn gốc số tiền mua nhà của họ. Nếu không sẽ tạo khe hở cho việc rửa tiền thông qua Việt kiều.

* Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM có ý kiến rằng, việc cho phép Việt kiều mua nhà ở trong nước sẽ làm cho thị trường bất động sản nhộn nhịp trở lại và có thể thu hút được một lượng lớn ngoại tệ?

- Tôi không nghĩ vậy. Nếu chấp nhận ý kiến đó thì sẽ rất dễ đi đến việc cho phép Việt kiều đầu cơ. Còn thu hút ngoại tệ ư? Ngoại tệ thì cũng phải rõ nguồn gốc, chứ không phải ngoại tệ qua đường "rửa tiền". Hiện nay, chúng ta đã tham gia Công ước Chống rửa tiền của quốc tế, do đó phải kiểm soát được vấn đề này.

* Thực ra, quy định trong Dự thảo Luật Nhà ở không phải mở rộng đối tượng, mà là mở rộng giới hạn được mua nhà ở của 4 đối tượng như những quy định trước đây. Đề xuất của ông về việc mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà ở trong nước dựa trên cơ sở nào?

- Dự thảo Luật Nhà ở vẫn giữ nguyên 4 đối tượng được phép mua nhà ở như quy định trước đây, bao gồm: nhà đầu tư; nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học; người có công đóng góp với đất nước; người được phép về sống ổn định tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua thảo luận mới đặt ra câu hỏi tại sao cho đến bây giờ chỉ có 60 người được mua trong số cả nghìn đơn xin. Tôi nghĩ, với 4 đối tượng đó, nếu không bị các địa phương "bóp" lại, thì số Việt kiều được mua nhà ở trong nước sẽ không dừng ở con số ít ỏi như vậy. Do đó, tôi đặt vấn đề mở rộng đối tượng, và đây cũng là đề xuất của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, đối tượng được mua nhà trong nước bao gồm cả những người được Hội đồng khoa học hay tổ chức chính trị ở cấp tỉnh hoặc cấp trung ương mời về cộng tác; những người về hưu có tiền dành dụm thường xuyên.

Theo Hưng Bình/Đầu tư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.