Chữa tóc bạc sớm

22/12/2007 01:25 GMT+7

Theo y học cổ truyền, tình trạng tóc bạc sớm trước tuổi là do tinh huyết không đầy đủ; bên cạnh đó còn do suy nghĩ nhiều, lao tâm...

Nguyên nhân

Nhiều người thường cho rằng, tóc bạc sớm là do máu... xấu. Nhưng theo quan niệm của y học cổ truyền, tóc chính là phần huyết dư. Vì thế, khi cơ thể một người nào đó có tạng thận sung mãn, giúp cho tinh huyết đầy đủ thì tóc sẽ đen, bóng, lâu bạc. Ngược lại, nếu tinh huyết không đầy đủ, thì tóc dễ gãy, dễ rụng và mau bạc. Ngoài ra, lương y Trần Duy Linh (TP.HCM) cho biết, tình trạng tóc bạc sớm còn có thể do lao tâm. Có những người mặc dù tinh huyết đầy đủ, điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, nhưng vì lo lắng, suy nghĩ, căng thẳng nhiều nên khiến não hoạt động quá mức, cũng làm cho tóc mau bạc. Việc suy nghĩ quá mức còn ảnh hưởng đến thận, mà thận thì sinh ra tinh tủy, tinh tủy thì thông lên não. Do vậy, những ai nhạy bén, làm việc hiệu quả cao là những người có thận tốt.

Bài thuốc từ hà thủ ô

Theo truyền thuyết, ngày xưa bên Trung Quốc có một người họ Hà bị tóc bạc sớm. Ông ta đã vào rừng đào một loại cây để nấu nước uống. Kết quả là tóc ông hết bạc, thấy vậy cả dòng họ ông đều dùng loại cây này và sống rất thọ, râu, tóc đen nhánh, lâu bạc. Từ đó, loại cây đó có tên là hà thủ ô.

Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có hai loại: màu đỏ và màu trắng. Cả hai đều thuộc loại dây leo. Bộ phận thường dùng để chữa bệnh là phần củ. Ở Việt Nam, hà thủ ô đỏ mọc nhiều ở các tỉnh miền núi, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... Còn hà thủ ô trắng thường mọc trên các đồi đất, gò cao ở các tỉnh thuộc miền Trung, miền Đông Nam Bộ...

Theo lương y Trần Duy Linh, thường người ta dùng hà thủ ô đỏ để chữa bệnh. Hà thủ ô trắng có vị đắng, khó uống, ít được dùng, đồng thời không dùng loại trắng cho người hư yếu, cơ thể hàn (lạnh). Bài thuốc chữa tóc bạc sớm từ hà thủ ô đỏ như sau: ngâm hà thủ ô đỏ với đậu đen (loại hạt nhỏ) một đêm; sáng ra cho vào nồi nấu sôi độ 2 giờ, sau đó lấy hà thủ ô ra riêng đem phơi nắng. Buổi tối lại đem hà thủ ô đó tiếp tục ngâm với đậu đen (lấy đậu mới khác), rồi sáng hôm sau lại nấu như trên, và cũng vớt hà thủ ô ra phơi nắng. Cứ làm liên tiếp 9 lần như vậy - Đông y gọi là "cửu chưng cứu sái" - thì dùng hà thủ ô đó đem sao vàng; hoặc có thể sao vàng hạ thổ - sao hà thủ ô xong thì cho nó ra nền đất và lấy chảo úp lên (làm như thế để hỏa khí của lửa sẽ quân bình với âm khí của đất, giúp vị thuốc sử dụng tốt hơn). 

Các bài thuốc khác

Ngoài hà thủ ô chữa tóc bạc sớm, còn có vị thuốc tang thầm (quả dâu tằm chín). Dùng trái dâu tằm ngâm rượu: cứ một lớp dâu tằm, một lớp đường và ủ 20 ngày, rồi đem ngâm trong rượu nếp 40 độ trong 2 tháng. Dùng nước ngâm ra đó để dùng, mỗi ngày dùng một cốc 50 ml trước bữa ăn. Ngoài ra, chữa tóc bạc sớm, cổ phương còn có bài thuốc "tam thất thận khí hoàng" - bài thuốc là sự kết hợp của 20 vị thuốc, trong đó có những vị bổ thận, bổ khí huyết như: nhục thung dung, quy bản, lộc nhung, nhân sâm...

Vị thuốc từ dây hà thủ ô
Theo y học cổ truyền, hà thủ ô có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, mạnh tinh huyết, chữa râu, tóc bạc sớm hoặc tóc rụng nhiều. Có thể dùng một mình hà thủ ô nấu uống hằng ngày; hoặc có thể tán  hà thủ ô thành bột và mỗi ngày dùng 10-20 gr. Có thể kết hợp hà thủ ô với một số vị thuốc như: thục địa, kỷ tử, ngưu tất.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.