Bệnh nhân hen suyễn ăn tết

26/01/2013 03:25 GMT+7

Hen suyễn là bệnh mạn tính của đường thở (phế quản): các đường thở trong phổi của bệnh nhân bị viêm và hẹp lại, tình trạng này lúc nào cũng hiện diện, ngay cả khi bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh.

Khi bệnh nhân tiếp xúc với một số yếu tố đặc biệt (yếu tố kích cơn) thì tình trạng viêm - hẹp đường thở sẽ tăng lên, tăng đến mức lên cơn hen - bệnh nhân cảm thấy tức ngực, khó thở, ho và khò khè. Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp TP.HCM cho biết năm nào vào dịp lễ lạt, các bác sĩ cũng ghi nhận nhiều trường hợp người bị hen suyễn trở bệnh nặng phải nhập viện, thậm chí tử vong vì không cảnh giác trước những yếu tố kích cơn.

Trước tết

Thời điểm cuối năm thường rất nhộn nhịp, với đủ hoạt động mua sắm, sơn sửa, dọn dẹp nhà cửa... Người bị hen suyễn cần lưu ý không để bị “cuốn” theo nhịp sống sôi động, quên mất bệnh tình mà làm việc quá sức. Tốt nhất bệnh nhân nên lên kế hoạch từ trước để giải quyết hợp lý cả việc công lẫn việc tư, tránh để dồn lại vì áp lực cao dễ gây căng thẳng cũng là điều kiện để khởi phát cơn.

 Bệnh nhân hen suyễn ăn tết
Ảnh chỉ có tính minh họa - Ảnh: Shutterstock

Đối với việc lau chùi, dọn dẹp, người khác nên làm thay vì bụi bặm, nhất là mạng nhện đều có ảnh hưởng xấu đối với bệnh nhân. Đặc biệt, trong bụi có con mạt nhà (mắt thường không thấy), phân của chúng là dị nguyên gây bệnh suyễn đã được khẳng định. Nếu muốn phụ giúp, bệnh nhân phải trang bị đầy đủ khẩu trang và thường xuyên rửa mũi. Khi thao tác, chú ý dùng khăn ướt để lau, ưu tiên dùng máy hút bụi và tránh quét bằng chổi. Riêng việc sơn sửa hoàn toàn “chống chỉ định” đối với người hen suyễn.

Trong tết

Bệnh nhân nên tránh những nơi quá đông đúc, dễ kẹt xe. Chen lấn mệt mỏi, xe cộ ồn ào, ô nhiễm, tiết trời những tháng này lại lạnh giá, tất cả đều là yếu tố kích cơn. Ngoài ra, nếu lỡ lên cơn đột xuất, việc đưa bệnh nhân đi cấp cứu sẽ gặp nhiều khó khăn. Thói quen đi chùa, cúng bái đầu năm cũng nên cân nhắc kỹ vì khói nhang dễ làm khởi phát cơn hen suyễn.

Bệnh nhân không nên đến gần nơi có khói thuốc. “Chén thù chén tạc” cũng phải để ý xem có món nào mình bị dị ứng hay không; đặc biệt hạn chế bia rượu, thức uống lạnh và những thức ăn lên men. Khi trò chuyện cao hứng, bệnh nhân ráng nhớ tiết chế lại, đừng cười quá mức, làm lạnh đường dẫn khí khiến cơn suyễn “đến hẹn lại lên”. Ngoài ra, để tránh nguy cơ mải mê ăn tết mà quên xịt thuốc theo cữ, dược phẩm cần dùng phải được để ở nơi dễ thấy nhất. Cha mẹ có con nhỏ bị hen suyễn nên lưu ý dù bận rộn vẫn đảm bảo cho con dùng thuốc đúng liều lượng và không lơi lỏng việc kiêng cữ.

Với những gia đình chọn dịp này để đi du lịch, bệnh nhân cần được bác sĩ tư vấn trước khi lên đường. Soạn sẵn các loại thuốc phòng ngừa suyễn, thuốc cắt cơn để mang theo. Nếu được, nên tránh đến những nơi thời tiết lạnh giá. Người nhà nên chuẩn bị sẵn thông tin về các cơ sở y tế ở địa phương sẽ đến.

Xử trí khi lên cơn hen suyễn

Xịt thuốc cắt cơn từ 2-4 nhát. Sau 20 phút nếu vẫn chưa thuyên giảm, xịt tiếp 2-4 nhát nữa. Một tiếng đồng hồ sau nếu vẫn chưa khỏi hẳn, cần đưa nhanh bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất, trên đường cấp cứu xịt thuốc liên tục.

Lan Chi

>> Những công việc làm tăng nguy cơ hen suyễn
>> Tác nhân gây hen suyễn
>> Mẹ dị ứng phấn hoa, con tăng nguy cơ hen suyễn
>> Tránh dược phẩm “châm ngòi” hen suyễn
>> Thời điểm ăn cá giúp trẻ tránh bệnh hen suyễn
>> Paracetamol làm tăng nguy cơ hen suyễn ở trẻ
>> Món ăn cho người hen suyễn
>> Chó giúp ngăn ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ
>> Phòng ngừa hen suyễn và dị ứng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.