Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel trò chuyện với giới trẻ

11/08/2013 03:20 GMT+7

Ngày 10.8, Giáo sư Sheldon Lee Glashow (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 1979) có bài thuyết giảng: “Câu chuyện của khoa học cơ bản và ứng dụng. Vì sao chúng ta phải theo đuổi nghiên cứu khoa học cơ bản?” tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

Trong đó, Giáo sư Glashow khẳng định nhiều người đã sai lầm khi lập luận rằng thay vì làm chuyện “vô ích và xa xỉ” là nghiên cứu khoa học cơ bản, chúng ta nên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội. “Nếu Faraday, Rontgen và Hertz chỉ tập trung giải quyết “những vấn đề thực tế trong thời đại họ” thì có lẽ chúng ta còn lâu lắm mới có động cơ điện, tia X và radio”, ông nói.

Hai nhà khoa học đoạt giải Nobel trò chuyện với giới trẻ

Giáo sư David Gross trò chuyện với sinh viên, học sinh tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Cùng ngày, Giáo sư David Gross (nhà vật lý người Mỹ đoạt giải Nobel Vật lý năm 2004) trình bày về “Tương lai của vật lý” tại ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Giáo sư Gross nói vẫn còn nhiều vấn đề loài người chưa biết và vật lý sẽ tiếp tục phát triển, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Vương Thái n, học sinh lớp 10 lý Trường PT Năng khiếu, chia sẻ: “Em cảm thấy thích thú với bài giảng của giáo sư, nó truyền cảm hứng cho em để tiếp tục học tập và đeo đuổi ngành vật lý”.

Sau bài giảng, rất nhiều giảng viên, sinh viên, học sinh đã đặt câu hỏi với Giáo sư Gross. Trả lời câu: “Ngày nay vật lý hiện đại dựa trên mô hình chuẩn và trong đó nói lên vật chất được xây dựng từ các hạt có electron và hạt tải lực tương tác. Nhưng liệu mô hình chuẩn này có giải quyết được hết những vấn đề vật lý hay không?”, Giáo sư Gross trả lời là “không” và nói thêm rằng trong vật lý vẫn còn nhiều câu hỏi thú vị chưa được trả lời thỏa đáng. Một học sinh lớp 11 tại Trường THPT Gia Định không hỏi về chuyên môn mà nhờ Giáo sư Gross cho lời khuyên “làm sao vượt qua sự ganh tị của bạn bè về thành tích học tập”. Ông hóm hỉnh nói: “Tôi không phải là chuyên gia về tình cảm” nhưng cũng khuyên học sinh này đừng để cảm xúc tiêu cực chi phối mà hãy tập trung học tập, làm những gì mình thích...

Văn Khoa

>> Giáo sư đoạt giải Nobel chủ trì hội nghị vật lý nano tại Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel chủ trì Hội nghị vật lý nano
>> Nhà vật lý đoạt giải Nobel Klaus von Klitzing đến Bình Định
>> Nhà khoa học đoạt giải Nobel đầu tiên đến ‘Gặp gỡ Việt Nam’

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.