Dọc đường mưu sinh - Bài 2: Người cắt tóc lấy tiền công theo giá vé số

16/12/2008 00:28 GMT+7

Cách đây mấy chục năm, đã có bài báo "ông cắt tóc ở Vĩnh Trung có ôxy già" viết về một người cắt tóc dạo ở Đà Nẵng có ôxy già sát trùng, bởi thời đó, như vậy là hiếm lắm. Hơn 33 năm sau, nhân vật của bài báo năm nào vẫn vậy, chỉ khác xưa qua những vòng xe nay đã chậm dần, và tiếng rao cũng đã khản đục theo chiều dài năm tháng...

Tiền công tùy thuộc vào giá... vé số!

Người cắt tóc dạo ấy là ông Hồ Đắc Cưu (phường Hòa Cường Bắc, TP Đà Nẵng) - người cắt tóc dạo cuối cùng ở Đà Nẵng.

Trước giải phóng, ông từng rất khá giả khi có gần 20 chiếc xe đạp, từ vốn dành dụm của người mẹ làm nghề buôn bán rau ở chợ Cồn, để cho thuê với giá 3 đồng/giờ. Cuối cùng, xe đạp của ông chỉ còn một chiếc cùng hơn chục tấm thẻ căn cước. Bởi người ta sau khi để lại thẻ căn cước làm vật tín thuê xe rồi... quỵt luôn. Đã từng trải qua vài nghề, từ học thợ máy, thợ vàng, sửa xe đạp, đến bấy giờ, ông gần như trắng tay. Rồi mẹ ông dẫn ông ra tiệm cắt tóc gần nhà để xin học nghề. Học xong vài tháng, ông mở một cái chòi nhỏ ở chợ Tân Lập để cắt tóc, trốn quân dịch. Nhưng rồi cũng không thể thoát khi một buổi sáng năm 1966, lính kéo đến nhà bắt ông, để lại mẹ già, vợ và một con nhỏ.

Giải phóng. Trong số những kinh nghiệm của những nghề đã trải, ông quyết định gắn bó với cây kéo. Nhưng lần này thì khác. Ông bắt đầu mưu sinh bằng tiếng rao "Cắt tóc đê ê ê" khắp phố phường Đà Nẵng. Cười xuề xòa, ông giải thích về sự thay đổi hình thức này: "Tui ưng đi loanh quanh đây đó cho vui"!

 
Suốt 4 thập kỷ qua, ông Cưu vẫn rong ruổi trong từng ngõ xóm để làm nghề cắt tóc dạo - Ảnh: VPT
Gần chục cái kéo, 5 cái lược, 1 dao gọt tóc, 5 tông-đơ, 2 cái gương xe môtô được tận dụng làm gương soi, vài bộ đồ ngoáy tai, 8 dao cạo mặt, bót chải tóc, đó là tất cả những gì trong túi đồ nghề theo ông hơn gần 50 năm qua. Ông bảo rằng, hiếm nhất là cái dao gọt tóc. Thời ấy, ông kiêm luôn làm cắt tóc trong lính. Cái dao gọt tóc này là của vợ một người lính Mỹ, sợ bên này không có ai cắt tóc nên gửi qua cho chồng tự cắt, rồi ông chồng biếu luôn cho ông.

Cái nghề cắt tóc dạo của ông được ví von như ông Lữ đi câu. Có ngày ông làm từ sáng đến tối mịt mới về; có lúc bỏ túi hơn 100.000 đồng/ngày. Nhưng cũng có những lúc, đi nát Đà Nẵng suốt 2 - 3 ngày mà cái kéo vẫn chưa được một lần rút ra khỏi túi. Ông thật thà: "Tùy từng thời. Nhưng tui bao giờ cũng chỉ lấy tiền công bằng tiền một tờ vé số. Chừ (bây giờ - PV) muốn biết kỹ, cô tìm lại giá vé số hồi đó là biết liền à!". Bây giờ vẫn vậy, giá vé số lên 5.000 đồng, ông lấy tiền một lần cắt cũng bằng giá đó.

"Bạn hàng tui trên Gò Cà nhiều lắm!"

Trung bình một ngày, ít nhất, ông Cưu đạp xe quanh Đà Nẵng để mưu sinh khoảng 20 cây số. Nếu tính ra số km, trong suốt chừng ấy năm, đủ để ông đi được 73 lượt dọc chiều dài Việt Nam. Hỏi ông có bao nhiêu khách quen, ông trả lời: "Không nhớ hết, nhưng bây giờ bạn hàng tui trên Gò Cà (nghĩa trang của TP Đà Nẵng - PV) nhiều lắm! Lên đó cũng tính được cả trăm người".

Tôi quyết định dành một ngày chủ nhật để theo ông rong ruổi khắp những tuyến phố phường, ngõ xóm của Đà Nẵng. Tiếng rao âm trầm, khản đục của ông già cắt tóc bước qua tuổi 67 lọt thỏm giữa cái lạnh buốt những ngày mùa đông, rồi lan ra, len lỏi trong từng ngõ hẻm. Anh Huỳnh Ngọc Lâm (tổ 23, phường Hải Châu) là một trong số ít những bạn hàng trẻ của ông già cắt tóc dạo này. Anh được ông cắt tóc từ lúc còn là thanh niên chưa vợ, bây giờ đã gần 50 tuổi, vừa có cháu ngoại, tính ra, ngót nghét cũng hơn gần 20 năm. "Người trẻ bây giờ không ai cắt ở ổng nữa. Mình không cần kiểu cách gì nhiều cắt ủng hộ giúp ổng!", anh Lâm bảo.

 

Ông mưu sinh chỉ với bộ đồ nghề ít ỏi này

"Suốt 33 năm nay, tóc của tui chỉ do một mình ông Cưu này cắt", ông Trần Em (75 tuổi, nhà ở 41 Pasteur) khẳng định. Ông Em hồi trước đạp xích lô, năm 1969, bom đạn đã làm ông bị thương, cụt 2 chân khi vừa chở khách đến chợ. Thời ấy cũng có một vài người cắt tóc dạo, nhưng từ khi được ông Cưu cắt, ông Em "kết" luôn. Kể từ đó, trong suốt 33 năm qua, cứ độ hơn 1 tháng, ước chừng tóc đã tốt, ông Cưu lại đến nhà cắt tóc cho ông Em và mấy người con. Nhiều lúc chưa đến kỳ cắt tóc nhưng đi ngang qua nhà, ông Cưu cũng tạt vào, hai ông bạn già ngồi trò chuyện. Và cứ như vậy, từ lâu, ông Cưu đã trở thành người bạn thân thiết không riêng đối với gia đình ông Em, anh Lâm, ông Minh, ông Sanh mà tôi gặp ngày hôm ấy... mà còn của hàng trăm gia đình khác. Tất cả tình cảm được bắt đầu chỉ bằng cái nghề cắt tóc dạo của ông.

Có nhà đúc 3 tấm, vẫn đi cắt tóc dạo!

Khi tìm được nhà, tôi không khỏi ngạc nhiên khi một ông già cắt tóc dạo lại là chủ nhân của căn nhà đúc 3 tấm hoành tráng. "Toàn bộ tiền đền bù, cùng tiền bán đất nhà nước cấp cho lô phụ, mấy đứa con cũng chung một tay để xây một căn nhà đàng hoàng cho ba mẹ ở tuổi già, chứ hồi trước nhà lụp sụp, mưa đến dột không có chỗ nằm", bà Bờ - vợ ông tâm sự. Bà cằn nhằn: "Tuổi già như cây đèn trước gió, biết tắt lúc nào. Bây giờ có nhà cửa đàng hoàng, con cái lớn khôn, bảo ổng nghỉ ở nhà mà ổng có chịu đâu!". "Khi nào còn mạnh chân đi được thì đi", ông Cưu "kết luận" trước mặt vợ. Sáng sáng, ông cùng túi đồ nghề được bọc qua túi nilông tránh mưa gió đạp xe dạo quanh các ngõ xóm. Trưa, ông về quán bún, quán cơm quen thuộc ở gần chùa Thạc Gián làm 1 tô với giá bạn hàng 5.000 đồng, rồi ra mắc võng ở bờ hồ Thạc Gián nghỉ. Ông thổ lộ: rong ruổi mãi suốt mấy chục năm, từng thay đổi nhỏ nhất của phố phường cũng không lọt qua cặp mắt của mình. Như vậy riết quen rồi. Bây giờ nếu ở nhà, ông chỉ sợ mai này ra phố, lại trở thành người xa lạ trước sự thay đổi từng ngày.

> Bài 1: Vá xe có bảo hành 

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.