Sao không dùng thuế để điều tiết ?

11/12/2005 21:44 GMT+7

Mấy ngày nay, dư luận xã hội và báo chí đang tập trung bàn luận về quy định "mỗi người chỉ được đăng ký một xe gắn máy" của Bộ Công an vừa được bãi bỏ. Chủ trương này từ đầu đã gặp phản ứng gay gắt của các nhà làm luật và các tầng lớp xã hội vì vi phạm quyền tự do công dân. Ngành công an cho rằng đó là biện pháp hữu hiệu giảm ùn tắc giao thông. Mỗi bên đều có lý, không ai chịu ai nhưng cuối cùng lý chung thắng thế.

Thực tế, quy định trên chẳng những không giúáp giảm ùn tắc giao thông mà còn đẻ ra tầng lớp "cò" đứng tên xe máy bổ sung vào đội hình hành dân. Dẫu Bộ Công an đã bãi bỏ nhưng Công an Hà Nội vẫn kiên quyết "tạm dừng đăng ký xe gắn máy ở các quận nội thành" và dọa "nếu không thì không đảm bảo giao thông đô thị". Còn nhớ trước đây khi đưa chủ trương này ra Quốc hội thảo luận, có vị đại biểu đã cao hứng đề xuất: "Xe bảng số lẻ chạy ngày lẻ, xe bảng số chẵn chạy ngày chẵn !". Nghe đâu có người còn đề nghị "xe của nam chạy ngày lẻ, xe của nữ chạy ngày chẵn !"...

Ở Việt Nam, hễ có gì khó quản lý là cấm mà không cần tìm hiểu nguyên nhân. Những việc làm cảm tính này thể hiện sự bất lực của bộ máy công quyền, vi phạm quyền công dân. Trên thế giới, để hạn chế một sản phẩm hoặc dịch vụ gì các nước đều dùng thuế để điều tiết. Thuế càng cao, người mua, người dùng càng ít.

Chẳng cần đi xa, cứ nhìn qua Trung Quốc. Xe gắn máy bán thoải mái, mua bao nhiêu cũng được. Trung bình mỗi xe giá 3.000 tệ (tương đương 6.000.000 đồng) nhưng đừng tưởng bở. Để lấy được bảng số xe thì lệ phí đăng bộ là 9.000 tệ, gấp 3 lần giá mua xe. Chính điều này đã làm hạn chế lượng xe đăng ký. Thường 2 người đi chung một xe hoặc đi xe buýt và taxi, kinh tế hơn. Xe buýt có máy lạnh, có xe thường để khách chọn lựa. Taxi là xe nội địa, giá cước rất rẻ. Họ chẳng cần cấm hay dọa mà lại được mọi người đồng tình. Ở Việt Nam, việc đơn giản mà cứ làm rối mù cho thêm phức tạp. Đúng là chuyện lạ!

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.