Lạm phát VN còn cao so với khu vực

07/12/2010 16:26 GMT+7

(TNO) Dù ghi nhận thành tích ấn tượng của Việt Nam (VN) trong năm 2010, tuy nhiên, tại Hội nghị nhóm các nhà tư vấn tài trợ VN CG 2010 vào sáng nay (7.12), các nhà tài trợ tỏ ra lo ngại về những bất ổn vĩ mô của nền kinh tế như lạm phát, nhập siêu và hiệu quả làm ăn của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Hội nghị có chủ đề ổn định vĩ mô, phát triển bền vững. Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Võ Hồng Phúc công bố nhiều con số ấn tượng VN đã đạt được sau 11 tháng: tăng trưởng GDP chắc chắn vượt chỉ tiêu 6,5% Quốc hội đề ra, bội chi ngân sách 5,8% GDP so với dự kiến 6%, nhập siêu cả năm 12 tỉ USD (kế hoạch 13 tỉ USD)...

Đánh giá về những kết quả trên, bà Victor Kwakaw, Giám đốc World Bank tại VN cho rằng, chỉ trong một thập niên, từ vị trí là một trong số các nước nghèo nhất thế giới, VN đã bước sang nước có mức thu nhập trung bình, tăng trưởng kinh tế đều đặn qua các năm, chỉ số giảm nghèo hạ thấp đến mức ấn tượng mạnh mẽ với cộng đồng thế giới.

Tuy nhiên, bà Kwakaw cũng cho rằng tăng trưởng dự kiến 6,7% trong năm 2010 cũng khiến nền kinh tế phải đối mặt với nhiều bất ổn ở mức độ vĩ mô như lạm phát, khoảng cách giàu nghèo giữa đô thị và nông thôn gia tăng… Vì vậy, theo bà Kwakaw để tăng trưởng một cách bền vững hơn, trong năm 2011 và dài hạn, VN phải ưu tiên giải quyết bất ổn vĩ mô.

Thắt chặt tiền tệ, tránh lạm phát kéo dài

Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) lo ngại lạm phát cao gây nhiều rủi ro và làm xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư. Điều đáng quan ngại hơn, lạm phát sẽ còn kéo dài sang năm 2011 nếu Chính phủ (CP) không có giải pháp mạnh mẽ. Cho rằng việc tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng nhà nước trong tháng 11 là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên đại diện IMF kiến nghị VN cần tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, tránh lạm phát cao gây áp lực lên tỷ giá và áp lực phá giá tiền đồng.

“Chính phủ cần có một nhóm các nhà làm chính sách thống nhất quan điểm điều hành chính sách thắt chặt tiền tệ, bởi hiện tại lãi suất vẫn còn thấp so với kỳ vọng của thị trường, có thể gây hậu quả về lâu dài” - ông Masato Miyazaki, đại diện cho Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF nêu ý kiến.

Đại sứ quán Úc nhìn nhận với mức lạm phát 11 tháng lên gần 10%, so với mức trung bình của khu vực ASEAN là 2-4%, hiện tại, VN đang trở thành quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao trong khu vực. Vì vậy, trước mắt cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, và dài hạn phải có giải pháp đồng bộ, rõ ràng hơn.

Minh bạch tài chính ở các tập đoàn

Để có thể kiểm soát lạm phát, các nhà tài trợ cho rằng ngoài việc thắt chặt chính sách tiền tệ, cũng cần phải thực thi các chính sách tài khóa hiệu quả hơn, đặc biệt vấn đề đầu tư công, chấn chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.

Từ bài học Vinashin, các nhà tài trợ cho rằng, chính phủ cần phải nâng cao năng lực, hiệu quả các doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, tách bạch vai trò quản lý và điều hành các doanh nghiệp này; minh bạch, công khai thông tin tài chính.

Giải đáp băn khoăn của các nhà tài trợ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước VN cho biết, chính sách thắt chặt tiền tệ kiềm chế lạm phát mới được thực hiện chưa đầy 1 tháng, nên cần có thời gian đo phản ứng của thị trường để tiếp tục thực hiện bước đi tiếp theo và xem xét cẩn trọng những kiến nghị của các đối tác.

Về lộ trình cổ phần các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết, hiện tại đang có 1.200 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hầu hết thuộc các tập đoàn, tổng công ty dù vừa qua hoạt động chưa chủ động, thiếu hiệu quả nhưng VN không quay lại chế độ Bộ chủ quản, mà sẽ tiếp tục cổ phần hóa mạnh mẽ, đổi mới doanh nghiệp, đồng thời tăng cường giám sát. Đối với tác tập đoàn sẽ kiên quyết cắt các ngành nghề không liên quan tới ngành chính của tập đoàn.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.