Người rong chơi giữa làng

23/04/2013 10:48 GMT+7

Chưa học qua một lớp nhạc lý căn bản, nhưng Hồ Ngọc Phước, ở thôn Trường An, xã Đại Quang (H.Đại Lộc, Quảng Nam) vẫn sáng tác nhiều ca khúc mượt mà, bay bổng. Người dân nơi đây đặt cho anh biệt danh là “nhạc sĩ của làng quê”.

Người rong chơi giữa làng

Hồ Ngọc Phước dạy con trai chơi đàn piano - Ảnh: H.T

Ngược dòng

Nằm lặng lẽ bên bờ sông Vu Gia, nhà của “nhạc sĩ làng” Hồ Ngọc Phước cũng như bao ngôi nhà của người dân nơi thôn dã, tềnh toàng, song ấm áp đến lạ thường. Sinh năm 1973, tuổi Sửu, Hồ Ngọc Phước bảo rằng cái số mình nó thế, không muốn và cũng không thể bon chen giữa đời lắm cảnh thị phi, nên... phải ngược dòng về quê nương nhờ và cũng để rong chơi cho trọn kiếp người! “Năm 1993, thi đậu vào Khoa Nuôi trồng thủy sản của ĐH Thủy sản Nha Trang. Từng làm chủ nhiệm CLB Văn học - nghệ thuật khóa 35 của trường quy tụ vài chục thành viên tham gia sinh hoạt, sáng tác thơ, nhạc, rồi tổ chức những đêm ngâm thơ, viết văn... Đến năm 1998, ra trường, xuống xã vùng cát ven biển Điện Dương (H.Điện Bàn) làm đúng ngành nghề mà mình đã học. Hồi đó, nghề nuôi tôm giống phát triển rực rỡ, nhưng không hiểu vì sao, trụ được một năm là tui bỏ, về làng”, Ngọc Phước tâm tình.

“Tự xét thấy mình có vẻ không hợp lắm với chuyện làm ăn, kinh doanh nên mình thôi vậy. Mình thấy nhẹ nhàng, thanh thản mỗi khi cầm lấy cây đàn nghêu ngao giữa rừng dương, giữa tiếng sóng vỗ ì ầm của biển cả, hơn là chuyện bán - mua, được - mất... Vậy là nghỉ”, Phước nói về lý do mất 5 năm đi học, rồi lại bỏ ngang nghề thời thượng. Với vốn liếng tiếng Anh kha khá, cộng với khả năng truyền thụ vui vẻ, chân tình, nhiệt huyết mà vẫn giữ được sự chuẩn mực trong từng câu chữ, ngữ nghĩa, Hồ Ngọc Phước trở thành thầy giáo chuyên dạy kèm Anh văn, từ các em học sinh lớp 6 - 12 của làng, của xã, của huyện và thậm chí những người chuẩn bị thi cao học cũng tìm đến nhờ thầy Phước hướng dẫn. Thỉnh thoảng, người ta cũng thấy Phước xuất hiện tại một số đám cưới với vai trò nhạc công. “Tui làm thơ từ khi còn học lớp 7. Tuổi bồng bột ấy mà, cũng yêu cũng giận cũng ghét cũng hờn cũng thương cũng nhớ. Tui đếm cũng được 600 bài, nhưng đã đốt bỏ hết rồi vì bây giờ đọc lại thấy nó... “ngu ngu”, rồi tự xét mình làm thơ cũng chẳng ra gì”, Phước nói. Nói xong, Hồ Ngọc Phước cầm đàn, ngân nga ca khúc Ngược dòng mà mình sáng tác và được Tạp chí Đất Quảng chứng nhận ca khúc chất lượng năm 2009: Ngược dòng, ngược dòng, ta lội một mình/Một mình ngược dòng ta lội mệt nhoài.../Hình như tiếng suối róc rách mơ màng/Miệng môi cháy khát chợt khẽ cười vui.../Ô hay, quê nhà đây rồi, phơi mình trên lá cây, thoảng nhìn mây trắng bay...

Quê hương đong đầy

 
Hồ Ngọc Phước, sinh năm 1973, tại thôn Trường An, xã Đại Quang (H.Đại Lộc, Quảng Nam). Tốt nghiệp ĐH Thủy sản Nha Trang. Giải C thể loại Văn học - Nghệ thuật cho bài Tiếng chuông do Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam trao tặng năm 2011; Giải C thể loại m nhạc bài Chuyện trái bóng do UBND tỉnh Quảng Nam trao tặng năm 2010; Giải chất lượng cao bài Ngược dòng của Tạp chí Đất Quảng.

“Mình nói thiệt, sáng tác nhạc trước là để... cho mình. Nhiều người nghe nhạc mình có khen, có chê, nhưng với mình chưa bao giờ đặt nặng chuyện dở - hay”, Hồ Ngọc Phước tâm tình. Hỏi trong số hơn 100 bài nhạc đã sáng tác, Phước thấy “đã” nhất bài nào? Hồ Ngọc Phước cười: Lang thang, lang thang cười khóc giữa trời/Được thua giữa đời/Rồi mai ngậm ngùi... Gọi trời gió lên xua tan đi những nhọc nhằn/Cho mắt em tôi xanh ngời và môi thơm mãi nụ cười. Đây là một đoạn trong ca khúc Rong chơi mà theo Phước là tạm ưng ý bởi nó tải được một phần triết lý cuộc sống của chính tác giả.

Song với ca khúc Tiếng chuông đoạt giải C của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao vào năm 2011 mà Hồ Ngọc Phước phỏng thơ của Nguyễn Giúp đã phần nào chứng nhận thành quả lao động sáng tạo của nhạc sĩ làng: Tiếng chuông thả vào đêm/Tiếng chuông tan vào đêm tịch lặng sương mờ ngập tràn/Lạnh gót mềm lá rung vườn gió/Mùa trăng đầy hồn vẫn cài then/Khóc đêm dài ai thức cùng ta, ai ngủ cùng ta, trăng gầy.... Những ca khúc về quê hương, quê nhà đong đầy kỷ niệm ấu thơ của Hồ Ngọc Phước tràn đầy cảm xúc yên bình: Về quê trong mùa gió lộng/Về quê khi nắng lên đồng/Về đây ngó khói ban chiều ai thả cánh diều chấp chới đồi xa.../Lang thang muôn nơi nay lại quay về... (Chốn quê). Không ồn ào, nặng kỹ xảo về câu từ, tình yêu trong nhạc của Hồ Ngọc Phước chỉ giản đơn là hoa, là nắng, là gió, là ánh mắt, là bàn tay nhẹ đưa của cô thôn nữ.

Hồ Ngọc Phước nhiều lần bảo rằng nhạc của anh chỉ dành cho... anh mà thôi. Nhưng qua những bài hát, người “nhạc sĩ của làng” này đã gửi gắm nhiều tâm tư, tình cảm sâu lắng của mình để diễn tả tình yêu chân chất về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, về những kỷ niệm tràn đầy mộng mơ thời ấu thơ và những khoảng lặng cho riêng mình.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.