Re - mẹ của 30 đứa trẻ

29/01/2020 08:57 GMT+7

Sau gần 30 năm gắn bó với Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp (TP.HCM), mẹ Huỳnh Thị Ngọc Re sắp đến tuổi hưu nhưng mẹ chỉ có một ước nguyện: "Mãi được làm mẹ những đứa con ở làng trẻ em SOS".

Rời khỏi đất Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) lên TP.HCM năm 33 tuổi, mẹ Huỳnh Thị Ngọc Re (60 tuổi) quyết định dành phần đời sau này của mình cho Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp.
Đến nay, sau gần 30 năm, tóc mẹ Huỳnh Thị Ngọc Re đã pha sương và là mẹ của hơn 30 đứa trẻ. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống về hưu, mẹ thú thật mình chỉ mong sao cho Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp vẫn thiếu… nhân sự để có thể tiếp tục nuôi dạy “tròn đầy” những đứa con của mình.

Mẹ Re và những người con ở làng trẻ em SOS quận Gò Vấp

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Mẹ Re chải tóc cho một bé gái làng trẻ em SOS quận Gò Vấp

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Cơ duyên làm mẹ

Quê ở cù lao Bảo (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), cô Re là con út trong gia đình khấm khá có bốn anh chị em. Mang trong mình tư tưởng về một người phụ nữ độc lập, “sống là không lệ thuộc”, ngày ấy, cô Re ở tuổi 33 vẫn chưa muốn lập gia đình.
Theo lời giới thiệu của một người thân sống ở Sài Gòn, cô Re gửi hồ sơ xin vào làm ở Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp. Năm 1993, cô Re chính thức gia nhập gia đình SOS với vai trò “dì”, phụ trách hỗ trợ công nhân viên và các mẹ trông nom trẻ.
“Mỗi lần nấu cơm là hồi hộp lắm, vài phút lại mở nắp nồi ra canh cơm một lần”, cô Re nhớ lại những ngày đầu “chân ướt chân ráo” vào làng vì ngày ấy cô chưa biết nấu ăn. 

Sau hơn 30 năm gắn bó với Làng trẻ em SOS quận Gò Vấp, mẹ Re mong mình có thêm thời gian để chăm các em dù mẹ sắp đến tuổi nghỉ hưu

Ảnh: Thu Ngân

Đến năm 2000, cô Re chính thức trở thành "mẹ" của nhà số 9. Cho đến tận giờ, hơn 30 năm, cảm giác xao xuyến của ngày đầu làm mẹ vẫn như "chuyện của ngày hôm qua", như cô từng tự thốt lên với chính mình vào ngày trở thành "mẹ" ở nhà số 9: “Vậy là mình đã làm mẹ rồi sao?”

Mẹ Re vừa là mẹ, vừa là cha

Ngày đầu tiên mà mẹ Re tiếp quản, ngôi nhà có 10 trẻ, từ bé sơ sinh đến trẻ đã vào tiểu học. “Thời đó khó khăn nhưng tụi nhỏ ngoan lắm”, mẹ Re nhớ lại. 11 người cùng nhau quây quần sống trong những ngày điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn.
Sắm luôn vai trò của người cha và người mẹ, mỗi ngày cứ 5 giờ sáng là mẹ Re thức dậy chuẩn bị bữa sáng cho lũ trẻ. “Mình làm đồ ăn xong rồi thì kêu mấy đứa dậy, còn mình thì đi chợ. Đứa lớn chăm đứa nhỏ, rồi tự sửa soạn cặp sách đến trường, khi mình về là mọi thứ đã xong xuôi”, mẹ Re kể. 
Thời ấy, mẹ Re giặt đồ phải giặt bằng tay, một lúc mấy thau đồ, nhưng đó cũng là lúc vui nhất. “Mẹ thì vò xà bông một thau, giặt xong thì thả sang thau bên kia, có một đứa xả nước, xong thì có đứa đợi phơi", mẹ Re nhớ lại.
“Không biết hồi đó mình lấy cái nhiệt tình làm ở đâu ra. Làm mà vui lắm kìa, chắc là cái nhiệt huyết của tuổi trẻ. Mình thấy con ở làng, trăn trở làm sao cho con lớn lên để có thể hòa nhập được với xã hội...”, người mẹ ở làng trẻ em SOS quận Gò Vấp tâm tình.

Những tấm ảnh gia đình được mẹ Re sưu tập và treo ở góc nhà

Ảnh: Nhật Linh

Mẹ Re thuộc làu hoàn cảnh, tính cách, thói quen và sở thích của từng người con. Bà không khỏi tự hào về chuyện ăn học của các con: “Hiện giờ mẹ có 9 đứa đang học tiểu học và trung học phổ thông; đang học đại học, cao đẳng thì 9 đứa, 1 đứa đang du học bên Bỉ”.
Mẹ Re nói rằng bà thật sự mong muốn con vững bước vào đời vì thế bà luôn dạy dỗ các con rằng việc học là quan trọng nhất, học để có hành trang cho mình, để hiểu trách nhiệm xã hội của một con người... “Bởi các con có điều kiện như bây giờ là nhờ vào tiền của mạnh thường quân, của nhân dân quốc tế. Sống từ sự đóng góp cho xã hội, đó là cái nợ đời mà mình phải trả”, mẹ Re nói.

Mãi muốn làm mẹ ở gia đình SOS

“30 năm là ngắn ngủi trong cuộc đời này nhưng là tất cả cuộc đời của một người mẹ”, mẹ Re nói và bảo rằng mình may mắn khi gặp những đứa con ngoan. Những người mẹ của làng ai cũng chung chí hướng nên không có nhiều khó khăn trong môi trường nuôi dạy các con ở Làng trẻ em SOS.
Tuy thế, mẹ Re mãi trăn trở rằng bà thật sự sợ sự "không tròn đầy", tức cũng đến lúc bà bàn giao căn nhà và những đứa con mình cho một người mẹ mới. “Còn nhiều điều dang dở mà mình chưa làm được. Mình lo tâm sinh lý của tụi nhỏ sẽ có phản ứng, khó cho các con, khó cho người sau vì tình thương thì tăng dần theo tháng ngày mình bên cạnh các con”.

Thúy An, cô bé vào làng lúc hơn 1 tuổi, có sở thích và biệt tài vẽ tranh

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Những người con của mẹ Re biết điều đó nên ai cũng mang một nỗi niềm, sợ mẹ Re không còn là mẹ. "Chúng con muốn mỗi mùa xuân còn mẹ", một người con của  mẹ Re nói
Mẹ Re kể rằng mẹ đã làm sui gia với 4, 5 gia đình. “Mình không chỉ nuôi mà còn đi cưới gả cho con mình nữa. Nó không hạnh phúc là nó điện thoại mắng vốn, dâu thì mắng vốn con trai mình, rể mắng vốn con gái và mình phải ra hòa giải”, mẹ Re kể.

Công việc nhà được chia ra tùy theo độ tuổi, những bé nhỏ nhất thường giúp mẹ xếp quần áo, quét nhà…

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Ngần ấy cái Tết yên bình ở làng, năm nào những đứa con xa cũng về lại, đại gia đình sum họp với nhau. Và mùng 6 Tết, cả nhà sẽ lên xe về quê mẹ Re ở Bến Tre làm giỗ cho bà ngoại. Những việc thế này làm các con tin rằng mình cũng có một gia đình thực thụ, một cội nguồn.

Bé Uyên (còn gọi là Uyên nhỏ, bên phải) mới vào làng và thích lò tò theo chân mẹ

Ảnh: Phạm Thu Ngân

Hỏi rằng có bao giờ mẹ hối hận với lựa chọn của mình không, mẹ Re chia sẻ: “Nhiều khi thấy mình không nhiều tiền như bè bạn nhưng nhìn lại những đứa con mình thấy mình giàu lắm”. Và mẹ Re mong mình sẽ một người mẹ suốt đời của tụi nhỏ. “Mình sẽ phải nghỉ hưu nhưng mình vẫn là mẹ của các con mình", mẹ Re nói trong ánh mắt buồn.
Làng trẻ em SOS Quốc tế là tổ chức phát triển xã hội độc lập, phi chính phủ, phi chính trị và phi tôn giáo. Tại Việt Nam, Làng trẻ em SOS hoạt động dưới sự điều hành của Làng trẻ em SOS Quốc tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Được thành lập năm 1987, đến nay, làng trẻ em SOS Việt Nam đã có tại 17 tỉnh, thành phố trong cả nước, nuôi dưỡng và chăm sóc gần 6.000 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Để trở thành một người mẹ làng trẻ em SOS, người mẹ phải đảm bảo không vướng bận chuyện gia đình, sống tại làng và làm mẹ toàn thời gian. Người mẹ khi vào làng phải ở độ tuổi từ 25 đến 40 tuổi, là phụ nữ độc thân hoặc là mẹ đơn thân, không mắc bệnh truyền nhiễm, có lòng yêu trẻ và tự nguyện cam kết lâu dài với việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.