Romania có thể thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu

An Nguyên
(từ Bucharest)
21/01/2024 05:00 GMT+7

Chiều 20.1, theo giờ địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến thủ đô Bucharest, bắt đầu thăm chính thức Romania trong 3 ngày.

Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Romania ngày 3.2.1950. Từ năm 1950-1989, Romania đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi Romania thay đổi chế độ chính trị (12.1989), hai nước tiếp tục phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt.

Từ sau 1990, Việt Nam và Romania đã ký nhiều văn kiện tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới… Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là: cà phê, hải sản, hồ tiêu, dệt may, giày da, linh kiện máy tính. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam là: hóa chất, phân bón, sắt thép xây dựng, hạt nhựa, thiết bị khoan dầu khí, sản phẩm gỗ… Từ năm 2010, Romania đã được xếp vào nhóm các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam (khoảng 12.000 tấn/năm).

Romania có thể thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu- Ảnh 1.

Cộng đồng người Việt Nam tại Romania đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân ở sân bay quốc tế Henri Coanda

TTXVN

Chuyến thăm mang tính biểu tượng

Trả lời báo chí trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại sứ Romania tại Việt Nam Cristina Romila cho biết chuyến thăm mang tính biểu tượng sâu sắc, nêu bật mối quan hệ nhân dân hai nước bền chặt, trở thành nền tảng cho quan hệ song phương trong 74 năm qua.

"Chúng tôi có niềm vinh dự lớn khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tốt nghiệp đại học tại Romania. Nhiều lĩnh vực cùng có lợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chuyến thăm diễn ra thành công và thực chất. Chúng tôi kỳ vọng các dự án và khuôn khổ hợp tác pháp lý song phương sẽ đạt tiến triển mới", Đại sứ bày tỏ.

"Bên cạnh những thành tựu trong đối thoại chính trị-ngoại giao, hai nước cũng đạt được những bước phát triển trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, trên cả bình diện song phương và cả cấp độ Liên minh châu Âu", Đại sứ nhấn mạnh.

Một trong những thành tựu quan trọng của Romania trong vai trò Chủ tịch Hội đồng EU và chính sách thương mại EU là việc ký kết Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào tháng 6.2019. Romania là một trong các quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn IPA.

Ngoại giao nhân dân hai nước cũng đạt bước phát triển tích cực lớn sau đại dịch Covid-19. Hai bên thường xuyên đẩy mạnh trao đổi văn hóa, học thuật và kinh doanh. Đại diện của hơn 30 trường đại học Romania đã đến thăm Việt Nam trong 2 năm qua; dàn nhạc giao hưởng Bucharest nổi tiếng đến biểu diễn tại Việt Nam vào năm 2022 và 2023 tại Nhà hát lớn Hà Nội và Đà Lạt. Một số phái đoàn kinh tế đã đến thăm Việt Nam trong năm qua, tìm kiếm cơ hội mới nhằm làm sâu sắc và đa dạng hóa hợp tác kinh tế song phương.

Việt Nam tạo điều kiện cho Romania tiếp cận thị trường ASEAN

Đại sứ cũng bày tỏ ấn tượng trước những kết quả xuất sắc đạt được trong kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Romania cấp bộ trưởng về hợp tác kinh tế diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm ngoái.

Hai bên thống nhất các cơ chế hợp tác quan trọng trong những lĩnh vực cùng quan tâm, như thương mại, nông nghiệp, kiểm dịch thực vật, năng lượng, lao động, khoa học, công nghệ và văn hóa.

"Romania có thể trở thành cửa ngõ đưa hàng hóa Việt Nam vào châu Âu, tương tự Việt Nam tạo điều kiện cho Romania tiếp cận thị trường ASEAN. Chúng ta cần tận dụng hiệu quả EVFTA để mở cửa thị trường của nhau và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm", bà Cristina Romila nhấn mạnh.

Cộng đồng người Việt Nam tại Romania hiện có khoảng 650 người, chủ yếu kinh doanh hàng may mặc tại Trung tâm thương mại Dragon ở thủ đô Bucharest. Cộng đồng đã tổ chức được Hội người Việt Nam và Hội Doanh nhân Việt Nam tại Romania.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.