Rủ nhau đi học sơn mài

07/10/2014 13:25 GMT+7

Trong căn nhà nhỏ gần Hồ Tây (Hà Nội), người lớn và trẻ con xì xồ đủ thứ tiếng, say sưa vẽ trên vóc đen, thích thú gắn những vỏ trai, vỏ trứng, chăm chú sơn sơn, phết phết…

 Hoạ sĩ Trần Anh Tuấn hướng dẫn các học viên người nước ngoài trong lớp học sơn mài - Ảnh: Ngọc Thắng
Hoạ sĩ Trần Anh Tuấn hướng dẫn các học viên người nước ngoài trong lớp học sơn mài - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong ngày đầu tiên tham dự lớp học của thầy Tuấn (hoạ sĩ Trần Anh Tuấn), cô gái người Mỹ tên Paulina ấn tượng với những bức tranh sơn mài Việt Nam ngay từ lần đầu tiên được nhìn thấy. Những sắc màu tự nhiên của sơn mài không giống với bất kỳ gam màu nào được tạo bằng bột màu, màu nước, hay sơn dầu đã khiến cô vô cùng ngạc nhiên. Điều đó không ngừng thôi thúc một kẻ ngoại đạo như Paulina tìm hiểu về chất liệu hội họa độc đáo của Việt Nam.

Ngày đầu tiên, Paulina được thầy giáo hướng dẫn cách bắt đầu thực hiện một bức tranh sơn mài bằng việc vẽ lên vóc. Những nét vẽ phác thảo, bố cục bức tranh dần hiện lên trên tấm vóc đen. Trong lúc ấy, bà Fiona, một học trò người Philippines đang gắn vỏ trai, vỏ ốc, vỏ sò tạo màu cho những mái nhà trong bức tranh phố cổ Hà Nội. Mới học được 5 buổi, nhưng đến giờ bà có thể rành rẽ: mỗi loại vỏ sẽ cho những màu sắc trắng sáng khác nhau, ngay cả vỏ trai được gắn úp cũng sẽ cho ra màu khác với khi được gắn ngửa.

“Tôi đã mua không biết bao nhiêu tranh sơn mài. Đến giờ tôi muốn có một bức do mình tự làm”, Fiona cười thích thú.

Góc khác, Annette, nhà nghiên cứu khoa học người Úc, đang cắm cúi trộn sơn với bột màu. Ba tháng học đã giúp Annette thành thạo trong việc chia tỷ lệ lượng bột với lượng sơn, để màu không bị quá dày hay quá mỏng. Người phụ nữ háo hức khoe chiếc đĩa sơn mài đã hoàn thành dành tặng cho hai cô con gái nhỏ. Trên đó, Annette vẽ hình ảnh những vùng miền trên dải đất hình chữ S gia đình chị từng đi qua (Sapa, Hà Nội, Huế…). Hai cô con gái của chị Laula (10 tuổi) và Hantl (8 tuổi) luôn chờ đợi đến cuối tuần để được cùng mẹ đến lớp học. Hantl đang say sưa làm chiếc vòng tay sơn mài, còn chị gái Laula chăm chú tô sơn cho bức tranh.

Người bận bịu nhất trong lớp học là thầy giáo - hoạ sĩ Trần Anh Tuấn. Anh luôn chân, luôn tay và luôn miệng hướng dẫn cho học trò từng ly từng tý, từ cách tạo bố cục, phối màu của hội hoạ, cho đến những kỹ thuật làm sơn mài. Sơn mài còn hấp dẫn ở chỗ chỉ đến khi bức tranh được mài, những lớp màu thật mới dần dần hiện ra. Mỗi người có thể tự sáng tạo, pha chế những sắc màu cho riêng mình. Học sơn mài cũng giống như đang được khám phá thế giới màu sắc của tự nhiên. Người lớn và trẻ con cùng tỏ ra “khoái” sơn mài vì lạ, được thư giãn và thoả sức sáng tạo.

Trần Anh Tuấn là một cái tên nổi bật trong giới sơn mài Việt. Tranh của anh có nhiều chủ đề, từ con người, cảnh vật, hoa lá, cho đến tranh trừu tượng - ấn tượng với nhiều gam nóng, những sắc tươi (như màu đỏ, màu vàng cháy), tràn đầy sức sống. Tác phẩm được áp dụng khéo léo kỹ thuật sơn đắp, sơn khắc, từng lớp màu chồng lên, quện lấy nhau, mở ra những chiều cảm nhận sâu hút. Anh thích cảm giác hồi hộp, mong đợi mỗi khi mài đi lớp sơn, bức tranh hiện ra và không giống với bất cứ tưởng tượng nào trong tâm trí, điều chỉ tìm thấy ở sơn mài Việt.

Lớp học chỉ là một căn phòng nhỏ được Trần Anh Tuấn mượn của một người bạn. Nhưng nhìn vào, đủ thấy sự tinh tế của người nghệ sĩ. Không gian tuy có phần chật chội, nhưng vẫn chừa một khoảng không xanh. Người học được giao hòa, gần gũi với thiên nhiên, giống như con đường họ đến với sơn mài - chất liệu hội họa được tạo nên từ vạn vật của tạo hoá. Những người yêu thích và muốn khám phá sơn mài tìm tới lớp học của hoạ sĩ Trần Anh Tuấn đã gần cả trăm người, đủ mọi quốc tịch, lứa tuổi. Hóa ra, sơn mài vẫn… đắt hàng!

Minh  Ngọc

>> Bậc thầy tranh sơn mài
>> Triển lãm tranh sơn mài của 38 họa sĩ
>> Sức hút của sơn mài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.