Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 35: Bóng đá giúp tôi trở nên quyết đoán

16/03/2013 00:25 GMT+7

Từ giã sân cỏ gần 10 năm, Hiền Lương tăng ngót nghét hơn chục ký. Bạn bè trêu: “Vừa béo vừa yếu, không hiểu ngày xưa đá bóng bằng cái gì”.

Từ giã sân cỏ gần 10 năm, Hiền Lương tăng ngót nghét hơn chục ký. Bạn bè trêu: “Vừa béo vừa yếu, không hiểu ngày xưa đá bóng bằng cái gì”.  

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 34: Chàng “Độc cô cầu bại” hào hoa

Những lúc ấy, cô tiền vệ tài hoa một thời thường cười và trả lời: “Ngày xưa đá bóng bằng cái đầu”.

Luôn được nhắm vào vị trí tiền vệ trong mỗi mùa giải, một vị trí phải hoạt động liên tục trên sân mà hầu như cầu thủ nào cũng e ngại, nhưng Hiền Lương tự nhận mình không mạnh về thể lực. Bù lại, cô gái nhỏ nhắn này hồi ấy lại có lối chơi đầy kỹ thuật và tư duy nhạy bén. Cô quan niệm, làm điều gì cũng phải sử dụng đầu óc để mình luôn ở thế chủ động, bóng đá cũng vậy.

Là con thứ hai trong gia đình có 3 cô “công chúa”, từ nhỏ Hiền Lương đã nghịch ngợm và “mưu cao” hơn chị và em gái. Cũng nhờ thế mà chị em cô đã được “cứu” khỏi khối lần bị bắt nạt. Hồi bé, bên cạnh nhà Hiền Lương cũng có ba anh em bằng tuổi ba chị em cô. Có lần, chẳng hiểu trẻ con xích mích thế nào mà 3 cậu sang nhà đòi đánh nhau. Đánh thì thua ngay, Hiền Lương nghĩ thầm phải tìm cách “hoãn binh” đợi người lớn đến cứu. Cô hét to: “Từ từ đã. Muốn đánh thì phải chia cặp, anh đánh với chị, em đánh với em”. Đôi bên cãi qua cãi lại đến khi bác của Hiền Lương nghe tiếng và giải tán cả bọn.

 Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 35: Bóng đá giúp tôi trở nên quyết đoán
Ba mẹ con Hiền Lương - Ảnh: Tịnh Tâm

Bọn trẻ đá bóng cùng Hiền Lương hồi ấy cũng chỉ có mình cô theo nghiệp quần đùi áo số. Gặp lại bạn cũ, con gái thì rôm rả nhắc cái thời đá bóng toàn nắm tóc, kéo áo nhau, còn con trai thì lại ngượng. “Ngượng chứ, hồi đó tụi nó toàn rúc háng mình tranh bóng cơ mà”, Hiền Lương cười sảng khoái.

Hiền Lương vào đội tuyển bóng đá của Báo Hoa học trò cũng là chuyện “động trời”. Bởi khi ấy cả nước mới chỉ có ba đội bóng đá nữ ở Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM. Dãy phòng dưới gầm cầu thang của Sân vận động Quần Ngựa là nơi trú ngụ của đội bóng nữ Hoa học trò và nhiều vận động viên các môn thể thao khác.  “Mấy chục người chung nhau bể nước. Mùa đông trời chỉ có 9 - 10 độ, bể nước lạnh như băng. Cả bọn run cầm cập vẫn phải xông vào tắm vì sợ hết nước. Hôm nào về muộn, vét được mấy xô nước ở đáy bể thì nhìn thấy ngay mấy con chuột chết. Nghĩ lại vẫn thấy phục mình”, Hiền Lương kể.

Chính vì ý nghĩ “đá bóng bằng cái đầu”, nên Hiền Lương quyết tâm đi học Đại học Thể dục thể thao khi còn ở đỉnh cao của sự nghiệp. Có những buổi học tối, mình cô phóng xe 40 km từ Từ Sơn, Bắc Ninh về Mỹ Đình. Thậm chí có lần cô phải nhập viện vì suy nhược cơ thể.  

Chủ động “nhường” chồng

 

Bùi Thị Hiền Lương sinh năm 1974 tại Hà Nội, từng đoạt HCV SEA Games 20 năm 1999, HCV SEA Games 21 năm 2001. 4 lần đoạt chức vô địch quốc gia trong màu áo CLB Hà Nội, đoạt Vua phá lưới với 8 bàn thắng ở giải quốc gia năm 1998, cầu thủ xuất sắc nhất giải quốc gia năm 1999, HCV SEA Games 23 năm 2005 khi giữ chức trợ lý HLV đội tuyển VN, được trao thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Nữ tiền vệ một thời hay nói đùa: “Đá bóng là việc khó nhất mà mình cũng làm được rồi, thế thì còn sợ gì nữa”. Thế nhưng trong việc chăm chồng, chăm con, cô khiêm tốn nhận mình ở mức trung bình khá. “Cũng chẳng biết tả những món ăn mình nấu nó như thế nào”, Hiền Lương cười to, “Nhưng mà thằng cu đầu đã được gần 28 cân rồi nhé. Thi thoảng vẫn được mọi người khen: “Trông thế mà cũng mát tay ra phết nhỉ”.

Ông xã của Hiền Lương làm trong lĩnh vực liên quan đến tư vấn kinh tế, nên chuyện “khéo” và mềm mỏng lại có phần “hơn” vợ. Bóng đá đem lại cho Hiền Lương sự quyết đoán, vị trí tiền vệ rèn cho cô tính cách thủ lĩnh. “Nhưng phải biết đâu là sân bóng, đâu là nhà. Tôi chỉ đeo băng đội trưởng ở trên sân cỏ thôi”.

Chồng Hiền Lương mê bóng đá chẳng kém vợ. Cậu nhóc thứ hai nhà cô cũng phải bật bóng đá mới chịu ăn bột. Nhưng lạ một cái là nữ cầu thủ lại rất lười xem bóng khi về nhà. Bởi vậy mỗi lần ti vi phát trận bóng nào đó, là gia đình cô lại “diễn” cảnh: chồng hào hứng bình luận, vợ thì cứ ậm ừ. Những lúc ấy, ông xã cô lại than: “Mang tiếng lấy vợ cầu thủ mà chả ai xem bóng cùng mình”.

10 năm giải nghệ, ngoại trừ việc tăng cân thì Hiền Lương vẫn thế. Tóc có dài hơn một chút nhưng vẫn là tóc ngắn. Con gái chơi bóng, hy sinh đầu tiên là chuyện đẹp. “Ngày nào cũng lăn lộn trên sân cỏ bê bết bùn đất, gội đầu đến 3 - 4 lần. Nếu để tóc dài thì chắc chịu không nổi”. Thế mới có chuyện mỗi lần Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tổ chức tiệc hay khiêu vũ, các nữ cầu thủ chỉ dám... đứng nhìn. “Các nữ vận động viên của đội khác thì đẹp lắm, xúng xính váy áo. Mấy chị em đội bóng nhìn lại nhau...".

Ấy vậy mà bây giờ có lần thử điệu đà, son phấn một tí, ông xã Hiền Lương lại xua tay: “Không cần, anh yêu em có phải vì điều này đâu”. Hiền Lương cười thích thú: “May đấy, vì giờ chân mình toàn sẹo, có dám mặc váy bao giờ đâu”.

Hiền Lương giờ làm chuyên viên của Tổng cục Thể dục thể thao, thi thoảng vẫn được gọi huấn luyện khi đến mùa giải. “Đứng giữa sân cỏ, bao cảm xúc lại ùa về. Lòng vẫn tràn ngập háo hức và nghĩ: mình sẽ đi đường bóng thế này, sẽ đá quả bóng đến chỗ kia. Nhưng giờ già rồi, ra sân toàn bị các cháu lừa”, cô nói.

Giờ chỉ xem bóng đá như một khán giả, nhưng mỗi lần nghe bài quốc ca vang lên trong phần chào cờ, Hiền Lương vẫn cảm thấy “nổi da gà”, thậm chí là trào nước mắt như những ngày còn đứng trên sân cỏ. “Đấy mới chỉ là xem qua ti vi thôi đấy. Còn nếu xem trực tiếp thì thôi rồi, cảm xúc khủng khiếp lắm”. Có lẽ đó là một “cảm xúc nghề nghiệp” thiêng liêng mà có lẽ chỉ cô và những vận động viên từng đổ mồ hôi, nước mắt thi đấu ở đấu trường quốc tế vì màu cờ sắc áo của đất nước mới có thể chia sẻ được với nhau.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.