Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 84: Người ngoài đời xinh hơn

04/05/2013 03:15 GMT+7

Đó là cựu hậu vệ xinh đẹp của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Đào Thị Miện.

Đó là cựu hậu vệ xinh đẹp của đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Đào Thị Miện.

Ghét của nào trời trao của ấy

“Cả nhà Miện hầu như làm bộ đội. Bố mẹ cũng hướng cho mình theo bộ đội, nhưng Miện lại chỉ thích chơi bóng đá”, cô mở đầu câu chuyện về mình như vậy. Khi Miện được gọi vào đội tuyển bóng đá nữ Hà Tây năm lớp 10, bố Miện bảo: “Nếu đá bóng thì phải có thành tích cao, vào đội tuyển, có huy chương chẳng hạn, không thì thôi”. Đam mê quá, cô hứa liều. Cũng may, ngay sau đó, Đào Thị Miện được gọi vào đội tuyển quốc gia vào năm 2001, sau đó là vào ĐH Thể dục thể thao Từ Sơn và sự nghiệp của cô gắn với trái bóng tròn cho tới bây giờ.

Đào Thị Miện và con trai
Đào Thị Miện và con trai - Ảnh: nhân vật cung cấp 

Hôm chúng tôi gặp Miện ở nhà riêng, cựu hậu vệ của tuyển nữ quốc gia vẫn mặc bộ áo phông, quần soọc như thói quen ngày còn chơi bóng nhưng mái tóc thì đã dài và uốn xoăn điệu đà chứ không ngắn như hồi còn thi đấu. Cô bảo: “Đi làm, đi chơi, ở nhà cũng thế này. Mỗi khi đi họp hành cần nghiêm túc thì mới quần jeans, áo sơ mi”. Hồi còn ở tuyển, mỗi lần đi chơi với bạn bè là cả nhóm quần đùi áo số như nhau. “Con gái đấy, nhưng là dân thể thao nên cứ nói chuyện làm đẹp là lười, ngại”. Đi với bạn thì thế, nhưng hẹn hò với người yêu thì phải khác chứ. “Ôi trời, có mấy khi được hẹn hò. Khi nào không phải thi đấu, Miện lại về tít quê Hải Dương. Anh ấy muốn gặp thì lặn lội đến tận nhà Miện”, cô cười to.

Hỏi chuyện tình yêu, cô chép miệng: “Ghét của nào trời trao của ấy. Bố mẹ bắt đi bộ đội thì giãy nảy lên. Cuối cùng lại lấy về một ông bộ đội”. Ông xã chị là bộ đội, cùng quê, cùng đơn vị với anh chị Miện. Yêu nhau, anh chờ cô cầu thủ 3 năm mới cưới. Nhưng hỏi quân hàm của chồng, Miện... chịu. Cô hóm hỉnh: “Mình quan tâm đến cuộc sống khi ở bên gia đình của anh ấy chứ không hỏi quân hàm nên không biết đâu. Chỉ biết lương anh ấy được mấy triệu”.

Ngoài đời, cầu thủ Đào Thị Miện xinh xắn và trẻ trung, lém lỉnh hơn nhiều so với trên báo chí. “Trên sân bóng, người ta bảo tôi rất ghê, đã đá thì bất chấp nguy hiểm, chấn thương”. Tôi thì nhủ thầm rằng bà mẹ một con 32 tuổi này không “ghê” tí nào, dù cô bảo tính mình mạnh mẽ, quyết đoán, đã nói là làm. Một đức tính mà có lẽ chính bóng đá đã đem lại cho Miện.

Bài học trên sân là bài học ngoài đời

Sau một kinh nghiệm "đau thương" trong trận gặp Hàn Quốc ở vòng bảng châu Á tại sân Lạch Tray, Hải Phòng năm 2007, Miện càng thấm sự quyết đoán trên sân quan trọng thế nào. Trong một tình huống nguy hiểm, Miện chần chừ giữa việc phá bóng ra biên hay ra góc, vì cô biết rõ phá bóng ra biên sẽ có lợi hơn cho đội nhà. Ai ngờ cầu thủ đội bạn quá nhanh khiến Miện không kịp trở tay và dẫn đến quả phạt 11 m. Trận đó đội nữ Việt Nam thua 0-2. "Sau lần đó thì thấm, không bao giờ chần chừ nữa, góc thì cho ra góc", chị kể.

Bài học trên sân cỏ cũng là bài học ngoài đời của Miện. Sự quyết đoán đó có khi nhen nhóm từ khi cô bé Miện 10 tuổi đã tối tối hăm hở theo các chú, bác trong xóm đi bộ hơn 1 cây số để xem bóng đá nhờ trong thời gian diễn ra SEA Games 1991. Lớn hơn một chút, Miện cùng các anh chị trong xóm hái bưởi làm bóng đá mỗi chiều. Có mặt trong đội tuyển nhảy cao, nhảy xa của trường, dự thi các giải thể thao của huyện, tỉnh, nhưng cô bé Miện khi ấy chỉ dành niềm yêu thích cho bóng đá. Theo gia đình về Sơn Tây, Miện bắt đầu chơi bóng ở đội nữ Hà Tây khi 17 tuổi, khá muộn so với bây giờ khi các cầu thủ nhí tập luyện từ 12-13 tuổi.

Tìm được nữ cầu thủ đam mê với nghề thật hiếm. Chị bảo các nữ cầu thủ trong đội nhỏ hầu hết đều tuyển ở quê vì gái thành phố chẳng mấy ai đá bóng. Các em được tạo điều kiện đi học đại học, hưởng tiền trợ cấp mỗi tháng đủ để ăn học mà không cần gia đình chu cấp thêm. “Nhưng dù sao, con gái mà đá bóng thì ở thời nào cũng xác định là chơi bằng đam mê. Mỗi năm có duy nhất một giải quốc gia, lấy đâu ra chuyển nhượng, mua bán cầu thủ mà có tiền “lót tay” như bóng đá nam. Trừ khi thi đấu quốc tế, đạt thành tích cao, có tiền thưởng”.

Khi còn thi đấu, lần thưởng “to” nhất của Miện và đồng đội là HCV SEA Games 25, với số tiền khoảng 300 triệu. Số tiền ấy, một phần Miện lo cho em, phần còn lại góp cùng tiền gia đình nội, ngoại cho hai vợ chồng để mua căn nhà hiện giờ. “Nhà gần hai tỉ mà tiền của hai vợ chồng chưa đến 300 triệu. Vay thêm 200 triệu, đến giờ vẫn đang trả dần dần”.

“Chả giàu được với nghiệp bóng đã đành, nhưng thiệt thòi của con gái đá bóng có lẽ còn ở chỗ chẳng khéo léo, nữ tính được như người khác”. Bởi vậy mà dù giải nghệ đã 4 năm, nhưng khái niệm làm đẹp, thời trang vẫn còn xa lạ với Miện lắm. “Nhưng chả hiểu có phải nhờ bóng đá không, mà các nữ cầu thủ giải nghệ xong, lấy chồng năm trước, năm sau là sinh con, mà lại sinh toàn con trai”, Miện hóm hỉnh đùa. Cô hậu vệ “thép” ngày nào giờ cũng đã có một cậu con trai kháu khỉnh 5 tháng tuổi, với đôi mắt tròn lém lỉnh giống hệt mẹ. Miện bảo, khi nào con lớn, nếu muốn theo nghiệp bóng thì cô sẵn sàng ủng hộ, giống như bố cô đã từng chiều theo đam mê của con gái xưa kia.

Đào Thị Miện sinh năm 1981, sở trường vị trí tiền vệ trụ, nhiều năm làm đội trưởng tuyển bóng đá nữ VN, từng vô địch SEA Games 2001, 2003, 2005, 2009, á quân 2007, vô địch giải Đông Nam Á năm 2006, đoạt Quả bóng vàng VN năm 2006, 2 lần Quả bóng bạc VN năm 2007, 2008 và 2 lần Quả bóng đồng 2005, 2009.

Tịnh Tâm

>> Đào Thị Miện nhường băng đội trưởng
>> Cơ hội dự World Cup của bóng đá nữ VN
>> Bóng đá nữ VN đặt mục tiêu vào VCK World Cup 2015
>> Bóng đá nữ VN chưa vượt trội so với Thái Lan và Myanmar
>> Bóng đá nữ Việt Nam được tôn vinh
>> Bóng đá nữ Olympic 2012: Carli Lloyd lập cú đúp giúp Mỹ giành HCV
>> Bóng đá nữ Olympic 2012: Canada đoạt HCĐ nhờ bàn thắng muộn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.