Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 87: Mê làm kinh tế quần vợt

08/05/2013 03:40 GMT+7

Huỳnh Mai Huỳnh luôn hài lòng với lựa chọn theo quần vợt chuyên nghiệp. Thật sự, trái banh nỉ đã mang lại cho chị tất cả.

Huỳnh Mai Huỳnh luôn hài lòng với lựa chọn theo quần vợt chuyên nghiệp. Thật sự, trái banh nỉ đã mang lại cho chị tất cả. 

>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 86: “Mũi tên đen” hết lận đận
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 86: Hoàng Hà Giang “đấu” với bệnh tật
>> Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 85: Bán đất để chơi xe đạp

Gia đình quần vợt

Trò chuyện với Mai Huỳnh, cứ nhắc đến quần vợt là mắt chị sáng lên, nói rất hăng say. Hồi còn bé xíu, Mai Huỳnh thấy cha dạy chị gái Wendy Huỳnh đánh banh mà “mê mẩn”. Người chị rất có năng khiếu, từng xếp hạng 14 lứa tuổi thiếu niên trong bảng xếp hạng của Liên đoàn Tennis quốc tế (ITF), nhưng sau này không còn theo thể thao đỉnh cao mà phụ cha kinh doanh. Còn Mai Huỳnh, từ những bước đầu chập chững “học lóm” chị gái, đã được gia đình cho chơi quần vợt chuyên nghiệp và liên tiếp gặt hái thành công. Năm 17 tuổi, chị đã giành ngôi vô địch đơn nữ quốc gia và giữ vị trí đó trong nhiều năm liền. Mang quốc tịch Mỹ nhưng vì mong mỏi được thi đấu cho quê nhà nên năm 2005, Mai Huỳnh được nhập quốc tịch Việt Nam.

Sao thể thao ngày ấy - Kỳ 87: Mê làm kinh tế quần vợt
Mai Huỳnh hạnh phúc bên chồng - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nghỉ thi đấu từ năm 2011, chị làm phụ trách huấn luyện đội tuyển nữ quần vợt TP.HCM được một thời gian thì nghỉ thai sản. Mai Huỳnh dự định nghỉ thêm 6 tháng nữa, đợi bé gái Nguyễn Đình Bảo Khanh được 1 tuổi sẽ quay trở lại công việc. Hỏi chị chuyện gia đình, chị hào hứng: “Quần vợt đã mang lại cho Huỳnh mọi thứ, kể cả một gia đình hạnh phúc. Ông xã Huỳnh là HLV Nguyễn Đình Bảo Trị của đội tuyển TP.HCM. Ngày xưa anh ấy cũng là học trò của ba mình (HLV Huỳnh Phú Quí). Năm Huỳnh 13 tuổi, ba bận việc, không còn dẫn dắt nữa, anh Trị trở thành HLV của mình luôn. Hai anh em cùng đi chung một con đường suốt bao nhiêu năm, có buồn vui gì cũng chia sẻ với nhau. Bây giờ nên nghĩa vợ chồng, mình và ông xã lại càng hiểu ý nhau hơn. Vui ở chỗ, hai bên nội ngoại đều mê tennis nên những khi sum họp gia đình đều rất vui vẻ và đầy… tinh thần thể thao. Gần đây lại có thành viên mới là bé Bảo Khanh, xem như hạnh phúc càng trọn vẹn”. 

Có tiền quần vợt mới đi lên

Thời gian tới, Mai Huỳnh cho biết sẽ quay lại với việc huấn luyện tại đội tuyển TP.HCM. Nếu có cơ hội, có thể chị sẽ cầm vợt trở lại thi đấu một số giải để “đỡ nhớ” chứ không chơi đỉnh cao như trước đây. Những tháng vừa qua ở nhà chăm con, chị lúc nào cũng nghĩ về quần vợt, về tương lai của môn này tại VN.

 

Huỳnh Mai Huỳnh sinh năm 1984, từng 2 lần đoạt HCĐ SEA Games, 5 năm liền vô địch đơn nữ quốc gia (từ 2001-2005), vô địch giải Các cây vợt xuất sắc toàn quốc từ năm 2001-2007.

Chị chia sẻ: “Mình luôn mong muốn được góp chút sức cho quần vợt nước nhà. Gần đây, TP.HCM bắt đầu quan tâm đầu tư đào tạo VĐV trẻ. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua. TP.HCM có điều kiện sân bãi tốt, nhiều VĐV trẻ có tiềm năng, phong trào lại mạnh nhưng nhiều phụ huynh vẫn rất ngại ngần khi để con em mình chơi cho đội tuyển vì tương lai không đảm bảo. Ngoài ra, còn có một yếu tố cực kỳ quan trọng là kinh tế. Chơi tennis chuyên nghiệp cần rất nhiều tiền để đảm bảo VĐV được thi đấu tích lũy điểm ở các giải trên thế giới. Chắc bạn cũng thấy gia đình của Nguyễn Hoàng Thiên, Huỳnh Phương Đài Trang đã tiêu tốn bao nhiêu để các em được thỏa niềm đam mê? Do vậy, muốn phát triển đến nơi đến chốn, phải vận động được tài trợ. Mà ở VN, việc làm kinh tế thể thao nói chung và tennis nói riêng chưa thật sự hiệu quả”.

Mai Huỳnh kể, ở một số nước Đông Nam Á, tiêu biểu là Thái Lan, Liên đoàn Quần vợt có nhiều chuyên gia kinh tế thể thao thường xuyên liên hệ với các mạnh thường quân, doanh nghiệp để hỗ trợ tài chính. Để hoạt động hiệu quả, họ tổ chức các hoạt động nhằm đưa hình ảnh VĐV và môn thể thao của mình đến gần với công chúng để nhà tài trợ thấy được tiềm năng về quảng cáo. Nhờ vậy, có rất nhiều công ty trong và ngoài nước tham gia tài trợ. Khi phát hiện được tài năng trẻ nào, liên đoàn sẽ theo dõi sát sao để khi VĐV đó đạt thành tích, sẽ được hưởng lương, chế độ ưu đãi. Khi cần du đấu ở nước ngoài thì có nhiều hãng hàng không tặng vé. Lương cho VĐV phần lớn do nhà tài trợ trả và tăng giảm theo vị trí ở bảng xếp hạng ITF. Do đó, các tay vợt luôn có động lực để phấn đấu cải thiện thành tích.

Mai Huỳnh nhận định: “Hiện nay, Bình Dương là một trong những đơn vị làm kinh tế ở môn quần vợt tốt nhất VN khi họ liên kết rất thành công với Becamex. TP.HCM cũng được Tanimex hỗ trợ nhưng hoàn toàn có thể làm hơn thế. Phong trào ở TP.HCM rất mạnh, trong đó có không ít doanh nghiệp rất thích quần vợt”. Năm 2008, Mai Huỳnh và Đỗ Minh Quân “tự thân vận động” mà cuối cùng cũng tìm được một mạnh thường quân chơi nghiệp dư ở CLB Kỳ Hòa tặng tiền vé máy bay tham dự giải Master Cup của Thái Lan để tích điểm. Đây là một giải đấu rất lớn, VN tham dự 2 VĐV mà lấy luôn chức 2 vô địch đơn nam, đơn nữ. Từ kinh nghiệm của mình, Mai Huỳnh đang ấp ủ nhiều dự định vận động tài trợ, hy vọng giúp quần vợt TP.HCM có nền tảng kinh tế vững chắc để phát triển môn thể thao mà chị dự định sẽ “gắn bó suốt đời”.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.