Bỏ tiền túi làm cầu vượt sông Ba

24/06/2014 09:51 GMT+7

Mấy hôm nay có mưa to ở thượng nguồn, sông Ba nước cuộn lên như hàng trăm con trâu mộng. Anh Ksor Đan ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa (Gia Lai) suốt ngày ngó ra sông, nơi có cây cầu gỗ của gia đình đang chơ vơ chống chọi với con nước lớn.

Mấy hôm nay có mưa to ở thượng nguồn, sông Ba nước cuộn lên như hàng trăm con trâu mộng. Anh Ksor Đan ở xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa (Gia Lai) suốt ngày ngó ra sông, nơi có cây cầu gỗ của gia đình đang chơ vơ chống chọi với con nước lớn.

 Sông Ba
Cây cầu gỗ vượt sông Ba do vợ chồng Ksor Đan tự bỏ tiền làm - Ảnh: Trần Hiếu

Ksor Đan kể: “Nghe mình mạnh miệng tuyên bố với mọi người sẽ làm cầu gỗ vượt sông Ba, người làng nhìn mình như ở trên trời rơi xuống. Họ bảo vợ chồng nhà mình của chẳng có nhiều, lại nuôi thêm bảy con nhỏ, tiền đâu mà xây cầu. Nhưng mình hứa rồi, về bàn với vợ bán luôn mảnh ruộng 3 sào và 3 con bò được hơn 100 triệu đồng”.

Có tiền, Ksor Đan chọn nơi dòng sông chảy êm, cạn nhất để đóng cọc làm cầu. Những ngày đó, cả đoạn sông như công trường. Hơn chục người dân được Ksor Đan thuê làm ngày làm đêm. Nhiều người dân trong xã thấy những hàng cọc gỗ làm cầu định hình vững chắc trên dòng sông Ba hung dữ đã bắt đầu hết nghi ngờ ý tưởng của anh. Họ tình nguyện giúp công miễn phí. Ròng rã hơn ba tháng trời, cây cầu gỗ dài gần 200 m nối đôi bờ sông Ba đã thành hình trong niềm vui khôn tả của người dân.

Hơn 20.000 người dân của bốn xã phía đông sông Ba là Ia Kdăm, Chư Mố, Ia Tul và Ia Broăi được hưởng lợi trực tiếp từ cây cầu này từ nhiều năm qua. Ngày chưa có cầu, mỗi lần muốn sang trung tâm huyện Ia Pa, người dân phải vượt sông trên những chiếc thuyền tre tròng trành khá nguy hiểm. Ngày khánh thành cầu, hàng nghìn người dân đổ ra xung quanh, thay nhau đi thử trên chiếc cầu.

Đến mùa nước lớn, vợ chồng Ksor Đan lại thuê người dỡ ván cầu để tránh bị lũ cuốn. Từ năm 2003 đến nay, hàng trăm ngàn lượt người dân đã được hưởng lợi từ cây cầu này. Và cũng chừng đó thời gian, Ksor Đan phải thuê người làm lại cầu vì lũ về đột ngột, không kịp tháo ván cầu. Mỗi lần như thế tốn gần cả trăm triệu đồng.
Chị Siu H’My, vợ của anh Ksor Đan nói: “Cứ mỗi người và xe máy qua, mình chỉ thu 5.000 đồng/lượt, không nhiều đâu. Tiền thu được đóng cho xã 9 triệu đồng/năm và đủ nuôi 7 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn thôi. Gia đình mình chỉ muốn giúp dân bớt khổ”.

Ông Huỳnh Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã Ia Kdăm, cho biết: “Nhờ có cây cầu này mà người dân đi lại thuận lợi hơn. Một cây cầu bê tông nối hai bờ sông Ba sắp hoàn thành nhưng mình nghĩ sẽ có nhiều người dân chọn cây cầu này để qua lại vì rút ngắn được đoạn đường chừng 5 cây số”.

Trần Hiếu

>> Sông Ba sạt lở, hàng trăm hộ dân bị đe dọa
>> Sông Ba cạn nước giữa mùa mưa
>> Chủ động điều tiết nước tưới hạ du sông Ba
>> Cầu thanh niên bắc qua sông Ba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.