“Đảo gà chọi” thời cúm gia cầm

05/12/2005 15:16 GMT+7

Đảo gà chọi" nằm ở huyện Chợ Lách (Bến Tre). Toàn "đảo" có 114.000 con gà chọi, nhiều nhất khu vực ĐBSCL. Trong cơn đại dịch cúm gia cầm, những con gà chọi ở "đảo" cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Chỉ tính giá bèo 200.000 đồng/con, nếu tiêu hủy vì đại dịch thì người nuôi mất trắng gần 23 tỉ đồng.

Gà chọi đại hạ giá

Chúng tôi về huyện Chợ Lách (Bến Tre) vào những ngày nguy cơ đại dịch cúm gia cầm đang treo lơ lửng. Ba năm trở lại đây, xứ cù lao này ngoài sự nổi tiếng về sản xuất cây giống còn vang danh khắp ĐBSCL nhờ nghề nuôi gà chọi. Bởi vậy mà chết danh “đảo gà chọi” luôn. Nhưng lạ, suốt dọc tuyến Quốc lộ 57 từ thị xã Bến Tre tới phà Đình Khao (thuộc tỉnh Vĩnh Long) cái cảnh người người, nhà nhà “khoe” gà chọi không còn nữa.

Tư Bo (Võ Văn Bo), một “thổ địa” chuyên nghề gà chọi ở xã Hưng Khánh Trung, tình nguyện dẫn chúng tôi đi tìm gà, cười: “Lúc này mấy ông nuôi gà đá đều rút vào hoạt động bí mật hết trọi”.

Tư Bo dẫn chúng tôi luồn lách vào các ấp của xã Hưng Khánh Trung, nơi mà 10 nhà thì đã có đến 7-8 nhà nuôi gà chọi. Chợ Thanh Trung thường ngày tấp nập người mua kẻ bán gà chọi, nay vắng hoe. Nhưng trong không gian của buổi sớm mai, chúng tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đó tiếng gà ò ó o lúc xa, khi gần. Hỏi, Tư Bo nháy mắt: “Yên chí, theo chân tôi là mấy huynh biết liền hà”. Gởi xe gắn máy, len lỏi qua những con đường mòn vào các vườn sầu riêng, chôm chôm xanh mướt dọc bờ sông Cổ Chiên, đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm chiếc bội tre, bội kẽm nhốt bầy gà chiến dưới chân vườn mát rượi. Quanh đó, những chú gà trống, những chị gà mái nhởn nhơ kiếm ăn, chốc chốc đám gà nhốt bội lại tức khí đua nhau gáy vang trời. Thấp thoáng giữa các vườn cây là những chiếc võng của mấy ông chủ gà, nét mặt đầy cảnh giác trước khách lạ. Khi Tư Bo giới thiệu chúng tôi là người... đi tìm mua gà về dưỡng để Tết đá độ, vẻ cảnh giác mất hẳn. Anh Nguyễn Văn Cao, chủ bầy gà chiến hơn 20 con, cười xởi lởi: “Tháng trước một con 400.000 đồng - 500.000 đồng nhưng bây giờ đại hạ giá cho mấy huynh 200.000 đồng/con đó. Nhưng tụi tôi không bảo đảm cái vụ vận chuyển à nghe”.

Mang gà đi giấu

Anh Cao nhăn nhó: “Mấy ông cán bộ thú y cứ nay hăm chích, mai hăm tiêu hủy nên tụi tôi phải đem gà đi giấu?”. Chị Hồng, chủ một bầy gà chiến, càm ràm: “Gà nòi mạnh còn hơn vịt xiêm, đời nào mà bệnh. Gà đá của người ta mà mấy ổng chích thuốc vô là dân chơi gà chê rậm rề, giá mua chỉ còn phân nửa”. Nhưng mấy ông chủ gà chọi “hoạt động bí mật” lại bật mí với chúng tôi một chi tiết: Cán bộ thú y ấp cũng chẳng lạ gì cái trò đem gà đi giấu nên mỗi lần bắt gặp chỉ cằn nhằn chiếu lệ rồi thôi, không thèm chích thuốc cho gà.

Ở ấp Phụng Đức, xã Phú Phụng chúng tôi ghé trại gà chiến của anh Nguyễn Minh Tâm, dân chuyên nghề mua đi bán lại gà đá độ. Bầy gà của anh hiện còn hơn 20 con, chẳng thèm đem đi giấu ở đâu mà bày khơi khơi bên Quốc lộ 57. Nhắc tới thú y, chích ngừa, anh Tâm cười nhạt: “Sợ gì, đàn gà của tôi tiêm phòng đầy đủ hai đợt rồi, bày bán công khai”. Nhưng anh Tâm cũng thú thật: “Nếu buộc tụi tôi phải tiêu hủy đàn gà chiến thì chắc tôi cũng phải... đem giấu nơi nào kín kín cho qua đợt, bởi vốn đầu tư nuôi gà đâu phải nhỏ?”. Còn ông Mai Hồng Thảo, chủ trại gà ở ấp Đông Nam, xã Vĩnh Thạnh, cũng đang rục rịch chuẩn bị đưa bầy gà chọi hơn 100 con “di cư” ra các cù lao vắng người vì “tiêu hủy bầy gà chiến là tôi sạt nghiệp” - ông Thảo nói.

Nguy cơ treo trên đầu

Lúc ghé UBND xã Hưng Khánh Trung hỏi số liệu về đàn gà chọi, Chủ tịch UBND xã Trần Văn Long cười trừ: “Không cách gì thống kê nổi, chỉ biết tổng đàn gia cầm trong toàn xã là hơn 50.000 con”. Nhưng ông Long thừa nhận: UBND xã không thể có biện pháp gì hữu hiệu để bảo vệ đàn gà chọi của dân, mặc dù biết rõ nếu phải tiêu hủy thì thiệt hại về mặt vật chất sẽ rất lớn. Ông Long nói, nếu giữ kỹ thì đàn gà chọi rất khó bị bệnh dịch bởi chế độ chăm sóc của người nuôi rất nghiêm ngặt, nhưng nếu mầm bệnh lây từ đàn gà công nghiệp, đàn thủy cầm hoặc từ chim trời thì... coi như bó tay. Nhắc chuyện tiêm phòng, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Kim lắc đầu: “Mấy người nuôi gà chọi chẳng ai muốn tiêm phòng cho gà đâu. Lúc thú y mang vắc-xin đến thì họ nói gà sắp làm thịt đãi đằng đám tiệc, không cho tiêm. Mặt khác, quy định là ai không chịu tiêm phòng cho đàn gia cầm thì thú y lập biên bản để UBND xã xử lý nhưng cán bộ thú y do nể nang quen biết nên không lập biên bản, ủy ban xã cũng chào thua”.

Ở Trạm Thú y huyện Chợ Lách, trưởng trạm Võ Hữu Phước cho chúng tôi biết tổng đàn gà chọi của toàn huyện lên đến 114.000 con. Chỉ tính giá bèo bọt nhất là 200.000 đồng/con, nếu xảy ra đại dịch và buộc phải chấp hành tiêu hủy toàn bộ đàn gà chọi thì thiệt hại của “đảo gà” vô cùng lớn: gần 23 tỉ đồng. Bởi vậy mà anh Phước không ngần ngại bày tỏ quan điểm: Bằng mọi giá Chợ Lách phải giữ cho được đàn gà chọi. Anh Phước cho biết hiện nay tổng đàn gia cầm của huyện đã tiêm phòng xong đợt 2 và từ ngày 16/11/2005 UBND huyện đã ra chỉ thị “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với gia cầm để hạn chế lây lan mầm bệnh từ nơi khác tới: huyện cấm xe đò, tàu khách, phà vận chuyển gia cầm; xã cấm xe lôi, xe Honda ôm vận chuyển gia cầm.

Những người nuôi gà ở “đảo gà chọi” cũng thừa nhận: Nếu bị cúm gia cầm thì người nuôi gà chọi là những bệnh nhân đầu tiên. “Nuôi gà chọi là phải ăn chung, ngủ chung với gà (vì giá mấy trăm ngàn đồng/con nên ban đêm không ai dám để gà ngủ ở ngoài sợ ăn trộm bắt mất), chăm sóc như con mọn nên bị lây bệnh là điều tất yếu, coi như sinh nghề tử nghiệp vậy mà” - Tư Bo cười cười triết lý.

Theo Hùng Anh
(Báo Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.