Phong trào thanh niên phải được cụ thể bằng các công trình

11/12/2009 00:44 GMT+7

Sáng qua, Hội nghị BCH T.Ư Đoàn lần thứ 7 khóa IX khai mạc tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên, hội nghị nghe các tờ trình dự kiến nội dung báo cáo công tác Đoàn và phong trào thiếu nhi năm 2009; chương trình công tác năm 2010 và dự thảo Nghị quyết về "Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho thiếu niên và nhi đồng".

Theo dự thảo báo cáo trình hội nghị, năm 2009 là năm thành công trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Chủ đề công tác năm "Thanh niên với nghề nghiệp việc làm" được các cấp bộ Đoàn triển khai sáng tạo, hiệu quả. Các cấp bộ Đoàn trên cả nước tổ chức 7.487 sàn giao dịch, ngày hội việc làm thu hút 912.554 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tham gia. Tổ chức Đoàn trực tiếp giới thiệu và giải quyết việc làm cho 353.055 ĐVTN; dạy nghề cho 404.494 ĐVTN. Ngoài ra, có hơn 1 triệu ĐVTN được tư vấn, giới thiệu việc làm; 217.538 ĐVTN được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ gần 5.000 tỉ đồng…

Cũng trong sáng qua, BCH T.Ư Đoàn công bố dự kiến 3 chủ đề công tác năm 2010: Công trình thanh niên dựng xây đất nước; Tuổi trẻ VN tiếp bước truyền thống, xây dựng tương lai và Thanh niên với nghề nghiệp việc làm. Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, anh Võ Văn Thưởng gợi ý: Chủ đề công tác năm càng cụ thể, càng chi tiết thì cơ sở dễ thực hiện, tỷ lệ thành công cao. Quá trình thực hiện phải "nhất hô bá ứng", triển khai đồng loạt ở nhiều nơi, nhiều cấp, tạo thành kỷ lục và phong trào rộng lớn, kết quả cụ thể hóa bằng những công trình, phần việc để lại trong cộng đồng.

Hôm qua, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi xung quanh dự thảo Nghị quyết về "Tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho thiếu niên, nhi đồng". Hiện tình trạng thiếu nhà thiếu nhi diễn ra khá phổ biến ở nhiều tỉnh, thành. Cả nước có khoảng 15 triệu thiếu niên, nhi đồng nhưng chỉ có 35% số huyện, thị có nhà thiếu nhi. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng ban Thanh niên Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an cho biết, thiếu nhà thiếu nhi không chỉ phổ biến ở các tỉnh thuộc khu vực nông thôn, miền núi mà đang diễn ra ở nhiều đô thị, thành phố, ngay tại Hà Nội rất nhiều phường, xã, trường học không có sân chơi cho trẻ em.

Nhìn nhận những khó khăn trong việc xây mới nhà thiếu nhi, Bí thư Tỉnh Đoàn Phú Yên, anh Trần Hữu Thế cho rằng: “Ngoài việc xin cấp đất xây dựng, chi phí cho công trình không nhỏ nên công tác kêu gọi xã hội hóa tại các đơn vị là không dễ thực hiện.

Giả sử có xây dựng thành công, với số lượng cán bộ mỗi xã khoảng trên dưới 10 người như hiện nay thì khó có thể đảm đương việc quản lý, duy trì và tổ chức các hoạt động vui chơi cho thiếu niên, nhi đồng”. “Cơ sở Đoàn phải đóng vai trò tham mưu với lãnh đạo địa phương nhằm tạo ra thiết chế rõ ràng, tận dụng hệ thống nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng… tại khu dân cư làm chỗ vui chơi cho trẻ em”, anh Thế đề xuất.  

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.