Bạn trẻ phải tạo túi tiền từ... bàn phím và con chuột

04/12/2005 22:13 GMT+7

Thương mại điện tử (TMĐT) dù còn chưa phổ cập ở Việt Nam nhưng những doanh nhân trẻ đã vào cuộc như những người đi tiên phong để tìm kiếm cơ hội làm giàu. Ông Trần Thanh Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử Bộ Thương mại cho biết:

- Về mặt lý thuyết, chúng ta xuất phát không quá chậm so với các nước tiên tiến. Ngay khi internet vào Việt Nam năm 1997, tức là chỉ 2 năm sau khi các công ty kinh doanh bằng loại hình TMĐT như eBay, Amazon thành lập, chúng ta đã có những hoạt động manh nha của TMĐT. Tuy nhiên, trong khi TMĐT trên thế giới có những bước tiến dài suốt 10 năm qua thì chúng ta mới chỉ tăng tốc cách đây chừng 2-3 năm. Vài năm gần đây, số website tiếng Việt đã tăng rất nhanh và trong đó số website của các doanh nghiệp đã chiếm một số lượng lớn. Điều đó nói lên rằng các nhà doanh nghiệp nói riêng và cả người dân Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đến các thông tin qua mạng internet, trong đó có các giao dịch kinh tế.

* Theo ông, để phát triển TMĐT, chúng ta cần phải có những điều kiện gì?

- Có 3 điều kiện cơ bản cần đạt tới. Một là cần có cơ sở hạ tầng: Đó là máy tính nối mạng, tốc độ đường truyền tốt, hạ tầng thanh toán trực tuyến, trình độ bảo mật... Hai là cơ sở pháp lý: Từ 1997, chúng ta chưa có văn bản pháp lý cơ bản nào cho TMĐT cho đến khi Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử ngày 19.11 vừa qua. Có thể nói việc thông qua luật có tác động lớn đến tâm lý của các doanh nghiệp cũng như người dân. Thứ ba là điều kiện kinh tế - xã hội. Ở nước ta, thói quen mua bán "tiền trao cháo múc" vẫn không dễ thay đổi. Tức là người mua vẫn phải đến tận cửa hàng của người bán và lựa chọn mua hàng rồi thì rút tiền mặt ra trả. Như vậy khó mà nói đến phát triển TMĐT.

* Như vậy là cơ hội dành cho giới trẻ là rất lớn, thưa ông?

"Chỉ với bàn phím và chuột, các bạn trẻ đã có thể tạo dựng sự nghiệp của mình nhờ thương mại điện tử ngay từ hôm nay". Ông Trần Thanh Hải

- Những người trẻ là những người năng động nhất, họ thích cái mới và thích nghi rất nhanh với cái mới - điều đó rất thích hợp với TMĐT. Đa số những người ở thế hệ 8X đã làm quen với internet từ khi ngồi trên ghế trường phổ thông. Do vậy, khi vào đại học, họ đã không còn xa lạ với những tiện ích từ internet. Khi đó, những sinh viên học ngành công nghệ thông tin hoặc kinh tế, hay đơn giản là những người đam mê kinh doanh có thể tham gia TMĐT ngay lập tức. Bạn trẻ phải dùng bàn phím và chuột để tạo... túi tiền. Kinh doanh TMĐT có thể có nhiều hình thức: Bạn có thể tự xây dựng một website để bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ của mình. Cái này có nhiều lợi ích cả trước mắt cũng như lâu dài nhưng đòi hỏi phải có sẵn vốn hoặc có trình độ về công nghệ thông tin. Bạn cũng có thể kiếm một gian hàng nào đó ở một sàn giao dịch TMĐT có sẵn và chỉ việc kinh doanh...

* Vậy bạn trẻ cần phải chuẩn bị gì để khởi nghiệp bằng TMĐT?

- Trước hết, cần chuẩn bị cho mình một bản kế hoạch kinh doanh kỹ lưỡng. Dù có thể cắt giảm các chi phí thuê cửa hàng, giao dịch nhưng TMĐT lại có những đặc thù riêng... Tiếp đó, bạn phải chọn được mặt hàng kinh doanh hợp lý. Kinh doanh thông thường đã cần ý tưởng, sáng tạo thì kinh doanh TMĐT càng cần điều đó. Đừng tưởng anh không cần mất tiền thuê cửa hàng, trang trí nội thất nhưng vẫn trông thấy lãi. Phải chọn mặt hàng nào hợp lý, không quá đắt vì khách hàng vẫn chưa quen với việc bỏ một lượng tiền lớn để mua một thứ hàng trên không gian ảo.

* Với tư cách là Phó vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử của Bộ Thương mại, ông sẵn sàng giúp những người trẻ lập nghiệp bằng hình thức kinh doanh mới mẻ này chứ?

- Tôi luôn sẵn sàng! Các bạn có thể tham khảo thông tin tại website của Bộ Thương mại: www.mot.gov.vn  và Cổng thương mại điện tử quốc gia: www.ecvn.gov.vn (hoặc liên lạc ông Trần Thanh Hải, e-mail: thanhhai@mot.gov.vn; website: www.thanhhai.com - PV). Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ mời những doanh nghiệp thành công cùng tham gia chia sẻ kinh nghiệm, dẫn dắt người đi sau... Với sự sáng tạo của một thế hệ doanh nhân người Việt trẻ, tôi tin là chúng ta sẽ thành công. Chúng tôi đặt ra mục tiêu đến 2010 sẽ có 60% các doanh nghiệp lớn tham gia giao dịch điện tử, 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ có hiểu biết và ứng dụng TMĐT, 10% hộ gia đình mua sắm qua TMĐT.

* Xin cảm ơn ông !

Káp Thành Long
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.