Phải thay đổi cách đào tạo nghề báo

04/12/2005 22:24 GMT+7

PGS-TS Dương Xuân Sơn - khoa Báo chí Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Hiện nay hằng năm, tại ba cơ sở đào tạo cử nhân khoa học báo chí trong cả nước cho ra trường gần 400 SV, các cơ sở đào tạo khác có khoảng gần 100 SV tốt nghiệp. Đáng lưu ý là tỷ lệ SV báo chí ra trường làm được việc còn thấp (khoảng 15%), nhiều SV phải chuyển đổi nghề”.

Lý do tại sao? TS Sơn cho rằng trong những năm qua, đội ngũ cán bộ nghiên cứu giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn mỏng về số lượng và chất lượng. Tại một số cơ quan báo chí có nhiều nhà báo giỏi nghề được đào tạo bài bản ở nước ngoài, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn nhưng lại bận tác nghiệp, đồng thời do cơ chế chưa đủ mạnh nên chưa thu hút họ vào công tác đào tạo.

Theo đánh giá của nhà báo Lê Quốc Minh - Ban Biên tập tin đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam, SV báo chí hiện nay không có nhiều cơ hội để thực hành cho đúng nghĩa. Thời gian thực tập ở các tòa soạn nếu có thì chỉ là một bước bắt buộc cho đúng thủ tục trước khi tốt nghiệp. Một số SV chủ động thực hành vấp phải khó khăn vì không thuộc biên chế của tờ báo nào nên không tiếp cận được các đối tượng cần thiết hoặc không thể kiếm được các thông tin đắt giá do ít mối quan hệ.

TS Nguyễn Thị Minh Thái - khoa Báo chí Trường ĐH KHXH và NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) kể lại: "Là người đứng lớp giảng dạy cho SV báo chí từ năm thứ nhất và cũng là người đích thân dẫn SV năm thứ 3 đi thực tế, tôi mới thấm thía một điều: SV báo chí của tôi quá khát thực hành nghề báo!". TS Thái đã rút ra kết luận: SV báo chí phải được đào tạo trong thực tế. Để tăng cường khả năng thực hành của SV, nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng: Các khoa báo chí cần tạo một kênh liên hệ chặt chẽ với các cơ quan báo chí để đưa phóng viên đến thực tập ngay từ những năm học đầu tiên. Nếu chỉ đặt vấn đề hỗ trợ SV thì nhiều tờ báo cũng không nhiệt tình, nhưng nếu họ thấy đây là một nguồn cung cấp phóng viên chất lượng thì có thể sẽ tạo điều kiện giúp đỡ.

TS Dương Xuân Sơn cũng đề xuất: cần có sự liên kết phối hợp giữa nhà trường và cơ quan báo chí nhằm huy động nguồn lực cho việc dạy và học; nâng cao chất lượng cũng như gắn kết giữa đào tạo và tuyển dụng, giữa nhu cầu tiếp nhận và cung cấp nguồn nhân lực...

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.