Dân số thế giới: Công dân "tóc bạc" ngày càng tăng

05/12/2005 22:36 GMT+7

Quả bom dân số một thời đe dọa sự phát triển của xã hội loài người và nay vẫn là một nỗi ám ảnh. Nhưng, trong tương lai gần nó sẽ nhường chỗ cho một mối quan ngại khác cũng nghiêm trọng không kém: dân số thế giới sẽ giảm đi sau khi lên đến đỉnh cao.

9 tỉ dân vào năm 2050.

Mới đây, LHQ đã cảnh báo rằng nhiều thành phố trên thế giới đang trở nên quá nhỏ bé so với số người sinh sống ở đó. Chỉ riêng Lagos (Nigeria), trong 20 năm từ 1995-2015 dân số đã tăng hơn 2,5 lần từ 6,5 triệu lên 16 triệu. Nếu không có một sự cải thiện đáng kể nào, thế giới sẽ phải đối mặt với thực tế là đến năm 2050, 50 nước nghèo nhất thế giới sẽ có dân số tăng gấp 3 lần lên 1,7 tỉ người. Tuy nhiên, đó chỉ là một góc của bức tranh toàn cầu.

Khuynh hướng sinh ít con đang rất phổ biến ở những phần còn lại của thế giới. Tỷ lệ sinh trong vài năm gần đây giảm phân nửa so với 1972, từ 6 trẻ/mẹ xuống còn 2,9 trẻ. Theo nghiên cứu của các nhà nhân khẩu học, con số này đang giảm với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Dự kiến dân số thế giới tiếp tục tăng từ 6,4 tỉ  hiện nay lên trên dưới 9 tỉ  vào năm 2050 để rồi sau đó sẽ giảm nhanh chóng. Xu hướng mới này sẽ làm thay đổi tất cả mọi thứ, từ sức mạnh của từng quốc gia đơn lẻ cho đến sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu hay chất lượng cuộc sống của người dân trên cả hành tinh này.

"Khủng hoảng quốc gia" !

Hiện tượng tỷ lệ sinh suất ở châu u giảm trong nhiều năm qua đã trở nên quá quen thuộc và để thổi phồng quả bóng dân số của châu lục già cỗi này, châu u phải tăng sinh suất lên mức 2,1 con/phụ nữ. Theo thống kê năm 2002, Pháp và Ireland với sinh suất 1,8, đã được coi là "siêu sao" của châu u trong khi Ý và Tây Ban Nha đành đứng cuối bảng tổng sắp của châu lục này với tỷ lệ sinh 1,2. Đức nằm ở khoảng giữa với sinh suất 1,4. Nếu dự đoán của LHQ là đúng thì dân số Đức sẽ giảm 1/5 trên tổng số 82,5 triệu người trong 40 năm tới, một mất mát chưa từng thấy ở châu u kể từ cuộc chiến 30 năm (1618-1648). 40 năm nữa, dân số Bulgaria sẽ giảm 38%, Romania 27%, Estonia 25%. Riêng Ý cũng sẽ giảm 40% dân số trong tuổi lao động. Hiện nay, mỗi năm Nga mất đi gần 750.000 người và Tổng thống Nga V.Putin đã gọi đó là "một cuộc khủng hoảng quốc gia". Còn Tây u có nguy cơ mất đi 3 triệu người/năm vào giữa thế kỷ này. Tại châu Á, Nhật Bản hiện có sinh suất 1,3 và theo đà này 40 năm nữa dân số xứ sở hoa anh đào sẽ giảm 1/4 so với 127 triệu người hiện nay. Hàng loạt nước và vùng lãnh thổ ít phát triển hơn cũng đi theo vết xe đổ này mà một số đại diện tiêu biểu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Uruguay, Cuba, Brazil, các nước ở vùng Ca-ri-bê... Trung Quốc cũng chịu chung tình trạng khi sinh suất giảm từ 5,8 năm 1970 xuống còn 1,8 hiện nay. Đến năm 2019 hoặc sớm hơn, dân số của đất nước đông dân nhất sẽ lên đến đỉnh điểm 1,5 tỉ  người nhưng sau đó sẽ giảm xuống. 

Gánh nặng 4-2-1

Trong khi ngân sách an sinh xã hội, hưu trí của Nhật Bản và châu u trở nên ngày càng ít ỏi so với nhu cầu do số công dân "tóc bạc" ngày càng tăng, giới trẻ Trung Quốc, những người được sinh ra từ chính sách một con thì phải chịu gánh nặng do chính sách này gây ra. Vấn đề này được gọi là 4-2-1. Đi theo thứ tự ngược lại của dãy số này có nghĩa là những người làm con một phải chịu trách nhiệm chăm sóc 2 người (cha mẹ) + 4 người (ông bà nội ngoại). Mặc dù có cơ cấu dân số khá ổn định, Mỹ cũng không "miễn nhiễm" khỏi nguy cơ dân số già và chịu chung hậu quả. Chi phí an sinh xã hội của Mỹ liên tục đội lên, từ 4,3% của GDP trong năm 2000 và dự đoán lên 11,5% năm 2030 và 21% năm 2050. Tuy vậy, không dễ gì nâng tỷ lệ sinh ở các nước nói trên vì xu hướng đổ xô ra thành thị sinh sống, chi phí nuôi con đắt đỏ, phụ nữ có trình độ học vấn ngày càng cao, tình trạng ly hôn, nạo phá thai lan tràn và khuynh hướng kết hôn muộn... (MSNBC)

Uyên Phi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.