Đi bán phù sa

03/12/2007 00:06 GMT+7

Sau những ngày bó gối với lũ lụt triền miên, người lao động nghèo xứ Huế kiếm cơm bằng nghề chưa từng có trong lịch sử bách nghệ: đi bán phù sa.

Người nghèo ven sông

Anh Nguyễn Khuê, nhà ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, P.Phú Hiệp, TP Huế, có một nghề độc đáo mà người Huế vẫn quen gọi là "thợ đụng" - tức gặp việc gì, làm việc ấy, ai thuê làm gì làm ấy. Nghề "thợ đụng" của Huế nói đúng nghĩa ra đó là nghề của những người thất nghiệp, không có việc làm chuyên môn ổn định. Cha mẹ nghèo nên sinh ra con cũng nghèo. Không có tiền ăn học, từ nhỏ anh chỉ học chưa hết cấp hai rồi lao đầu vào kiếm cái ăn như bao thanh thiếu niên khác ở cái xóm nghèo vùng thấp trũng này.

Lớn lên anh gặp người bạn đời cũng nghèo chẳng có công ăn việc làm ổn định. Họ lấy nhau và sinh được bốn người con. Cái vòng quay "luẩn quẩn" cứ thế xoay vần rồi truyền tiếp xuống đời con. Đứa con đầu của anh Khuê chưa học hết THCS cũng đã phải nghỉ học theo cha làm nghề "thợ đụng". Khác với anh Khuê, anh Thành cùng ở trên đường Nguyễn Chí Thanh, trước đó cũng có nghề nghiệp ổn định. Sau khi nghỉ học, anh Thành đã đi học nghề thợ mộc gia dụng. Ra nghề, anh đi làm thợ ở Quảng Bình. Phong trào sử dụng đồ gỗ phất lên một thời gian rồi sau đó do nguồn gỗ rừng hạn chế, sự cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm gia dụng bằng các vật liệu khác (nhôm, sắt, gỗ ép công nghiệp ngoại nhập...) đã dần dần thay thế đồ gỗ tự nhiên trong đời sống xã hội. Nghề thợ mộc cũng vì thế mà không còn thịnh phát như trước. Anh Thành bỏ nghề trở về nhà, lập gia đình. Loay hoay mãi không có việc gì ổn định cuối cùng anh cũng trở thành "thợ đụng". 

Không chỉ một mình anh Khuê, anh Thành mà cả dãy dân cư sống ven sông Hương, các vùng thấp trũng ngoại vi thành phố thuộc phường Phú Cát, Phú Hiệp, Phú Hậu... TP Huế, cũng có cuộc sống bấp bênh tương tự. Công việc chính của họ là ở vỉa hè, bến xe, bên hành lang chợ, người thì đạp xích lô, kẻ gánh thuê... Những đợt lũ triền miên đã khiến những người lao động nghèo mất việc. Sau lũ, họ lại đổ ào ra đường kiếm cơm bằng mọi công việc khác nhau và có một nghề mới đã giúp họ vượt khó: đi bán phù sa.

Đi bán phù sa


Anh em anh Thành mỗi ngày kiếm được trên 200 nghìn đồng từ những xe phù sa màu mỡ như thế này - Ảnh: B.N.L

Lũ rút. Trên những tuyến đường như Bạch Đằng, Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Chí Thanh... thuộc các phường Phú Hiệp, Phú Hậu, TP Huế hàng trăm nghìn mét khối bùn đất còn đọng lại. Lượng bùn non tồn tại trong thành phố giờ trở thành nguồn phù sa màu mỡ bồi bổ cho những khu vườn lưu niên đã bạc màu bấy lâu. Anh Khuê, anh Thành và hàng trăm hộ lao động nghèo khác nhờ vậy đã có việc làm thời vụ để kiếm cơm.

Từ sau cơn lũ, ngày nào hai cha con anh Khuê cũng ra bãi bồi phù sa chất chồng ngay trước trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm để xúc bùn đi bán. Trong cái nắng mới sau lũ còn hăng hắc mùi bùn, hai cha con anh vẫn lặng lẽ đào xúc từng xe đất nhỏ. Công việc nặng nhọc nhưng mỗi ngày hai cha con anh cũng kiếm được gần 100 ngàn đồng từ lượng phù sa đem bán cho những hộ nhà vườn trong thành phố. Tại điểm trước trường THPT Gia Hội (TP Huế), vợ chồng anh Thành cũng miệt mài với những đống phù sa cao quá đầu người.  Mỗi xe bùn bán được 3.000 đồng, với chiếc xe vận tải kéo tay, mỗi ngày vợ chồng anh cũng kiếm được hơn 200 nghìn đồng. Có việc anh Thành đã gọi thêm một người anh bên vợ ở Quảng Điền lên thành phố để cùng xúc đất đem bán. Cũng là để giúp nhau trong lúc thiên tai khốn khó.

Dừng tay bên đống đất đang vơi dần, anh Thành nói với phóng viên: "Lượng bùn non đến chừ đã vơi nhiều rồi. Cách đây một tuần, anh về mới thấy. Cả làng cùng đi bán đất. Vui lắm". Anh Thành cho biết: "Loại bùn non này đổ vào đâu cũng tốt. Dưới ni thấp, nhiều gia đình nhân cơ hội có bùn đã mua để tôn thêm cốt nền nhà chống lũ. Đất ni mà đổ vườn thì nhất sách". Quả vậy, Huế nổi tiếng với nhà vườn và có được những khu vườn sum suê cây trái cũng chính nhờ những hạt phù sa sau lũ. Ngoài những hộ nhà vườn, nhiều nghệ nhân cây kiểng cũng rất cần đất bùn phù sa để bón cho những chậu hoa chuẩn bị khoe sắc độ xuân về.  Những xe đất phù sa trĩu nặng mà anh Thành đang xúc đã được bán cho một thầy giáo đã về hưu đang vui thú nhà vườn ngay trong xóm. Anh Thành cho biết, năm nào vị thầy giáo này cũng mua phù sa bồi bổ cho khoảng vườn  rộng gần 1.000m2 của mình. Vị cựu giáo viên của trường Quốc học (Huế) này giờ con cái đã trưởng thành đỗ đạt. Thầy sống một mình với mảnh vườn xanh tươi như một thú đam mê tuổi già. Niềm đam mê vườn tược của thầy giờ đã trở thành thu nhập cho những người lao động nghèo sau những ngày mưa lũ khốn khó. 

Cựåc nhọc nhưng có tiền, đó cũng là niềm hạnh phúc sau lũ của những người lao động nghèo trong thành phố. Lượng phù sa sau lũ không thể bù đắp cho những thiệt hại to lớn mà lũ lụt gây ra trong những ngày cuồng nộ. Nhưng với người dân xứ Huế vốn rất lạc quan và tin vào quy luật trời đất (quy luật tự nhiên), thì đây cũng chính là sự bù đắp nhân quả mà trời đất đã ưu ái dành cho con người. Rít một hơi thuốc dài, anh Thành triết lý: "Xưa nay trời chưa lấy đi của ai cái gì mà không trả lại. Sau những đợt lụt như ri, chắc chắn người dân sẽ có vụ mùa bội thu...". 

Từ câu chuyện của những người lao động nghèo lạc quan nhờ có nghề mới đi bán phù sa, tôi bỗng mơ màng nghĩ đến một viễn cảnh biến lũ lụt triền miên của miền Trung thành lợi thế để phát triển. Dù ảo tưởng nhưng chẳng lẽ miền Trung còn có cách nào khác tốt hơn chăng?

Bùi Ngọc Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.