Không coi người nhiễm HIV/AIDS là người mắc tệ nạn xã hội

04/12/2007 14:23 GMT+7

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam: ngoài nhóm nghiện chích ma túy và gái mại dâm nhiễm HIV/AIDS (chiếm hơn 50%), số còn lại bị nhiễm là ở các nhóm đối tượng khác, trong đó có cả thanh niên, trẻ em, phụ nữ mang thai... Vì vậy, không thể đánh đồng vấn đề nhiễm HIV/AIDS với các tệ nạn xã hội được.

Kinh nghiệm của các quốc gia và người nhiễm cho thấy: muốn phòng việc lây nhiễm HIV/AIDS thành công, không thể không hợp tác với người nhiễm và gia đình họ. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm càng làm họ sợ hãi, xa lánh cộng đồng và trốn tránh, từ đó gây ra tâm lý “trả thù“, không hợp tác với cộng đồng trong việc phòng chống bệnh, càng làm cho dịch thêm phát triển.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế: số người nhiễm HIV/AIDS ở Việt Nam đang có xu hướng chững lại, tuy nhiên diễn biến của dịch vẫn hết sức phức tạp. Riêng 7 tháng năm 2007, toàn quốc đã phát hiện 13.695 trường hợp nhiễm HIV, 100% tỉnh, thành phố, 93% quận, huyện và 54% xã, phường đều phát hiện có người nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS vẫn tiếp tục đe dọa sự phát triển kinh tế, chính trị, an toàn xã hội tương lai giống nòi của dân tộc. Hai nguyên nhân chính làm lây lan HIV do tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn. Hai nguyên nhân này lại gắn với hai tệ nạn xã hội ma túy và mại dâm nên mọi người nhìn nhận HIV/AIDS như một tệ nạn xã hội và có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.

Xác định mức độ nguy hiểm của dịch, thời gian qua nhiều biện pháp phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai và mang lại thành công nhất định. Tuy nhiên, vấn đề nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt, nhiều người khi nhắc đến HIV/AIDS vẫn quan niệm đấy là tệ nạn xã hội nên đã xa lánh cả những người bị nhiễm bệnh một cách hết sức ngẫu nhiên do lây truyền bất khả kháng trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, một số người bị nhiễm HIV không phải do họ tiêm chích ma túy hoặc quan hệ tình dục với gái mại dâm, mà do họ bị lây từ người thân trong gia đình. Đó là những sinh linh mới chào đời, những cháu bé vô tội, những cán bộ y tế, các chiến sĩ công an... bị lây nhiễm HIV do tai nạn nghề nghiệp hoặc từ người thân yêu nhất. Có nhiều người đã nói thẳng: Kệ xác, không phải thương tiếc quan tâm đến toàn là quân nghiện hút ma túy, gái mại dâm... và có thái độ coi thường, xa lánh người nhiễm bệnh. Điều này cản trở không nhỏ đến công tác chăm sóc người bị bệnh, khiến dịch có nguy cơ tiếp tục lan tràn ở nước ta.

Một khía cạnh nữa cần xem xét đó là: khi nhiễm HIV, nếu được chăm sóc, điều trị cùng với các liệu pháp tinh thần, thể thao và làm việc hợp lý thì thời gian nhiễm kéo dài tới 10-20 năm mới trở thành bệnh nhân AIDS. Vì vậy, các chính sách xã hội, cộng đồng, gia đình và hơn hết là chính người nhiễm phải “bình thường hóa”, tiếp tục học tập, làm việc và chung sống và có trách nhiệm, quyền lợi theo Luật pháp Việt Nam dành cho tất cả các công dân bình thường khác.

Theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam: số người từ 20 đến 29 là lứa tuổi lao động đang chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số người nhiễm HIV/AIDS. Đây thực sự là thách thức lớn đối với xã hội, vì vậy chúng ta phải tạo mọi điều kiện để chăm sóc họ, tránh để bệnh dịch HIV/AIDS tác động xấu đối với sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.