2010: Thế giới bước vào thời hậu máy tính

11/12/2010 15:40 GMT+7

(TNO) Sẽ là thái quá nếu bảo rằng máy tính để bàn (PC) đang "hấp hối". Tuy nhiên, những sự kiện CNTT nổi bật nhất trong năm 2010 cho thấy PC đang ngày càng mờ nhạt trong vai trò là công cụ để kết nối internet, làm việc và giải trí. Mọi người đang có hằng hà sa số những lựa chọn khác cho cuộc sống ngày càng năng động của mình.

Trong lần chia tay với Microsoft hồi tháng 10 vừa qua, lãnh đạo bộ phận xây dựng phần mềm Ray Ozzie đã cảnh báo các đồng nghiệp rằng hãng phần mềm khổng lồ này phải chuẩn bị cho “một thế giới của thời hậu máy tính”. Có một tin mới cho Ozzie: thời hậu PC thật ra đã bắt đầu. Những sự kiện công nghệ thông tin nổi bật của năm 2010 đã chứng tỏ điều đó:

1. Lại là Apple!

Khi giới thiệu chiếc iPad hồi đầu năm nay, giám đốc điều hành Apple, ông Steve Jobs đã hỏi: “Có loại thiết bị thứ 3 nào đứng ở giữa một cái laptop và một cái smartphone hay không?”. Câu trả lời là có. Dù ban đầu bị dè bỉu là “chiếc iPhone nở to”, iPad nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu: cho tới tháng 10 năm nay đã có hơn 7 triệu chiếc được bán ra.

 
 iPad đang làm mưa làm gió trên khắp thế giới - Ảnh: AFP


Sau khi khởi đầu thời đại nở rộ của máy tính để bàn với Apple II, làm thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc với iPod và khuynh đảo thị trường máy tính với iPhone, năm nay Apple lại nổi đình nổi đám cùng iPad. Hàng loạt gã khổng lồ khác: Samsung, Toshiba, Acer và HP cũng tăng tốc cho những chiếc máy tính bảng của riêng mình và chắc chắn, trong Triển lãm điện tử cho người tiêu dùng vào tháng giêng tới, sẽ có rất nhiều loại máy tính bảng được trình làng.

Hãng nghiên cứu và tư vấn công nghệ thông tin Gartner đã đưa ra dự đoán rằng trong năm tới, sẽ có chừng 54,8 triệu chiếc máy tính bảng được bán ra trên toàn thế giới. Đến năm 2014, nó sẽ đổi chỗ cho chừng 10% PC.

2. Cú hích Windows Phone 7

Trước thời điểm tung ra hệ điều hành dành cho điện thoại di động Windows Phone 7, thị phần của Microsoft trên thị trường smartphone béo bở chỉ có chừng 2,8%. Gã khổng lồ đang trong giai đoạn yếu ớt thực sự cần một cú hích đột phá.

 
Windows Phone 7 là con bài tung ra kịp lúc của Microsoft - Ảnh: ADC

Và một hệ điều hành ưu việt dành cho điện thoại di động là con bài tung ra kịp lúc của Microsoft, nhanh chóng nổi đình nổi đám trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, với việc iPhone, Android cũng đang rất thông dụng, còn Blackerry trở thành lựa chọn ưu tiên của các doanh nhân, Microsoft sẽ luôn phải căng sức ra trong cuộc chiến giành giật khách hàng.

3. Verizon khai trương mạng LTE

Việc Verizon khai trương mạng băng thông rộng di động LTE tại 38 thành phố ở Mỹ mang một ý nghĩa quan trọng: đánh dấu thời khắc bắt đầu biến kế hoạch thành hiện thực đối với việc đưa vào sử dụng mạng không dây thế hệ mới trên toàn cầu.

Verizon đã hứa hẹn triển khai mạng LTE đầu tiên rộng khắp nước Mỹ, nhưng mau chóng bị cạnh tranh bởi MEtroPCS, Wi-Max và HSPA+. Trên phạm vi toàn cầu, chỉ mới trong tháng trước đã có Vodafone của Đức, Telenor và Tele2 của Thụy Điển cùng NTT DoCoMo của Nhật thông báo giá cước cho dịch vụ LTE. Một cuộc cách mạng di động trên phạm vi toàn cầu đang được khởi đầu!

4. HP hất cẳng Hurd

HP đã làm chấn động thế giới IT hồi đầu tháng 8 với thông báo giám đốc điều hành của hãng là Mark Hurd đã từ chức theo sau một cuộc điều tra về quấy rối tình dục đối với một nhà thầu nữ.

 
 Vụ Mark Hurd làm chấn động cả thế giới - Ảnh: DT

Kết quả điều tra cho thấy Hurd không vi phạm các quy định về chống quấy rối tình dục của HP, nhưng vấp ở nội quy báo cáo chi tiêu của công ty.

5. Cuộc đối đầu giữa Google và Trung Quốc

Hồi tháng giêng, Google tuyên bố cơ sở hạ tầng của mình bị tấn công “một cách rất tinh vi” ở Trung Quốc, khiến cho nhiều tài sản trí tuệ của hãng bị đánh cắp. Công cụ tìm kiếm số một thế giới tuyên bố ngưng thực thi chính sách kiểm duyệt thông tin như đã cam kết trước đó với Trung Quốc.

 
 Rút khỏi thị trường đông dân nhất hành tinh gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho ông khổng lồ tìm kiếm - Ảnh: Reuters

Sau nhiều cuộc thương thảo bất thành, đến tháng 3, Google tuyên bố chấm dứt hoạt động tại đất nước đông dân nhất hành tinh. Những ai truy cập vào trang web Google Trung Quốc sẽ tự động được chuyển sang máy chủ đặt tại Hồng Kông, nơi các kết quả tìm kiếm không bị kiểm duyệt. Động thái này đã làm chính phủ Trung Quốc nổi giận, còn Google chắc chắn phải chịu nhiều tổn thất về kinh tế khi phải rời xa thị trường đông dân nhất thế giới.

6. “Siêu vũ khí mạng” Stuxnet

Các chuyên gia an ninh mạng từ lâu đã cảnh báo rằng các hệ thống công nghiệp quy mô lớn có thể sẽ trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công từ xa. Điều đó đã xảy ra trong năm nay với sự xuất hiện của Stuxnet, “siêu vũ khí mạng” đầu tiên với khả năng xâm nhập hệ thống quản lý của các nhà máy, cơ sở hạ tầng, phá hủy các đường ống dẫn khí…

 
Tại một cơ sở hạt nhân của Iran - Ảnh: AFP

Ban đầu, người ta đã nghĩ rằng Stuxnet được tạo ra để ăn cắp các bí mật công nghiệp. Tuy nhiên, sau đó giới chuyên môn phát hiện mục đích của Stuxnet là phá hủy chương trình hạt nhân của Iran tại lò phản ứng Bushehr. Nó có nhiệm vụ cướp quyền kiểm soát bộ chuyển đổi tần số - thiết bị quyết định tốc độ quay của những động cơ sử dụng trong các tổ hợp máy làm giàu uranium và để chế tạo nguyên liệu bom hạt nhân. Chính Tổng thống Iran đã thừa nhận rằng Stuxnet đã gây rắc rối cho một số máy ly tâm hạt nhân.

Giới chuyên môn lo ngại Stuxnet mở ra một kỷ nguyên mới của chiến tranh và khủng bố không gian ảo.

7. Dùng Trojan Zeus ăn cắp 200 triệu USD

Trong nhiều ngày liền, chính phủ các nước Anh, Mỹ và Ukraine đã bắt tay nhau để tóm hơn 100 người tham gia vào đường dây tội phạm đã ăn cắp hơn 200 triệu USD. Họ đã dùng trojan Zeus để đột nhập vào tài khoản khách hàng tại các ngân hàng, chuyển tiền ăn cắp vào các tài khoản khác do những kẻ đồng lõa lập ra sẵn.

 
Tội phạm trên thế giới ảo ngày càng gia tăng - Ảnh minh họa: DT

Những kẻ chủ mưu phân chia nhiệm vụ rất rạch ròi: những người ở Ukraine chịu trách nhiệm về kỹ thuật, chủ yếu đột nhập vào tài khoản nạn nhân, trong khi các “đồng nghiệp” ở Anh và Mỹ tạo tài khoản bằng tên giả để nhận tiền ăn cắp. Zeus là một ví dụ điển hình của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên thế giới ảo, và để “trị” chúng cũng cần sự hợp tác xuyên quốc gia rất thật giữa các chính phủ.

8. Google Street View gây tranh cãi

Tháng 5 vừa qua, Google thừa nhận đã vô tình thu thập thông tin của những người sử dụng internet bằng mạng không dây không được bảo mật. Các xe hơi Street Views của Goolge có gắn thiết bị thu thập thông tin - vốn chạy khắp các thành phố và thị trấn trên thế giới để chụp ảnh cho Google Maps - đã thu thập các thông tin cá nhân này, theo dõi email và các trang web mà người sử dụng truy cập vào.

 
Những chiếc xe Street Views đã chụp hình cho Google, nhân tiện "chộp" luôn các thông tin cá nhân trên mạng -Ảnh: AFP

Vụ việc gây giận giữ từ châu Mỹ, sang u, sang Á. Hàng loạt vụ kiện cá nhân đã được thực thiện trên khắp các bang của nước Mỹ vì vụ này. Chính quyền các nước Mỹ, Đức, Anh, Ý và Pháp cũng bắt tay vào điều tra.

9. "Vương miện" cho siêu máy tính của Trung Quốc

Siêu máy tính Tianhe-1A của Trung Quốc chính thức được công nhận là “siêu” nhất thế giới, soán ngôi đầu bảng từ “Báo đốm” của Mỹ.

Tianhe 1A sử dụng hơn 7.000 chip đồ họa Nvidia và hơn 14.000 CPU truyền thống, có thể thực hiện hơn 1 triệu tỉ phép tính dấu chấm động/giây (petaflop) và có thể đạt 4,7 petaflop với hiệu năng cao nhất.

 
Siêu máy tính Tianhe-1A - Ảnh: SN

Tuy nhiên, cuộc đua vẫn đang ở phía trước với tuyên bố của nhiều nước về kế hoạch xây dựng nhiều hệ thống mạnh hơn Tianhe 1A cả về cấu hình lẫn tốc độ. Chính bản thân Trung Quốc cũng đã tuyên bố sẽ hoàn thành một hệ thống có khả năng đạt từ 50 đến 100 petaflop vào năm 2015. Còn khoảng thời gian từ 2016 đến 2020 sẽ là lúc để Trung Quốc cố gắng hoàn thành một hệ thống có đơn vị tính bằng exaflop (một exaflop nhanh hơn hàng ngàn lần so với petaflop).

10. Ngành công nghệ thông tin hồi sinh

Sau 3 quý đầu năm "ngủ gà ngủ gật" giữa bối cảnh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, ngành công nghệ thông tin giật mình choàng giấc, vươn vai đứng dậy với hàng loạt báo cáo khả quan của các ông khổng lồ.

 
Khai trương một cửa hàng của Microsoft -Ảnh: Reuters

Cả Apple, Intel và Microsoft đều báo cáo những con số doanh thu kỷ lục trong khoảng thời gian gần đây, khiến cho cả thị trường công nghệ háo hức chờ đón một năm 2011 khả quan.

Đoan Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.