“3 công khai” chậm công khai

10/12/2009 23:29 GMT+7

Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót (15.12) các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) phải công khai thông tin về trường mình trên trang web của trường theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên đến thời điểm này trên trang web của hầu hết các trường vẫn chưa có thông tin về “3 công khai”. 

Chờ đợi thông tin

Chiều 10.12, PV Báo Thanh Niên đã vào địa chỉ trang web của một số trường ĐH thì thấy chưa có trường nào công bố những thông tin về “3 công khai” theo đúng yêu cầu của Bộ. Ngoài việc phải công bố thông tin trên trang web của mình, các trường phải gửi báo cáo về Bộ GD-ĐT và một số đơn vị liên quan. Đơn vị được thu nhận thông tin là Cục Công nghệ thông tin cũng cho biết, đến ngày 8.12 mới chỉ có khoảng 15 trường (trong tổng số 376 trường ĐH, CĐ - PV) gửi thông tin về Cục qua e-mail và tài liệu.

3 công khai gồm: cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính.

Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) là đơn vị chủ chốt tiếp nhận các thông tin này cũng cho biết mới chỉ có khoảng 20 trường gửi báo cáo về. Hiện Vụ Giáo dục ĐH đang tập hợp thông tin của các trường để chuẩn bị cho đợt kiểm tra việc công khai này, nhưng theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết chiều ngày 8.12 thì hiện bà mới chỉ nhận được thông tin của 2 trường! Bà Hà cho rằng có thể chưa đến ngày hết hạn nên các trường chưa gửi thông tin. Tuy nhiên, Bộ đã có kế hoạch trước ngày 15.1.2010 sẽ kiểm tra việc thực hiện “3 công khai” ở khoảng 50 trường ĐH và sẽ kiểm tra ở tất cả các trường trước tháng 7.2010. 

Chậm trễ do ít thời gian?

Lý giải việc chậm trễ này, một số trường ĐH cho biết do yêu cầu về “3 công khai” của Bộ có một số việc phải có thời gian mới thực hiện được, ví dụ việc công bố chuẩn đầu ra của SV và tỷ lệ việc làm sau khi tốt nghiệp. Hiện nay, có không ít trường chưa bao giờ thực hiện việc điều tra tỷ lệ việc làm của SV sau khi ra trường hoặc trong quá trình đào tạo cũng chưa hề đề cập đến chuẩn đầu ra cho nên đã gặp không ít khó khăn.

Ông Lê Hữu Lập, Phó giám đốc Học viện Bưu chính viễn thông cho rằng: “Việc công bố chuẩn đầu ra là một việc khó đối với các trường. Học viện Bưu chính viễn thông đã làm từ năm trước nên năm nay khi có yêu cầu mới có thể công khai được còn nếu bây giờ mới bắt đầu làm thì rất khó có thông tin khách quan. Đặc biệt, về tỷ lệ việc làm của SV, thì hầu hết các trường còn rất lúng túng vì chưa có điều tra cơ bản”. Ông Trần Đắc Sử, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết: “Khó nhất khi thực hiện việc công khai là tỷ lệ SV có việc làm. Khi Bộ yêu cầu thì việc này mới được thực hiện nên trường phải đợi đến thời hạn chót là 15.12 mới có thể đưa thông tin lên trang web của nhà trường”.

Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ - Địa chất, nói: “Hiện trường chưa có điều tra về tỷ lệ việc làm của SV sau khi tốt nghiệp. Trường mới chỉ tổ chức các hội nghị việc làm và nghe phản hồi từ các nhà tuyển dụng nên chỉ có thể nhận xét chung về khả năng việc làm của SV”. Ông Thắng cũng cho biết muốn điều tra về tỷ lệ việc làm của SV cần phải có thời gian và phải làm một cách khoa học, bài bản chứ không thể chỉ làm một cách đối phó. Ông Thắng còn băn khoăn: “Hiện Bộ GD-ĐT yêu cầu phải gửi thông tin cho 7 cơ quan đơn vị, chưa kể một số nơi có nhu cầu cũng yêu cầu nhà trường phải cung cấp. Như vậy sẽ gây ra những thủ tục rườm rà, không cần thiết”. Theo ông Thắng thì Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD-ĐT phải là nơi thu thập thông tin và các trường chỉ phải báo cáo một lần. Bộ GD-ĐT và các đơn vị chức năng có thể lấy thông tin chính thức từ Cục. Như vậy nhà trường sẽ giảm bớt được thời gian để thực hiện các công việc này.

Cái vướng thứ hai đối với một số trường khi công khai thông tin, đó là việc thu chi tài chính. Theo đại diện một số trường ĐH thì hiện ở hầu hết các trường vẫn phải thu khoản học phí học lại, thi lại của SV vì đây là khoản phát sinh mà nhà trường phải chi trả cho giáo viên cũng như các chi phí học tập, thi cử. Tuy nhiên, khoản thu này không có trong quy định hiện hành, nên có khi nhà trường phải xuất toán.  

Điều chung nhất mà các trường cho biết là hiện những thông tin được công khai trên trang web của nhà trường trong thời gian qua mới chỉ là các chương trình đào tạo, công tác tuyển sinh và một số thông tin khác. Nhà trường chưa từng công khai cho xã hội biết các thông tin về thu chi tài chính; danh sách đội ngũ nhà giáo; các chuẩn đầu ra. Cho nên khi Bộ yêu cầu thực hiện, nhiều trường phải rà soát và bắt đầu làm nên mới có tình trạng chậm trễ như vậy.

Tìm ở đâu?

Tìm thông tin “3 công khai” ở đâu, PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Quách Tuấn Ngọc (ảnh), Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) xung quanh vấn đề này.

 
Ảnh: Vũ Thơ

* Ông lý giải thế nào về việc website của nhiều trường ĐH, CĐ còn chưa đủ thông tin ?

- Hiện nay có nhiều trường còn ngại đưa thông tin, chưa quan tâm đúng mức đến website, chưa có người “chăm bẵm” chuyên nghiệp cho website. Với “3 công khai” thì tôi nghĩ các trường cũng chưa kịp thích nghi và đáp ứng với yêu cầu mới của Bộ và cũng do thời gian cũng tương đối gấp. Nhưng cái yếu tố quyết định vẫn là nhận thức và quyết tâm sử dụng website của chính người lãnh đạo cơ sở giáo dục.

* Vậy theo ông, cần phải khắc phục tình trạng này như thế nào?

- Hiện nay, Cục Công nghệ thông tin là cơ quan của Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các cơ sở giáo dục cung cấp và công bố lên website các thông tin liên quan đến giáo dục. Nhưng hiện việc đưa thông tin từ các cơ sở giáo dục lên website còn gặp nhiều trở ngại vì nhiều lý do. Có thể do các trường chỉ quen báo cáo với các đơn vị chức năng của Bộ là xong. Cho nên với bất kỳ thông tin nào mà xã hội và ngành cần thì các vụ, cục lại phải đi “đôn đốc” từng trường một để yêu cầu cung cấp thông tin. Vì vậy để đảm bảo việc công khai thông tin của các đơn vị giáo dục được thực hiện một cách triệt để và có cơ chế giám sát các thông tin này, Bộ GD-ĐT đang dự thảo một thông tư quy định về việc đưa thông tin lên website của các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Thông tư này sẽ quy định và có cơ chế giám sát các thông tin mà các trường cần phải công khai trên trang web của trường mình. Hiện dự thảo thông tư đã được đưa lên website để trưng cầu ý kiến và đa số các trường đều hoan nghênh ủng hộ.

* Thưa ông, có điều khoản nào quy định trách nhiệm của các trường trong việc thực hiện công khai trên website hay không?

- Có chứ. Điều 39 của thông tư sẽ quy định về tổ chức đánh giá và chế tài về hoạt động của hệ thống thư điện tử và website. Quy định này yêu cầu hằng năm, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá, xếp hạng và công bố kết quả đạt được và xếp hạng theo thứ bậc về hoạt động của hệ thống thư điện tử và nội dung thông tin trên website của cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài ra còn đánh giá việc cập nhật thông tin trên cổng thông tin thi và tuyển sinh của Bộ.

Kết quả đánh giá được công bố công khai hằng năm trên website của Bộ GD-ĐT www.moet.gov.vn. Kết quả này được Bộ GD-ĐT dùng để kiểm định chất lượng giáo dục; đánh giá công tác thi đua đối với cơ sở giáo dục ĐH. Bộ GD-ĐT sẽ xem xét việc duyệt chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở có tính đến mức độ hoàn thành trách nhiệm công bố công khai trên website của cơ sở giáo dục ĐH theo quy định của thông tư này.

Vũ Thơ (thực hiện)

Các thông tin mà nhà trường cần công khai theo dự thảo thông tư sẽ ban hành gồm: thông tin chung về tổ chức hành chính; thông tin về công tác đào tạo; thông tin về tuyển sinh; tra cứu kết quả học tập của SV; đội ngũ nhà giáo; thư viện; kế hoạch tài chính; cơ sở vật chất; hoạt động hỗ trợ học tập... Thông tin về công tác đào tạo bao gồm rất nhiều yêu cầu như: mục tiêu đào tạo, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, trình độ ngoại ngữ và vị trí làm việc sau khi tốt nghiệp ở các trình độ và theo các ngành đào tạo; yêu cầu về thái độ học tập của người học. Về các môn học của từng khóa học, chuyên ngành phải công khai về giảng viên giảng dạy và giảng viên hướng dẫn (nếu có), mục đích môn học, nội dung và lịch trình giảng dạy, tài liệu tham khảo, phương pháp đánh giá chất lượng học tập của sinh viên... Đặc biệt là yêu cầu chất lượng giáo dục thực tế: số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh ở các trình độ đào tạo, hệ đào tạo và chuyên ngành đào tạo, có phân biệt về số lượng sinh viên, học viên và nghiên cứu sinh theo kết quả tốt nghiệp, theo đơn đặt hàng của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm và học lên trình độ cao hơn sau 1 năm ra trường...

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.