Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi: Cần thống nhất nhận thức và hành động

09/12/2010 00:22 GMT+7

LTS: Vừa qua, Thanh Niên đã phản ánh một số bức xúc của dư luận xung quanh việc thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCGDMNNT). Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa đã có bài viết tiếp thu và làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai đề án

Thủ tướng Chính phủ vừa  ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án PCGDMNNT giai đoạn 2010 -2015 với mục tiêu là đảm bảo hầu hết trẻ em 5 tuổi ở các vùng miền được đến lớp để thực hiện chương trình giáo dục 2 buổi/ngày, đủ 1 năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý để trẻ sẵn sàng vào lớp 1.

Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, dành quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho GDMN, đào tạo bồi dưỡng giáo viên mầm non, ban hành chính sách phát triển GDMN của địa phương, bố trí đủ ngân sách cho PCGDMNNT nói riêng và GDMN nói chung. Tuy nhiên, việc triển khai Đề án PCGDMNNT không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì PCGDMNNT mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi. Thực tế hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước là khá cao (trên 98%).

Vấn đề quan trọng là phải nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, bên cạnh đó phải duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở GDMN dưới nhiều hình thức, đảm bảo số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có, nhằm tạo sự ổn định trong phát triển GDMN.

Các cơ sở GDMN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình… phải theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục và an toàn cho trẻ

Sắp tới, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra việc triển khai Đề án PCGDMNNT tại một số địa phương để có biện pháp chỉ đạo, rút kinh nghiệm về cách tiến hành phổ cập trên cả nước.

Các quy định về loại hình trường mầm non, thành lập trường đã được nêu rõ tại Luật Giáo dục. Bộ GD-ĐT đã cụ thể hóa các nội dung này trong Điều lệ trường mầm non, Quy chế trường mầm non ngoài công lập, ban hành Chương trình GDMN, quy định về chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên, chuẩn nghề nghiệp giáo viên…

Đó là các văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở GDMN, đào tạo giáo viên, xây dựng cơ sở vật chất trường lớp… đáp ứng yêu cầu của địa phương, trong đó có các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.

Việc các nhà máy, các doanh nghiệp xây dựng nhà trẻ, trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu của cán bộ công nhân viên đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, một số địa phương, doanh nghiệp, khu công nghiệp… vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ chỉ đạo các sở GD-ĐT tăng cường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch mạng lưới trường lớp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các cơ sở GDMN trên địa bàn. Đặc biệt, các cơ sở GDMN ngoài công lập, nhóm trẻ gia đình… phải theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục và an toàn cho trẻ.

Tăng đầu tư ngân sách cho giáo dục mầm non

Luật Giáo dục đã quy định GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Năm 2009, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-QH12 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, trong đó quy định PCGDMNNT. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án PCGDMNNT với tổng ngân sách nhà nước hơn 14.000 tỉ đồng. Ngân sách nhà nước chi cho GDMN đã tăng từ 7,3% (năm 2004) lên 8,5% (2008) và gần 10% (năm 2010).

Cùng với việc triển khai đầy đủ các nội dung của Đề án PCGDMNNT, ngành giáo dục tham mưu với Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDMN một cách toàn diện, đặc biệt là chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, chính sách cho trẻ mầm non; cho các cơ sở GDMN; Tăng đầu tư ngân sách cho GDMN theo tinh thần Nghị quyết số 35/QH12/2009 của Quốc hội khóa XII về chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong GDĐT từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, “Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư và cơ cấu lại chi ngân sách cho các mục tiêu của giáo dục và đào tạo, ưu tiên ngân sách cho phổ cập giáo dục tiểu học miễn học phí, phổ cập trung học cơ sở và PCGDMNNT, trước mắt còn có thu học phí”; ban hành cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho GDMN…

Nguyễn Thị Nghĩa Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.