Người trẻ mắc bệnh… buồn!

07/11/2004 11:26 GMT+7

Minh đập tay cái rầm xuống bàn phím, gào lên: "Tôi hết chịu nổi rồi. Buồn như con chuồn chuồn. Ngày nào cũng stress…". Mẩu chuyện trên được ghi lại tại một công ty kiến trúc hạng trung ở quận 1, TP.HCM. Nhưng chỉ dạo một vòng quanh các công ty khác, kiểu hành xử như Minh lại không là cá biệt. "Hình như mọi người đang phải chịu đựng nhiều áp lực cuộc sống, công việc lắm. Ai cũng rất dễ cáu gắt, than vãn và luôn cảm thấy mình đang bị stress..." - một bạn trẻ nói.

Những bế tắc nhỏ

Một nữ kế toán luống tuổi cười: "Tôi thì chả quan tâm đến xì trét xì triếc gì cả. Vấn đề là tại họ cứ thích than vãn thế thôi. Kém bản lĩnh và không dám bộc lộ suy nghĩ của mình, cứ ôm mãi vào lòng nên làm sao mà không bị buồn chán được. Rõ là rách việc".

Kéo Minh vào một quán nhậu bình dân, qua vài lần cụng ly, anh bắt đầu bộc lộ tâm sự: "Thật ra là cứ sống mãi trong bốn bức tường với lịch làm việc vừa dày đặc vừa lặp đi lặp lại như một cái máy, hỏi ai mà không phát điên lên được. Tôi bỏ bao nhiêu là ước mơ, hoài bão và sự sáng tạo của mình đằng sau mớ giấy tờ ấy, xem như chôn luôn cuộc đời trai trẻ rồi còn gì..." - "Sao không nhảy ra ngoài thử sức?" - "Cũng muốn lắm chứ. Nhưng thời buổi bây giờ, không dễ...".

Một tham vấn viên của tổng đài 1088 phân tích: "Những nỗi buồn dạng này thường rất dễ gặp trong cuộc sống hiện đại. Vì mỗi người đều bị buộc chặt vào quá nhiều mối quan hệ, quan tâm đến cuộc sống xã hội và nhu cầu cá nhân cũng ngày càng tăng. Chỉ cần vài điều bất đắc chí là dễ dàng gây ra tình trạng bực mình. Nhưng phần đông họ không biết cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý và cứ thích cố tình làm cho chuyện có vẻ to lớn, bi kịch. Dù sao, một lời khuyên thật tình dành cho những ai hay than vãn và luôn thấy mình bi kịch là hãy tìm một người bạn, một đôi tai để có thể lắng nghe, chia sẻ và thông cảm với tâm sự của bạn. Nói ra một cách thẳng thắn và cùng nhau giải quyết, tự nhiên bạn sẽ nhận ra là mọi việc lại hết sức đơn giản, chẳng có gì là phải ầm ĩ cả...

Những "con chuồn chuồn" trên mạng...

Đây là con số thống kê từ mục tâm sự lời khuyên trên diễn đàn của mạng VNN trong thời điểm từ ngày 1 - 15/9 năm nay: trong số 1.355 chuyên đề trên diễn đàn thì 5 chuyên đề được nhiều người đọc hoặc trả lời nhiều nhất đều có liên quan đến nỗi buồn. Ví dụ chuyên đề: "Hãy trút nỗi buồn vào đây" có số tin hồi âm cao nhất (208) và đứng thứ 5 trong số những người đọc nhiều nhất (4.868) hoặc chuyên đề "Không đề" (của một bạn gái "khai trương" để kêu gào về nỗi buồn của mình) xếp hạng nhất về số người đọc (9.029) và thứ hai về số tin hồi âm (195).

Có một "điệp khúc" được lặp đi lặp lại trong những lời tâm sự từ các diễn đàn được chú ý nhiều nhất này: những nỗi buồn chán vu vơ, không rõ nguyên nhân mặc dù chúng được gọi bằng những cụm từ rất ngộ nghĩnh "buồn như con chuồn chuồn" hay "chán như con gián". Rất hiếm khi những nỗi buồn chán được nêu ra với một nguyên nhân cụ thể như trời mưa phải ở nhà: buồn, đường ngập đi làm bị ướt: chán, sợ "ống chề": buồn hoặc cha mẹ bị ép lấy chồng: chán...

Mặc dù xuất hiện dưới những "tên ảo" (nickname), những tâm sự buồn từ các diễn đàn nói trên phản ánh khá sinh động những vấn đề xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông. Trước hết, đó là sự hình thành một lớp trẻ có thu nhập khá hoặc làm việc trong điều kiện khá lý tưởng (để có thể vào mạng đọc và viết tâm sự thường xuyên như vậy) biết sử dụng internet như một "công cụ" giải tỏa nỗi buồn. Các vấn đề xã hội như giao thông, sử dụng nhân tài, văn hóa "quen biết", mối quan hệ cha mẹ con cái, vấn đề giới tính cũng được phản ánh trong những tâm sự buồn của cá nhân.

Anh Trần Minh Trọng, nghiên cứu sinh cao học xã hội học tại học viện UPI, Philippines nhận định: hiện tượng nói trên đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, các bạn trẻ than vãn buồn chán không chỉ đơn thuần là một hiện tượng tâm lý cá nhân. Môi trường xã hội ở góc độ vĩ mô hay vi mô luôn chứa đựng rất nhiều nhân tố gây ra nỗi buồn ở các bạn trẻ. Đây cũng là hiện tượng chung của giới trẻ ở các quốc gia trên thế giới trong quá trình toàn cầu hóa. Thứ hai, vấn đề đặt ra là mặc dù xuất hiện dưới tên ảo (đồng nghĩa với chân dung thật được bảo đảm an toàn) và được khá tự do để bày tỏ những tâm sự cá nhân, các bạn trẻ vẫn không dám bày tỏ một cách trực tiếp. Nguyên nhân ư? Hình như chúng ta thiếu những môi trường tin cậy mà ở đó, nỗi buồn được thừa nhận và bày tỏ một cách thẳng thắn!

Theo SGTT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.