“Rổ” hàng hóa

03/12/2007 00:35 GMT+7

Có ý kiến cho rằng phải sửa cái "rổ" hàng hóa (và dịch vụ) dùng để tính chỉ số giá tiêu dùng, vì tỷ trọng lương thực, thực phẩm chiếm đến trên 42% là quá cao. Sự thật là như thế nào ?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một trong những chỉ tiêu thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Chỉ tiêu này phản ánh mức độ và xu hướng biến động của giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng theo thời gian. CPI của Việt Nam được tính cho nhiều phạm vi: cả nước; khu vực thành thị/khu vực nông thôn; các vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long); các tỉnh/thành phố.

Để tính CPI, cần có hai yếu tố: giá bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng và quyền số là cơ cấu chi tiêu cho đời sống tiêu dùng của dân cư. Hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng hiện có hàng vạn loại, không thể "đo" giá hết được, mà hiện mới chỉ đo được giá của gần 500 mặt hàng đại diện (chính xác là 496 mặt hàng, cần chú ý thêm: số lượng mặt hàng đại diện tại thời điểm năm 2000 là 396, năm 1995 là 296). Giá bán lẻ  được điều tra ở các chợ theo phiên (mỗi phiên xác định 2 - 3 lần); các chợ được chọn đại diện theo các địa bàn ở các địa phương thuộc tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước. Gần 500 mặt hàng đại diện được chia vào 10 nhóm hàng mà từ chuyên môn gọi là "rổ" hàng hóa, dịch vụ để tính chỉ số giá tiêu dùng. 

Quyền số để tính chỉ số giá tiêu dùng thời kỳ 2006-2010 là cơ cấu chi tiêu cho các hàng hóa, dịch vụ trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình. Chi tiêu dùng của hộ gia dình được tổng hợp từ cuộc khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê tiến hành năm 2004, 2005 và được cập nhật lại tháng 5.2006. "Rổ" hàng hóa, dịch vụ đại diện để tính chỉ số giá tiêu dùng hiện nay được chia thành 10 nhóm với quyền số (tỷ trọng trong tổng chi tiêu dùng) như sau:

1. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực, thực phẩm) chiếm: 42,85%;
2. Đồ uống và thuốc lá chiếm: 4,56%;
3. May mặc, mũ nón, giày dép chiếm: 7,21%;
4. Nhà ở và vật liệu xây dựng (gồm cả điện, nước, chất đốt) chiếm: 9,99%;
5. Thiết bị và đồ dùng gia đình chiếm: 8,62%;
6. Dược phẩm y tế (thuốc và dịch vụ y tế) chiếm: 5,42%;
7. Phương tiện đi lại (giao thông), bưu điện (bưu chính viễn thông) chiếm: 9,04%;
8. Giáo dục chiếm: 5,41%;
9. Văn hóa, thể thao, giải trí (cả du lịch) chiếm: 3,59%;
10. Hàng hóa dịch vụ khác chiếm: 3,31%. 

Cần lưu ý: 

+ Tỷ trọng nhóm 1 (hàng ăn và dịch vụ ăn uống) đã giảm từ 60,86% vào năm 1995 xuống 47,9% vào năm 2000 và xuống 42,85% vào năm 2005. Việc giảm đó không phải là do lãnh đạo "muốn" giảm mà xuất phát từ sự thay đổi cơ cấu tiêu dùng trong dân cư dưới tác động của quá trình phát triển kinh tế, thể hiện qua những cuộc điều tra thực tế. Nhóm 1 không chỉ có lương thực, thực phẩm mà còn có dịch vụ ăn uống, lương thực chỉ chiếm khoảng 10% "rổ" hàng hóa (trước đây cũng chỉ chiếm khoảng 13%).

+ Sau đây là tỷ trọng nhóm 1 trong "rổ" hàng hóa của một số nước: Ấn Độ 48,47% (áp dụng từ năm 2000 đến nay); Philippines 46,58% (áp dụng từ năm 2000), Thái Lan 36,06% (áp dụng từ năm 2002); Mông Cổ 42,2% (áp dụng từ năm 2004); Singapore 23% (áp dụng từ năm 2004). Như vậy là nhiều nước vẫn đang sử dụng quyền số từ năm 2000 - 2004, trong khi nước ta sử dụng quyền số từ năm 2005 và có cập nhật vào tháng 5.2006.

Cơ cấu "rổ" hàng hóa trên đây cho thấy trong tổng chi tiêu dùng của các gia đình Việt Nam, ăn uống vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, lớn gần bằng tổng các nhu cầu khác cộng lại. Nguyên nhân chủ yếu là dân Việt Nam ta còn nghèo, 3/4 sống ở nông thôn, cái ăn vẫn là cái quan trọng nhất. Muốn "đổi cái rổ" này như Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá nói thì phải đợi cho dân giàu lên đã, khi đó việc "vui chơi" mới được coi trọng hơn cái ăn được. Ngay như Thái Lan, một nước giàu hơn ta nhiều, nhưng cái ăn vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn (36,06%). 

Giá tiêu dùng tăng cao đương nhiên khiến cho người tiêu dùng nói chung bị thiệt hại, có chuyên gia đã gọi giá tăng là một loại "thuế lạm phát".  Đối với các gia đình khá giả, giá cả tăng tuy có giảm thu nhập vì phải tăng chi tiêu nhưng không ảnh hưởng nhiều đến mức sống. Giá lương thực thực phẩm tăng cao cũng chưa làm cho họ giảm chi tiêu cho hàng hóa, dịch vụ khác, vì chi dùng cho ăn uống của họ mặc dù giá trị tuyệt đối cao hơn nhiều lần so với người nghèo nhưng tỷ trọng lại không đáng kể trong cơ cấu tiêu dùng của gia đình họ. Riêng các nhà đầu tư thì những người kinh doanh bất động sản tiếp tục giàu rất nhanh (do giá nhà đất tăng mạnh), một số khác bị mất cơ hội...

Nhưng điều quan trọng nhất là cái "rổ" hàng hóa này cũng như biểu đồ tăng giá lại cho thấy người nghèo, người có thu nhập thấp bị thiệt hại lớn nhất. Một mặt, thu nhập của người nghèo tăng thấp hơn, có quy mô tuyệt đối nhỏ hơn nên khi giá tăng thì hoặc là phải giảm lượng tiêu dùng, hoặc là phải giảm loại hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Mặt khác, tỷ trọng chi tiêu cho nhu cầu ăn uống của người nghèo, người có thu nhập thấp thường cao gấp rưỡi, gấp đôi so với người khá giả, trong khi giá cả của cái ăn lại tăng cao gấp rưỡi tốc độ tăng giá chung, nên phần tiền chi dùng cho các loại hàng hóa dịch vụ khác không còn. Bởi vậy trong thời kỳ lạm phát có rất nhiều gia đình muốn đủ ăn thì không đủ mặc, muốn đủ ăn thì phải cho con nghỉ học. Giá tăng đã khiến cho người nghèo càng nghèo thêm, giá lương thực thực phẩm tăng càng làm cho người nghèo nghèo thêm một bậc nữa.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.