Mê trà, mê luôn cả ấm

11/12/2009 14:26 GMT+7

(TNTS) “Ngày nào không uống trà, ngày đó tôi chịu không nổi! Nhâm nhi tách trà trước khi đi ngủ trở thành thói quen bất di bất dịch của tôi”, ông Cao Đức Trường, người sưu tầm đồ cổ và ấm trà cổ sống tại TP.HCM cho biết. Qua 24 năm sưu tập, tài sản của ông là hàng trăm món đồ vô giá cùng những câu chuyện độc đáo xoay quanh những chiếc ấm trà.

1. Hẹn ông Trường vào buổi sáng giữa tuần, nhấp môi ngụm trà, ông mở đầu câu chuyện: “Cụ Nguyễn Tuân có viết trong tập truyện ngắn Vang bóng một thời xuất bản năm 1940 rằng: “Thế Đức gan gà, Lưu Bội, Mạnh Thần”. Nói thì đơn giản nhưng để có đủ ba loại ấm trà như cụ nói thì phải mất ngót nghét hơn chục năm, may ra...”, ông Trường nói.

“Nói về ấm trà có lẽ tôi phải nói từ ngày này sang ngày khác. Nếu muốn có trà ngon thì phải pha bằng ấm đất nung mới đúng cách. Ấm trà có chất lượng cao hay không tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Nhưng có thể gom lại trong câu như sau: nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ”, ông Trường hào hứng cho biết. Ấm đất có hai màu chính là màu da chu và màu gan gà. Chiếc nào có tiếng kêu càng thanh thì càng quý vì nó được độ nung cao, đất tốt, mịn màng. “Ấm đất rất kín nên mới pha được trà ngon”. Ông vừa nói vừa “biểu diễn” bằng cách ngâm chiếc bình trà da chu thời Thanh vào nước khoảng 30 phút, sau đó rót nước tràn ấm trà rồi đậy nắp lại. Ông bịt kín lỗ nhỏ trên nắp trà rồi rót xuống. Tuyệt nhiên không có giọt nước nào chảy ra từ vòi bình. Điều đó chứng tỏ bình đất này chất lượng tốt. Ấm đất của ông Trường phần lớn có niên hiệu từ thời nhà Thanh với khoảng chục loại khác nhau về dáng, màu đất…

Riêng về ấm sứ thì đa số đều là đồ gốm VN từ thời Lý - Trần. Ông Trường nói: “Bình ấm sứ pha trà không ngon bằng ấm đất nhưng về mặt mỹ thuật thì hơn hẳn. Ấm được trang trí các hoa văn vô cùng tinh xảo. Vừa nhâm nhi trà vừa thưởng thức những tuyệt tác của ông cha ta từ gần hằng trăm năm trước quả là không có gì thú vị bằng”. Ông khoe ngay với chúng tôi chiếc ấm có họa tiết hình rồng đã tồn tại từ thời vua Lê - chúa Trịnh. Bộ ấm trà gốm kiểu VN của ông có rất nhiều loại khác nhau với nhiều hình dáng và họa tiết. Những chiếc ấm thời Gia Khánh, thời Ung Chính với ấm Bát Giác, bình Cúc Dây… đều có thể tìm thấy trong bộ sưu tập của ông.

2. “Để có ấm trà ngon không đơn giản. Phải có đầy đủ ba yếu tố: trà ngon, nước và ấm chén độc”. Trà ngon là yếu tố tiên quyết nhưng dễ tìm, quan trọng chỉ ở giá cả. Nước thì phải là nước mưa đã qua chưng cất. Ngày xưa ở Trung Hoa có câu “trà Long Tĩnh thì phải uống nước Long Tĩnh”. Hay có câu chuyện lưu truyền trong giới uống trà về một người ngày ngày lên ngôi chùa trên núi cao gánh hai thùng nước về pha trà, trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất (từ tập truyện ngắn Vang bóng một thời).

Chén uống trà cũng rất quan trọng. Bình có đẹp có tốt mà chén không “độc” thì coi như mất hết 30% độ ngon. Ông giới thiệu cho chúng tôi hai bộ chén uống trà Ô Long được mua về từ Trung Quốc. Trước khi uống phải rót trà vào chén cao rồi đậy lại bằng chén thấp hơn. Độ 30 giây thì rót trà từ chén cao vào chén thấp. Ngửi mùi thơm của trà thoảng ra từ chén cao. Cuối cùng mới nhấp môi uống trà từ chén thấp.

Vì mê trà nên sưu tầm bình trà. Mê trà mà ông lặn lội hết mọi nơi để tìm cho được những ấm trà độc đáo. Mê trà mà ông đã tìm thấy được vô số món đồ cổ quý giá khác như chiếc ghè Xê-la-đông (Celadont) trị giá vài chục ngàn USD hay lư hương hình vuông, bằng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh - thế kỷ 17) màu men giả đồng... Sở hữu được món đồ cổ, uống ngụm trà từ chiếc ấm cổ đã trở thành thú vui của ông già vừa bước sang tuổi lục tuần Cao Đức Trường.

Bài & ảnh: Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.