"Xé rào" ưu đãi đầu tư

09/12/2008 00:33 GMT+7

Một nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và trường Quản lý Nhà nước John Kennedy thuộc ĐH Harvard tại VN khẳng định lại rằng: việc "xé rào" ưu đãi đầu tư của các tỉnh ở VN chẳng những không giúp cho việc thu hút thêm FDI mà còn làm tăng gánh nặng ngân sách và nhiều vấn đề bất cập thêm cho chính các tỉnh này.

Từ năm 2001 đến năm 2005, có 32 tỉnh, thành đã vi phạm chính sách đầu tư của T.Ư vì đã có những ưu đãi đầu tư trái quy định dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Sự khác nhau rất lớn về bản chất của những vi phạm đó, mà trong bản báo cáo gọi là "xé rào trong ưu đãi đầu tư", đã tạo ra một sự xung đột giữa T.Ư và địa phương, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các tỉnh trong việc thu hút vốn FDI.

Những yếu tố căn bản để thu hút đầu tư là tài nguyên, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, và chất lượng quản lý nhà nước của tỉnh. Bản báo cáo khẳng định nếu một tỉnh không có các yếu tố căn bản đó thì tự thân các ưu đãi đầu tư không có tác dụng.

Thứ hai, về vai trò của hạ tầng kỹ thuật (cứng) và hạ tầng xã hội (mềm), mặc dù hạ tầng "cứng" giúp các tỉnh thu hút vốn FDI đăng ký, nhưng chính hạ tầng "mềm" mới quyết định việc thực hiện FDI. Điều này có nghĩa là các lợi ích tiềm tàng của tác động lan tỏa chỉ có thể đạt được một cách tốt nhất khi các công ty ở địa phương có sự chuẩn bị tốt và sẵn sàng muốn tiếp thu công nghệ và kỹ năng của nước ngoài. Điều này ngầm ý rằng, bằng cách tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tư nhân ở địa phương, các tỉnh có thể đồng thời đạt được hai mục tiêu: huy động các nguồn lực tài chính tại địa phương và nguồn nhân lực địa phương, vừa chuẩn bị cho việc tiếp nhận có hiệu quả vốn FDI trong tương lai.

Thứ ba, sau khi đã tính đến các yếu tố căn bản, các ưu đãi đầu tư trái quy định mà 32 tỉnh, thành đưa ra không những đã không giúp cho họ thu hút thêm vốn FDI, mà còn làm tăng thêm gánh nặng tài khóa của họ. Do vậy, sự cạnh tranh giữa các tỉnh,  thành này đã dẫn đến một "điều lợi bất cập hại" hay "cạnh tranh xuống đáy" trong khi lại không đạt được mục tiêu thu hút thêm vốn FDI.

Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, Viện trưởng Viện IDS, "những nhà đầu tư nghiêm túc họ không mặn mà gì những ưu đãi xé rào của các tỉnh, nếu họ muốn làm ăn dài hơi họ phải cân nhắc kỹ các yếu tố cơ bản như bản báo cáo nêu trên". Ở khía cạnh phân cấp ở địa phương, vị Viện trưởng Viện IDS cho rằng, việc phân cấp không nên bừa bãi mà phải có chọn lọc, mức độ. Ở bên dưới nhiều khi không có thông tin đầy đủ đưa đến những quyết định không hợp lý, không theo hướng đi chung của đất nước. Chẳng hạn việc phân cấp ở TP.HCM thì phải khác với Hà Nội, và lại càng khác với các địa phương khác.

Đồng tình với ý kiến của TS Nguyễn Quang A, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng: phân cấp cơ bản là cần thiết, nhưng không nên phân cấp quá rộng, không có tiêu chí gì, và nên đưa ra những hạn chế cần thiết. Phải tính đến các cân đối ngành, T.Ư cân đối với địa phương, không phải "đâu đâu cũng làm thép" chẳng hạn. Về phần hạ tầng "mềm" ở địa phương, ông Doanh nói đó là: xã hội, y tế, giáo dục, lề lối quản lý, pháp luật; địa phương muốn thu hút tốt FDI phải sẵn sàng các thứ đó. Ông Doanh lấy ví dụ, sắp tới khu kinh tế Dung Quất với những ưu đãi về nhân lực để thu hút nhân công đáp ứng cho khu kinh tế, công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương sẽ kéo về đây, Dung Quất đã tính đến việc giải quyết bài toán xáo trộn xã hội hay chưa?

Báo cáo kết luận: để có thể giúp các tỉnh này một cách hiệu quả, T.Ư nên hỗ trợ bằng việc cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và bảo hiểm chống lại những rủi ro ngoại sinh. Hơn nữa, để có hiệu quả, các dự án cơ sở hạ tầng được T.Ư cấp vốn phải có cách tiếp cận vùng và không nên được sử dụng làm phương tiện để đem lại ưu đãi không hợp lý cho một vài tỉnh nào đó.

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.