"Sư tử Singapore" trong cơn suy thoái - Kỳ cuối: Hiệp lực vượt bão

08/12/2008 22:24 GMT+7

Gần một năm qua, Chính phủ Singapore luôn sát cánh cùng doanh nghiệp và người lao động lèo lái con thuyền kinh tế trong giông bão bằng rất nhiều hành động cụ thể.

Cắt giảm lao động ngoại

Tình trạng sụt giảm ở mọi khu vực kinh tế đặt hầu hết doanh nghiệp tại Singapore vào yêu cầu cắt giảm chi phí. Cắt giảm nhân công là một trong những giải pháp được nghĩ đến. DBS, ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, đã "phát pháo" đầu tiên vào ngày 7.11 bằng tuyên bố cắt giảm 900 chỗ làm, tương đương 6% tổng nhân lực, tại 2 địa bàn chủ chốt là Singapore và Hồng Kông vào cuối tháng. Tổng giám đốc Richard Stanley nói rằng việc cắt giảm lao động là không tránh khỏi; lợi nhuận quý 3 của DBS chỉ đạt 379 triệu SGD (250 triệu USD), giảm 38% so với cùng kỳ 2007 do nợ xấu tăng 4 lần.

Tuyên bố này gây chấn động không chỉ cho nhân viên của DBS mà cả giới tài chính và Chính phủ Singapore. Các hiệp hội ngân hàng, tổ chức chính phủ và công đoàn lên tiếng chỉ trích nặng nề. Tổng thư ký Liên đoàn Thương nghiệp quốc gia (NTUC), ông Lim Swee Say, phê phán: "Chúng tôi thất vọng với quyết định bất ngờ này. DBS đã không bàn bạc với công đoàn công ty để tìm giải pháp khác. Cảm tưởng chung đó là DBS coi sa thải nhân viên là giải pháp hàng đầu". Liền sau đó, Bộ Nhân lực (MOM) ra thông tư hướng dẫn doanh nghiệp cắt giảm lao động dư dôi một cách có "trách nhiệm xã hội", chẳng hạn phải bàn bạc với công đoàn, rồi báo cáo lên MOM để các bên cùng phối hợp hỗ trợ người mất việc tìm việc khác, hoặc đào tạo cho họ kỹ năng mới… Cho tới nay chỉ có thêm Tập đoàn vận tải đường biển Neptune Orient Lines của Singapore tuyên bố cắt giảm 50 lao động của nước này trong tổng số 1.000 người công ty sẽ sa thải trên toàn cầu.

Lập trường chung của Chính phủ Singapore xem việc cắt giảm lao động là giải pháp cuối cùng. Và ngày 4.12, ông Lim tuyên bố, nếu doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thì "ưu tiên" sa thải người nước ngoài trước. Thủ tướng Lý Hiển Long trong bữa ăn trưa với các phóng viên nước ngoài hôm 5.12 tiếp tục khẳng định: "Chính sách của chính phủ dân bầu như chúng tôi là phục vụ lợi ích của người Singapore. Còn lao động nước ngoài là "vùng đệm"".

Chi tiền cứu doanh nghiệp

Trong vòng 5 tháng đầu năm 2008, Chính phủ Singapore đã chi hơn 3 tỉ SGD (gần 1,97 tỉ USD) để hỗ trợ người dân chống chọi với lạm phát ở mức 6,7%, cao nhất trong vòng 26 năm qua. Việc hỗ trợ này cũng là một cách gián tiếp giúp doanh nghiệp trước đòi hỏi tăng lương, một lựa chọn mà chính phủ không muốn bởi có thể khiến doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh. Chính phủ Singapore cũng không có chủ trương kích cầu bằng ngân sách nhà nước, đặc biệt trong lúc ngân sách năm 2008 - theo Bộ Tài chính - có thể thâm hụt gấp 3 lần khoản dự kiến 800 triệu SGD (gần 526 triệu USD). Thủ tướng Lý Hiển Long nhiều lần khẳng định nền kinh tế Singapore quá nhỏ và mở, hầu hết sản phẩm tiêu dùng nội địa đều là nhập khẩu, nên nếu dùng ngân sách để kích tiêu dùng như những nước khác thì thương mại trong nước cũng chẳng khá lên được bao nhiêu trong khi phần lớn tiền chảy lại ra nước ngoài.

Trái lại, Singapore tiếp tục chi nhiều cho các hoạt động hỗ trợ người có thu nhập thấp, đào tạo lại tay nghề, tạo ra việc làm mới. Ngoài ra, hôm 21.11, chính phủ công bố gói tín dụng 2,3 tỉ SGD (gần 1,52 tỉ USD) cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay để duy trì sản xuất. Ước tính 124.000 lao động được hưởng lợi. "Trong lúc khủng hoảng tín dụng, ngân hàng không muốn cho vay. Gói hỗ trợ này giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn trong lúc ngặt nghèo", Thủ tướng Lý giải thích.

Tự nguyện giảm lương

Ngày 21.11, các thành viên cấp cao của Temasek Holdings, quỹ đầu tư nhà nước do phu nhân của Thủ tướng Lý Hiển Long - bà Ho Ching - làm tổng giám đốc, tuyên bố tự nguyện cắt giảm lương từ 15% - 25%. Dự tính, 90% khoản lương giảm được là của các thành viên chủ chốt. Cuối ngày 24.11, tin từ chính phủ cho hay lương Thủ tướng Lý Hiển Long sẽ giảm 19%, tức còn 3,04 triệu SGD/năm (2 triệu USD) kể từ năm 2009; lương Tổng thống S.R.Nathan cũng giảm 19%, còn 3,14 triệu SGD/năm (2,07 triệu USD); lương bộ trưởng giảm 18%, còn 1,57 triệu SGD/năm (1,04 triệu USD); lương nghị sĩ quốc hội giảm 16%, còn 190.000 SGD/năm (125.000 USD). Nhiều cơ quan nhà nước khác cũng giảm lương nhân viên, nhưng một số nơi không muốn công bố. Chẳng hạn Quỹ đầu tư chính phủ GIC, quản lý trên 100 tỉ USD dự trữ quốc gia do cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu làm chủ tịch, từ chối xác nhận việc này với hãng tin Bloomberg.

Mới đây nhất, hôm 3.12, tập đoàn phát triển bất động sản lớn nhất Đông Nam Á CapitaLand tuyên bố giảm lương các thành viên ban quản trị và điều hành từ 3% - 20% bắt đầu từ tháng 1.2009, trong đó Tổng giám đốc Liew Mun Leong nhận mức giảm tối đa. Sau đó một ngày, tập đoàn truyền thông khổng lồ Press Holdings tuyên bố đang "đóng băng" lương các thành viên quản trị cấp cao…

Rõ ràng, trong khó khăn, lãnh đạo Singapore đã có những hành động rất thiết thực đúng như lời Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định: "Người dân Singapore không đơn độc chống chọi với suy thoái. Ưu tiên của chúng tôi bây giờ là "thắt lưng buộc bụng" ngân sách, giúp doanh nghiệp tồn tại và đảm bảo người dân không thất nghiệp". Ông cũng hy vọng tình trạng suy thoái ở Singapore (bắt đầu từ quý 2/2008 - PV) diễn ra trong một năm, hoặc khả quan là 3 quý, sau đó là vài năm tăng trưởng chậm trước khi tiến dần đến phục hồi hoàn toàn.

Kỳ 1: Cỗ máy giật lùi 

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.