Thư bạn đọc tuần qua (27.11 – 3.12)

03/12/2007 16:55 GMT+7

(TNO) "Suốt thời gian qua, rất nhiều vụ ngược đãi trẻ em làm xót xa chúng ta. Không thể để tình trạng này kéo dài được nữa. Hành động của Hồ Thị Ba là hành động của một kẻ nhẫn tâm, phải bị trừng trị thích đáng".

Trên đây là một phần bức email gửi tới Thanh Niên của bạn đọc ký tên Trinh (...@gmail.com), liên quan tới vụ việc một bé gái 9 tuổi ở TP.HCM bị hành hạ dã man. Bạn Trinh bày tỏ: "Tôi nghĩ Hồ Thị Ba có thể là kẻ bắt cóc trẻ em rồi bắt chúng đi ăn xin. Nếu đúng, xin hãy giúp cho bé Bông tìm lại gia đình ruột thịt của mình, như những gì đã làm với em Bình vừa qua".

Nhiều bạn đọc khác cũng đồng tâm trạng và nhận định:

Nguyễn Mạnh Hùng <...@yahoo.com>: Tôi vô cùng đau lòng khi đọc tin này. Tôi cũng đã rất nhiều lần nhìn thấy các em bé vất vưởng đi ăn xin, không biết chúng có bị ngược đãi như bé Bông hay không? Rất mong sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, thẳng tay trừng trị những người liên quan.

Tran Trung Dung <...@gmail.com>: Không thể để loại người như vậy sống ngoài vòng pháp luật, phải xử thật nặng để răn đe.

DzungNguyen <...@yahoo.com>: Không thể không căm phẫn trước những hành vi độc ác, lối kiếm tiền man rợ của một số kẻ vô lương tâm, vô đạo đức. Chuyện hành hạ, ép buộc trẻ em đi ăn xin ở TP Hồ Chí Minh đã tồn tại từ khá lâu mà vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để (VTV đã từng có phóng sự về vấn đề này). Thật buồn là những tội ác như vậy vẫn còn tồn tại trên đất nước ta. Rất mong qua vụ việc này, các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh (và có thể cả ở những tỉnh, thành phố khác) cần có các biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề, để những câu chuyện buồn như vậy không còn xuất hiện nữa.

Trần Thanh Tí <...@yahoo.com.vn>: Tôi mong rằng cơ quan công an tìm ngay tên không có lương tâm kia để truy tố trước pháp luật. Làm như thế tôi thấy trẻ em mới được bảo vệ nhiều hơn. Cám ơn!

Nguyen Minh Nhat <nguyenkhangkevin>: Mỗi ngày chúng ta thường xuyên gặp trong quán ăn hay trên hè phố những em bé như vậy. Đây là một thực trạng nhức nhối đang âm thầm tồn tại trong xã hội chúng ta. Theo tôi, Đoàn thanh niên hoặc Hội Liên hiệp thanh niên, thanh niên tình nguyện cần phát động một phong trào xâm nhập vào mảng tối đó để giải cứu cho các em. Chắc chắn rằng phong trào này sẽ được hưởng ứng rất mạnh từ xã hội. Riêng về phía cạnh luật pháp, có vẻ như những chế tài về hành vi ngược đãi trẻ em còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Luật pháp cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để có những biện pháp xử lý thích đáng những kẻ được mang danh con người nhưng lại có những hành vi không còn tính người như vậy.

Nguyễn Minh Chiến <...@yahoo.com.vn>: Bà Hồ Thị Ba là con người vô cùng độc ác, không còn tính người, hành hạ trẻ em rất dã man . Pháp luật cần nghiêm trị con người này một cách thỏa đáng . Nếu xử công bằng thì dùng những dụng cụ mà bà ta đánh đập hành hạ cháu như nước nấu sôi ... tạt cho bà ta để bà biết thế nào là sự tàn ác dã man của bà . Mong chính quyền xử mạnh tay để làm gương những kẻ không còn tính người này.

Nguyên <...@yahoo.com>: Đà Nẵng đã mạnh tay với nạn ăn xin và đã rất thành công. Thiết nghĩ, Đà Nẵng làm được thì những tỉnh, thành khác cũng phải làm được.

Nguyễn Thắng <...@gmail.com>: Còn bao nhiêu hoàn cảnh tượng tự chưa được giải thoát? Còn bao nhiêu trẻ em đang bị giam hãm tuổi thơ? Chắc hẳn ai cũng có thể trả lời là còn nhiều lắm. Quan trọng là ai, tổ chức nào đứng ra bảo vệ cho các em?

*Nhân trường hợp “mắc cạn” của Công ty TNHH sản xuất đồ chơi Ngọc Thạch - phải đi vay vốn của ngân hàng để kinh doanh trong khi đang là chủ nợ của khoản tiền hơn 2 tỉ đồng, chỉ vì sự “hời hợt” của cơ quan thực thi pháp luật, bạn đọc cũng lên tiếng về hiện tượng không mới này trong việc kinh doanh hiện nay:

Dung Nguyễn <…@yahoo.com>: Ngoài vấn đề vốn, công nghệ, tri thức, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển cần phải dựa vào hành lang pháp lý của Nhà nước. Pháp luật, nếu không bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng đồng nghĩa với việc dung túng cho những việc làm sai trái. Vụ việc của Công ty Ngọc Thạch, nếu cơ quan Thi hành án không có biện pháp cương quyết xử lý thì chẳng khác nào khuyến khích các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau nhưng thực chất là lừa đảo; vì tôi cứ việc ký hợp đồng, tôi không thanh toán, tôi ra hầu Tòa, tôi nhận quyết định thi hành án, tôi không thanh toán nhưng tôi vẫn… ung dung tự tại. Điều này hết sức nguy hiểm cho nền kinh tế non trẻ của chúng ta. Cũng cần phải xem lại tại sao cơ quan Thi hành án không mạnh tay để xử lý?

Nguyen Van Hue <…@yahoo.com.vn>: Rất nhiều giao dịch dân sự vấp phải trường hợp tương tự và đều rất bức xúc. Ví dụ vay tiền nhưng không trả (tín chấp), mua bán đặt cọc song không giao hàng đồng thời quịt cả tiền đặt cọc... Tất cả đều có bản án dân sự có hiệu lực pháp luật mà chẳng làm gì được. Chúng ta không tạo ra môi trường kinh doanh rành mạch khiến các nhà đầu tư không dám xuất tiền thì đất nước không thể phát triển được, trong khi một bộ phận nhỏ lừa đảo mang tính chuyên nghiệp thì cứ nhởn nhơ vì họ biết rằng chỉ là bản án dân sự, không thể bắt họ đi tù được. Theo tôi cần có quy định hình sự hóa những bản án dân sự liên quan đến kinh tế (áp dụng án tù cho những khoản nợ nhất định) mới có thể cải thiện môi trường kinh doanh được.

Và những phản ảnh, góp ý khác của bạn đọc gửi đến Thanh Niên trong tuần qua:

Xin đừng nhại tiếng!
 
Gần đây, trên các chương trình truyền hình của thành phố, đặc biệt là trương trình giải trí, các nghệ sĩ hài rất hay nhại lại giọng nói của người miền Trung để gây cười cho khán giả. Giọng của người Bình Định hay Phú Yên thường được nhại nhiều nhất. Ngày trước khi hiện tượng này mới xuất hiện, một số nghệ sĩ nổi tiếng rất duyên dáng khi thể hiện nên khán giả còn chấp nhận được và cũng là niềm vui cho những người xa quê hương. Nhưng dạo gần đây, vì diễn suất của nhiều nghệ sĩ trẻ chưa đạt nên cách làm này rất phản cảm, làm cho người xem không vui, nhất là những người ở các vùng quê nói trên. Mong các nghệ sĩ và những người biên tập chương trình hãy xem xét lại, xin đừng làm những người con xa quê thêm quặn lòng, sau những tang thương vì thiên tai ở những vùng quê nghèo của họ. Niềm vui không nên đứng riêng rẽ! (Lê Nguyên Thảo  - ...@yahoo.com)

Về vấn đề kỷ luật học sinh
 
Hiện nay, có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên đánh học sinh (HS). Tôi xin có một số ý kiến rất chân thành: Tôi đã dạy học hơn 30 năm, đã nhiều lần đánh roi HS nhưng chưa bao giờ HS oán hận tôi. Chúng vẫn tìm về thăm tôi và nhắc lại những ngọn roi cô quất ngày nào với giọng bồi hồi. Bởi vì chúng biết cô đánh không vì cô ghét. Hiện nay HS rất lười học, một phần do chương trình học quá nặng, nhưng một phần do chúng quá ham chơi, vào lớp không thể tập trung, cứ ngồi dật dờ mệt mỏi. Một số HS do gia đình quá cưng chiều nên ỷ thế cha mẹ, rất hỗn láo với giáo viên. Tôi là người rất yêu trẻ, yêu nghề nhưng nay cũng bắt đầu thấy chán trước tình trạng này. HS nói chuyện ngang tàng, giáo viên có chỉnh sửa thì chúng háy, nguýt. Đồng nghiệp trẻ của tôi nhiều người rất thất vọng. Có vui được không khi khuyên một HS lớp 6: "Em ráng học đừng để mẹ buồn", được trò trả lời: "Mẹ em em còn chưa sợ huống gì cô"; HS không thuộc bài nhiều lần, mời phụ huynh đến trường, họ bảo "làm gì mời hoài vậy"...? Một lớp học mấy chục con người, có thể ví như một phần xã hội thu nhỏ. Phải làm sao với những "phần tử" chậm tiến đây?  (Nguyen Le Nguyen - …@yahoo.com)

Sự hỗn độn tại bến xe Phía Nam (Hà Nội)
 
Thời gian gần đây, nhiều người đến bến xe Phía Nam (Hà Nội) không khỏi hoảng sợ khi chứng kiến cảnh hỗn độn, mất trật tự tại bến xe này. Hành khách vừa bước xuống xe buýt là đã bị hàng loạt cò của các xe đi Nam Định, Thanh Hóa vây quanh. Chẳng cần biết khách đi đâu, có đồng ý lên xe hay không, cứ nhìn thấy khách là "cò" lao vào lôi kéo, tranh giành. Tìm hiểu thêm thì được biết, những xe này đều từ trong bến xe Phía Nam đi ra, tuy nhiên không xuất bến ngay mà đứng ở khu Quảng trường, đỗ ở đường ra, xếp hàng 3 hàng 4 phía giáp ngoài đường Giải Phóng để tranh giành khách, tạo nên một quang cảnh hỗn độn. Những hành khách bị lôi lên xe cũng không cần phải mua vé nên giá cả bao nhiêu tùy thuộc vào nhà xe. Bến xe Phía Nam là một bến xe lớn ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, vậy mà tình trạng hỗn độn này diễn ra triền miên, ngày này qua ngày khác nhưng không có lực lượng chức năng nào can thiệp và cũng không thấy vai trò của ban quản lý bến ở đâu. Xin được gửi câu hỏi này đến các cơ quan chức năng của địa phương. (Lê Thành - …@yahoo.com.vn)

Nhiều bài viết của bạn đọc về các vấn đề khác đã được đăng trong mục Ý kiến.

Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận được một số thư phản ảnh những lỗi kỹ thuật và nội dung trên trang web từ các địa chỉ mail: Huynh Truong Huu Dien huynhtruonghuudien@gmail.com; vinh bao <baodung@gmail.com>; Pham Thanh Son <paltal2000@yahoo.com>; Van le <loi_bmt2007@yahoo.com>; bui huu doan bhdoan@hau1.edu.vn.

TNO cảm ơn sự quan tâm, góp ý và tín nhiệm của bạn đọc. Mong tiếp tục nhận được sự cộng tác!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.