Từ Cái mỏ phấn đầu tiên

05/12/2005 22:48 GMT+7

Nhà văn Phong Thu (ảnh) tiếp tôi ngay trong "thư phòng" của ông trên tầng 5 khu tập thể Trung ương Đoàn. Gọi là "thư phòng" cho sang, thực ra đó chỉ là khu phụ được cải tạo lại, rộng chưa đầy 5m2. Thư phòng vừa là nơi làm việc vừa là nơi ngủ của ông. Một chiếc đệm cuộn lại gọn ghẽ ở góc phòng, trên có chăn gối, tối chỉ việc trải ra là thành giường.

Nhưng đúng là thư phòng vì trên tường đầy sách và trên bàn là những tập bản thảo đang viết dở. Tôi nhìn giá sách trên tường và ước tính phải đến gần nghìn cuốn. Phong Thu hiểu cái nhìn ấy của tôi, ông cười: "Tôi chỉ có sách thôi anh ạ. Khoảng 4.000 cuốn. Phòng chật quá nên chỉ để ở đây những cuốn cần dùng, còn hơn 3.000 cuốn tôi gửi ở nhà cháu gái". Tôi khen ông có cái bàn viết đẹp thì ông lại cười thoải mái: "Cháu nó mua tặng bố hai năm nay đấy. Còn cả cuộc đời viết văn của tôi, tôi viết trên một cái bàn đặc biệt". Ông chỉ cho tôi một cái hòm đóng bằng gỗ xoan rừng, mặt hòm là bàn viết còn tài liệu, bản thảo để cả trong hòm, và cho tôi xem tấm ảnh một phóng viên đã chụp khi ông ngồi xếp bằng tròn dưới đất viết trên "cái bàn" này. Cái hòm gỗ ấy ông đóng khi về dạy học ở Hòa Bình và nó đã theo suốt cuộc đời dạy học - viết văn của nhà văn - nhà giáo Phong Thu hơn 40 năm nay để tạo nên một vệt truyện thiếu nhi đặc sắc mang đầy sức sống hồn nhiên của trẻ thơ.

Nhà văn Phong Thu sinh năm 1934 ở Kiến Xương, Thái Bình. Ông học sư phạm sơ cấp khóa đầu tiên ở khu học xá T.Ư Nam Ninh, Trung Quốc cùng với nhà văn Nguyễn Kiên. Tốt nghiệp tháng 12.1952, ông và Nguyễn Kiên được giữ lại trường làm giáo viên, nhưng ông quyết xin về nước để dạy học. Con chim đã bay về bầu trời rộng thênh thang của mình - nhà giáo Phong Thu đã đến với thế hệ trẻ mà ông từng yêu mến và mơ ước được dạy dỗ, cũng là lúc những cảm hứng đầu tiên về lớp măng non của đất nước bắt đầu trào lên trong tâm hồn nhà văn trẻ tuổi. Phong Thu kể lại cái ngày đầu tiên ông về nhận nhiệm vụ "chưởng giáo" (*) ở Trường phổ thông Qui Đức huyện Mai Đà (Mai Châu - Đà Bắc) tỉnh Hòa Bình đầu năm 1953. Trường có một lớp, ngày khai giảng chỉ có 7 em học sinh các dân tộc Thổ, Thái, Mường, Mán và tất cả đều không biết chữ. Thầy chưởng giáo vừa tròn 18 tuổi ấy không bi quan, không nản lòng, đã vừa dạy, vừa xây dựng trường, vừa vận động con em các gia đình đến lớp. Lớp đông dần, từ 1 lớp thành 2, 3 lớp và từ chưởng giáo, ông đã trở thành hiệu trưởng một trường tiểu học ở vùng cao rồi cán bộ phụ trách giáo dục huyện, cán bộ Ty Giáo dục Hòa Bình. Huyện Mai Đà có 20 xã, ông đã đi hết, còn tỉnh Hòa Bình có 103 xã thì ông đã có mặt ở 102 xã để làm nhiệm vụ người cán bộ chỉ đạo giáo dục. Mảnh đất dạy học đầu đời ấy cũng là mảnh đất đã ươm những chồi non văn học tươi xanh trong ông.

Từ 1954, Phong Thu đã viết tin cho Báo Tiền Phong và đến tháng 6.1955, truyện ngắn đầu tiên Cái mỏ phấn của ông đã được đăng trên Báo Tiền phong thiếu nhi, tiền thân của Báo Thiếu niên tiền phong sau này. Chuyện viết về người thật việc thật nơi ông dạy học. Hồi ấy, lớp học thiếu phấn, thầy phải dùng than viết lên cánh cửa vừa bẩn lem nhem lại nhìn không rõ chữ. Học trò thương thầy đã họp bàn cách tìm phấn. Các em đã phát hiện ra những vệt đất sét trắng nằm sâu dưới khe đá trong lòng suối, đem về nặn thành từng thỏi cho vào bếp than nung lên thành phấn viết. Nhà văn còn nhớ nguyên cái cảm giác sung sướng khi nhận được báo biếu và tờ giấy báo lĩnh tiền nhuận bút màu hồng giống như một "tờ thiếp mời dự cưới". Số tiền nhuận bút là 9.000đ, "giá trị bằng 30 bát phở, bằng 3/4 tiền cơm một tháng ở cơ quan", ông đã mời bạn bè ở Ty Giáo dục ra quán khao tất. Cái mỏ phấn ấy làm sao mà hết được, cũng như lòng yêu nghề mến trẻ đã thành cảm hứng dạt dào trong ông không bao giờ vơi, đã tuôn chảy thành hàng trăm truyện ngắn, hàng nghìn bài báo, và đến nay ông đã có 50 tập truyện ngắn viết về thế hệ măng non của đất nước. Trong Nhà văn Việt Nam hiện đại của Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản năm 1997, ở trang 650 về Phong Thu, tôi đếm được tất cả 12 giải thưởng, trong đó có những giải thưởng lớn như Giải thưởng tập truyện thiếu nhi Hoa mướp vàng của Ủy ban thiếu niên nhi đồng trung ương và NXB Kim Đồng - Hội Nhà văn năm 1968; Giải Bông sen bạc cho kịch bản phim hoạt hình Cá sấu ngứa răng năm 1974...

Từ Cái mỏ phấn đầu đời trong những tháng năm dạy học ở vùng cao Hòa Bình, ông đã trở thành nhà văn thân quen của thiếu nhi cả nước.

Nguyễn Xuân Lạc
(Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)

(*) Chưởng giáo là người phụ trách trường chỉ có 1 lớp, khi trường có nhiều lớp thì mới gọi là hiệu trưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.