Cuộc thi "Nếu tôi là Tổng biên tập Báo Thanh Niên": Tự tin, nhiều ý tưởng mới

10/12/2010 17:33 GMT+7

Đã có hơn 150 bài, hay nói đúng hơn là những bản đề án nghiêm túc nhằm vạch ra hướng phát triển các mặt hoạt động của Báo Thanh Niên. Qua đó, chân dung những bạn đọc trẻ yêu nghề báo được khắc họa: tự tin, sáng tạo và táo bạo.

Từ những hoạch định vĩ mô

Số bài dự thi góp ý trực tiếp vào những vấn đề cụ thể của tờ báo chiếm tỷ lệ cao, nhưng cũng chiếm một lượng đáng kể thí sinh tiếp cận cuộc thi bằng những kế hoạch mang tầm hoạch định vĩ mô.

Bạn Nguyễn Hồng Hải (ĐH An ninh) thì xác định sứ mệnh, tầm nhìn cho tờ báo và đi kèm là một kế hoạch đến năm 2020 (tương đương với 2 nhiệm kỳ tổng biên tập nếu bạn trở thành). Từ những phân tích điểm mạnh, điểm yếu theo cách của các nhà quản trị hiện đại, Hồng Hải còn đề ra triết lý phát triển của Thanh Niên là: “Mỗi người dân là một độc giả khó tính nhất nhưng phải vui vẻ khi cầm tờ Thanh Niên”!

Ban giám khảo cuộc thi

Nhà báo Nguyễn Quang Thông (Tổng biên tập Báo Thanh Niên), nhà báo Đặng Việt Hoa (Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên), nhà báo Hải Thành (Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên ), nhà báo Đỗ Hùng (Thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên), tiến sĩ Huỳnh Văn Thông (Trưởng khoa báo chí - Truyền thông, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM).

Nhiều thí sinh khác cũng đi theo hướng lý luận này như Đoàn Trần Đức Hải (sinh năm 1984) khi viết hẳn luận cương làm rõ các vấn đề: bản chất sự phát triển, chiến lược phát triển của Thanh Niên là gì?... Hay đề án 21 trang của bạn Hồ Xuân Mai (Đà Nẵng) đi từ “Đánh giá môi trường báo chí Việt Nam, chỉ số phát triển kinh tế quốc gia đến chiến lược Marketing cho Thanh Niên”…

…đến những góp ý cụ thể

Các bài dự thi còn lại tùy từng góc nhìn và sở thích cá nhân, cũng như ngành học của người dự thi mà có những đóng góp hết sức cụ thể. Từ việc cải tiến các ấn phẩm sao cho hiệu quả; làm sao để nâng cao số lượng phát hành và doanh thu quảng cáo đến ý tưởng mới như phát hành tờ Thanh Niên buổi chiều (bạn Huỳnh Việt Thắng , Ký túc xá ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM); kế hoạch cải tiến chương trình Tư vấn mùa thi của bạn Nguyễn Thị Kim Khuyên (ĐH Ngoại thương cơ sở 2) hay đề án để Thanh Niên trở thành một tập đoàn báo chí mạnh có cả kênh truyền hình tin tức hàng đầu khu vực của bạn Phạm Bá Diệp (SV năm 2 khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)… Bá Diệp viết thêm ở phần cuối bài dự thi của mình: “Để thực hiện kế hoạch này thì Thanh Niên phải chi một số tiền rất lớn cho việc đầu tư thiết bị. Do vậy chuẩn bị tài chính là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết là chuẩn bị tinh thần… Giả sử tôi là Tổng biên tập thì tôi cũng biết rằng đây là kế hoạch quan trọng và mạo hiểm nhất của tôi. Nếu thua cuộc, tôi sẽ bị văng khỏi ghế Tổng biên tập là cái chắc!...”.

Thậm chí có ứng viên Tổng biên tập là nữ (Dương Thị Thanh Thùy, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), trong kế hoạch của mình còn tính toán đến cả việc bố trí chỗ làm việc của phóng viên sao cho khoa học, khuyến nghị tòa soạn phải thay màu rèm cửa sao cho khơi gợi được tinh thần sáng tạo của các phóng viên, ngày nào nên dùng những loại hoa gì trang trí trong chỗ làm để đạt hiệu quả về thẩm mỹ và…phong thủy!

Một vài bài thi không chỉ nằm trong khuôn khổ một cuộc thi viết bình thường mà được phát triển nghiêm túc từ các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường của sinh viên các khoa báo chí, truyền hình. Trong đó, bài dự thi của bạn Trần Thị Duyên (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) được đóng cuốn và trình bày như một luận văn tốt nghiệp và xuất phát từ một nghiên cứu khoa học về tính cạnh tranh của các tờ báo lớn tại Bình Định đã đoạt giải khuyến khích cấp Bộ trước đó.

Sáng nay, 11.12, Ban giám khảo gồm 5 thành viên sẽ có vòng phỏng vấn trực tiếp 11 thí sinh có bài vào chung kết. Áp lực không chỉ đặt lên vai trò giám khảo mà chắc rằng áp lực sẽ nặng thêm cho các thành viên lãnh đạo Báo Thanh Niên sau khi nghiên cứu và xem xét việc vận dụng những hiến kế từ các ứng viên trẻ. Ấy có thể là một hiến kế rất nhỏ thôi như của bạn Dương Thị Thanh Thùy (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), cũng đáng để suy gẫm: “Tổng biên tập phải nghĩ đến cách động viên cấp dưới mình qua một lá thư siêu nhỏ chứa đựng lời gởi gắm đầy hài hước của mình được gởi trực tiếp đến các trưởng ban và phóng viên lâu lâu một lần!”…

Thực sự, công việc quản lý nói chung và quản lý cơ quan báo chí nói riêng không hề đơn giản và luôn cần lắm công phu…

Trọng Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.