Hạ viện, Thượng viện Hoa Kỳ chính thức thông qua PNTR đối với Việt Nam

09/12/2006 21:39 GMT+7

** Chấm dứt hàng thập kỷ quan hệ thương mại không bình thường giữa Việt Nam - Hoa Kỳ **Những cuộc bỏ phiếu đặc biệt lúc nửa đêm Trong một diễn biến hết sức đặc biệt, tiếp sau Hạ viện, Thượng viện Hoa Kỳ đã nhóm họp đến tận nửa đêm rạng sáng ngày 9/12 (giờ Washington D.C) và nhanh chóng thông qua dự luật về Quy chế PNTR cho Việt Nam.

Đây là một trong những quy chế cho phép hai nước từ nay về sau có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, chấm dứt tình trạng "không bình thường" về thương mại kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao hàng thập kỷ qua.

Qua cửa ải Hạ viện

Suốt tuần qua, khi bắt đầu các phiên họp cuối cùng, đã có nhiều dự đoán, rồi nỗ lực, và cả những cuộc thương lượng sau hậu trường để trình Dự luật PNTR đối với Việt Nam ra phê chuẩn trước khi cả hai viện Quốc hội Hoa Kỳ chính thức kết thúc khóa họp 109. Nhưng những nỗ lực đó chỉ đến nửa đêm rạng sáng ngày 9.12 (giờ Washington) vừa qua mới chính thức thành công.

Trong phiên họp cuối cùng ngày 9/12, tại Hạ viện, Dự luật về PNTR đối với Việt Nam mang một số hiệu mới H.R.6406, đã có tên trong danh sách được thảo luận và bỏ phiếu cùng với khoảng hơn 10 dự luật khác. Tuy nhiên, cũng như những ngày trước đó, không ai chắc chắn dự luật này sẽ được đưa ra bỏ phiếu hay không, đặc biệt nó nằm trong tổng thể một số vấn đề khác như các hiệp định thương mại của Hoa Kỳ với một số nước Mỹ La-tinh và Caribean, cùng với vấn đề gia hạn Chế độ thuế quan ưu đãi (GSP) của Hoa Kỳ đối với hơn 100 quốc gia.

Khoảng 18h chiều giờ Hoa Kỳ, ngày 8/11, Hạ viện quyết định đưa Dự luật H.R.6406 trong đó có PNTR đối với Việt Nam ra thảo luận và bỏ phiếu. Đã có khoảng 10 ý kiến phát biểu về vấn đề PNTR đối với Việt Nam, trong đó đa số ý kiến ủng hộ. Hạ nghị sĩ Rob Simon cho rằng PNTR đối với Việt Nam không đơn thuần là quy chế về kinh tế thương mại mà nó vấn đề biểu tượng cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên Hạ viện sau đó đã phải ngưng lại ít phút để Chủ tịch Hạ viện Dannis Hastert, người từng đến thăm Việt Nam đọc bài diễn văn cuối cùng từ giã các đồng sự. Bài diễn văn chia tay gây xúc động của lãnh tụ phe Cộng hòa có 10 năm làm Chủ tịch Hạ viện, được toàn thể Hạ viện đứng dậy vỗ tay trong vòng 5 phút đồng hồ liền. Đúng 19h45 phút Hạ viện chính thức tiến hành bỏ phiếu thông qua Dự luật H.R.6406, trong đó có Quy chế PNTR đối với Việt Nam. Kết quả cuối cùng: với tỷ lệ 218/184 dự luật này đã được thông qua bằng một số phiếu quá bán.

Những cuộc bỏ phiếu vào giờ chót

Cùng lúc này tại Thượng viện, các thượng nghị sĩ đang thảo luận về phê chuẩn các chức vụ của chính quyền Tổng thống Bush, thảo luận một số vấn đề về thuế, và chờ đợi các dự luật từ Hạ viện chuyển sang để phê chuẩn. Và một trong những ưu tiên của họ có vấn đề PNTR đối với Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không ai biết chắc là khi nào thì Hạ viện sẽ chuyển Dự luật PNTR cho Việt Nam và liệu các thượng nghị sĩ có đủ thời gian để thông qua hay không, vì chỉ còn ít tiếng nữa phiên họp cuối cùng của Thượng viện khóa 109 sẽ kết thúc.

Tại Thượng viện lúc này không khí cũng tương đối có lợi cho việc thông qua PNTR đối với Việt Nam. Hai thượng nghị sĩ, Charles Grassley - Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện, và thành viên cao cấp của đảng Dân chủ trong ủy ban thượng nghị sĩ

Phát biểu nhân sự kiện Quốc hội Mỹ thông qua PNTR đối với Việt Nam, Tổng thống Bush đánh giá đây là một bước đi thúc đẩy mối quan hệ thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam lên một mức cao hơn, góp phần đảm bảo lợi ích của chính nước Mỹ trong mối tương quan đối với các lợi ích kinh tế mà Việt Nam tạo ra khi gia nhập WTO. Việt Nam đang thể hiện quyết tâm cao độ trong việc tiếp tục cải cách nền kinh tế. Người Mỹ hoan nghênh sự thay đổi to lớn cũng như tiến trình phát triển kinh tế ở Việt Nam và tiếp tục tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong tương lai. (The White House - T.M)
Max Baucus đã có hai bài phát biểu dài và thuyết phục nói lên tầm quan trọng của việc thông qua Quy chế PNTR đối với Việt Nam. Thượng nghị sĩ Max Baucus, người sẽ lên làm Chủ tịch Ủy ban Tài chính vào tháng tới, người bảo trợ và ủng hộ mạnh mẽ quan hệ thương mại với Việt Nam cho rằng quy chế này sẽ đem lại lợi ích cho hai dân tộc, cho cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế hai nước. "Vì tầm vóc lịch sử và tính biểu tượng của nó, Quy chế PNTR đối với Việt Nam không chỉ đơn thuần là khép lại hoàn toàn quá khứ, mà quan trọng hơn nó rộng mở cánh cửa của tương lai" ông thượng nghị sĩ Baucus nói.

Lúc này tại Thượng viện đồng hồ đã gần điểm nửa đêm, đúng lúc Chủ tịch điều hành của Thượng viện cũng tuyên bố nhận được một số dự luật từ Hạ viện chuyển sang, trong đó có Dự luật mới H.R.6111, có vấn đề Quy chế PNTR đối với Việt Nam. Sau phần thảo luận một dự luật về ngân sách cho chính quyền Bush đến tháng 2 năm 2007. Dự luật H.R.6111 bao gồm PNTR đối với Việt Nam và một luật về giảm thuế nội địa mở rộng của Hoa Kỳ được thảo luận và đưa ra bỏ phiếu. Kết quả bỏ phiểu cuối cùng dự luật này được thông qua với tỷ lệ 79 phiếu ủng hộ, 9 phiếu chống.

Như vậy với thủ tục cuối cùng này tại Hạ viện, một di sản cuối cùng của thời Chiến tranh lạnh, Đạo luật Jackson - Vanick, quy định gia hạn Quy chế thương mại cho Việt Nam hằng năm, từ nay trở đi sẽ hoàn toàn chấm dứt. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, kể từ nay trở đi hoàn toàn bình đẳng và bình thường, khi Việt Nam đã trở thành một thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới. Dự luật này theo dự kiến sẽ được Tổng thống Bush nhanh chóng ký để có hiệu lực trong những ngày tới.

PNTR là gì?

PNTR là chữ viết tắt tiếng Anh của từ Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relations). Quy chế quan hệ Thương mại bình thường (NTR) mà Hoa Kỳ sử dụng chính là Quy chế tối huệ quốc mà Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều nước trên thế giới hiện vẫn còn sử dụng. Sự chuyển tên này ở Hoa Kỳ diễn ra vào năm 1998, thời điểm mà có rất nhiều quốc gia có quy chế này. 

Lịch sử hình thành Quy chế PNTR tại Hoa Kỳ

Vào năm 1948, Hoa Kỳ tham gia Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) - tổ chức tiền thân của WTO. Tại thời điểm đó, Hoa Kỳ đồng ý trao Quy chế tối huệ quốc (MFN) cho tất cả các quốc gia thành viên khác. Quy chế này cũng được trao cho một số quốc gia không phải là thành viên của GATT. Năm 1951, Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu Tổng thống Harry Truman thu hồi lại Quy chế MFN đã được trao cho Liên bang Xô Viết cũ và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong suốt thời kỳ Chiến tranh lạnh, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa phải đứng trước hai lựa chọn: hoặc là không được trao MFN hoặc là phải đáp ứng một số điều kiện nhất định để được trao quy chế này.

Tính tới tháng 5/1997, Afghanistan, Cuba, Lào, CHDCND Triều Tiên, Việt Nam, Serbia và Montenegro là những nước nằm ngoài danh sách PNTR/MFN. Năm 2001, Việt Nam được trao NTR nhưng trên cơ sở xem xét theo từng năm. (X.Danh)

Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.