Xã vùng cao nhiều tỷ phú

10/12/2009 10:57 GMT+7

Từng là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, chính quyền phải thường xuyên cứu đói, nhờ định canh định cư, lựa chọn cây trồng phù hợp, Tân Châu đã bứt phá ngoạn mục trong phát triển kinh tế xã hội.

Tân Châu được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, và hiện là một trong những xã đồng bào dân tộc thiểu số giàu nhất nước.

Còn nhớ năm 1990, khi đi cứu trợ ở Tân Châu, lãnh đạo Sở Lao động - TBXH nhận định đây là một trong những xã nghèo nhất tỉnh, mỗi năm phải cứu đói từ 4 - 6 tháng cho một nửa số dân của xã.

Nguyên nhân, gần hai phần ba cư dân trong xã là đồng bào dân tộc thiểu số (Mạ, K’ho, Tày, Nùng …) vốn quen nếp sống du canh du cư, trong khi rừng càng ngày càng co hẹp, cộng thêm bao hệ lụy của cuộc sống du mục như bệnh tật, thất học, thú dữ tấn công…

Những gương điển hình của Tân Châu từng được biểu dương là nông dân sản xuất giỏi, già làng gương mẫu của tỉnh và của cả nước, như già làng K’Lếu (thôn 1), K’Phèng và K’Biểu (thôn 4)…vẫn giữ được thành tích nổi trội. Những nông dân dân tộc Nùng, Sán Dìu như Tạ Quang Thành, Đặng Tích Hoa, Liêu Văn Chi (thôn 5)…từng nổi tiếng khắp vùng vì sản xuất kinh doanh giỏi, nay lại càng giàu có hơn bởi một số người đã thành lập được doanh nghiệp và làm ăn phát đạt. 

Cấp ủy Đảng và chính quyền xã Tân Châu kiên trì tổ chức cho người dân định canh định cư. Xã chủ động đo đạc, giao đất cho dân làm nhà, lập vườn; nghiên cứu tìm cây trồng thích hợp với địa phương, rồi quy hoạch phân vùng các loại đất, và hướng dẫn người dân thực hiện.

Một mặt thuyết phục người dân gắn sản xuất lúa với hoa màu để tự túc lương thực, mặt khác, hướng dẫn bà con thâm canh cà phê để có vốn tích lũy trong vài năm sau.

Định cư + chuyên canh cà phê = giàu có

Đến năm 2000, Tân Châu đã có 3.000 ha cà phê, cho sản lượng hơn 6.000 tấn, tăng gấp sáu lần về diện tích và mười lần về sản lượng so với thập niên trước. Thu nhập bình quân đầu người có mức tăng trưởng ngoạn mục, từ 700.000 đồng lên 10 triệu đồng/năm. Tân Châu vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Năm nay trở lại Tân Châu vào tháng mười hai khi cà phê đang chín rộ, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp cảnh bà con tất bật thu hái, vận chuyển, chế biến cà phê. Cà phê chín đỏ trĩu cành; cà phê đóng bao chất cao như núi, cà phê phơi tràn  khắp sân vườn và địa điểm công cộng.

Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Đức Gia phấn khởi: Vụ này sản lượng cà phê Việt Nam giảm 20 - 30% so với vụ trước, do thời tiết bất lợi. Thế nhưng năng suất và sản lượng cà phê của xã vẫn tăng cao: Gần 4.000 ha cà phê đạt năng suất bình quân hơn 3 tạ/ha (cao hơn nhiều vùng cà phê khác trong cả nước), sản lượng ước đạt 12.000 tấn.

Thu nhập bình quân đầu người đã tăng lên hơn 15 triệu đồng/năm. Thêm nhiều biệt thự bề thế tọa lạc giữa những trang trại cà phê trù phú, hàng loạt tòa nhà mặt phố hiện đại thi nhau mọc lên ven quốc lộ 28 ngang qua xã.

 

Biệt thự giữa vườn cây. Ảnh: Kim Anh

Tân Châu là xã thuần nông với 2.128 hộ, chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng đã có 680 hộ sở hữu những tòa nhà bề thế, khang trang, mỗi nhà được xây từ vài  trăm triệu đến hơn một tỷ đồng. Hàng chục gia đình mua sắm ô tô đời mới đắt tiền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, du lịch...

So với nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác, người dân Tân Châu đặc biệt quan tâm đến việc học hành của con em mình, đến nay đã có hàng trăm thanh niên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng.

Những tỷ phú đi lên từ chân đất

Năm nay đã 63 tuổi nhưng già làng K’Lếu vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Già hồi tưởng: “Bà con dân tộc mình đã dời làng nhiều lần lắm, bây giờ không nhớ nổi nữa. Sống khổ lắm, nhiều người chết vì dịch bệnh, thú dữ vồ; con cái không được học hành. Khi chính quyền địa phương vận động, mình liền bàn với bà con định canh định cư, trồng cà phê, trồng lúa, nuôi bò... Nhờ vậy mà ngày nay người K’ho trở nên giàu có, không còn ai bị đói nữa. Mình còn làm gương kế hoạch hóa gia đình, chỉ sinh 2 đứa con thôi”.

Chủ tịch xã cho biết, lời nói của già K’Lếu có trọng lượng lắm. Già K’Lếu cùng các già làng khác vận động người dân đóng góp cả trăm triệu đồng cho quỹ khuyến học của xã; vận động 100% số hộ trong thôn cho con em đến trường; hòa giải rất nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp của người dân trong thôn.

K’Biểu đã từng tham dự Đại hội thi đua sản xuất giỏi toàn quốc, tâm sự:  “Ngày trước gia đình mình nghèo lắm, chính quyền phải phát gạo cứu đói. Nếu không có cán bộ tới tận nhà chỉ dẫn, mình không biết cách trồng cà phê đâu. Bây giờ nhà mình đã trồng được 12 ha cà phê, mỗi năm thu vài chục tấn. Mình đã phá bỏ cái nhà sàn chật hẹp, cũ nát để xây nhà lầu, mua ô tô, máy cày”…

Cây cà phê cũng đã đưa gia đình K’Phèng từ cảnh nghèo đói triền miên thành hộ giàu có và K’Phèng cũng được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi. Chủ nhân của tòa nhà được trang bị khá hiện đại và bài trí sang trọng như biệt thự ở thành phố cho biết 10 ha cà phê của gia đình đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

“Nhiều gia đình giàu hơn mình. Bà con mình nghe theo nhà nước, không lang thang khắp núi rừng mà ở yên một chỗ để trồng cà phê, nên mới được như vậy”, K’Phèng nói.

Theo Kim Anh/Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.