Siêu sân bay sẽ kéo kinh tế Việt Nam cất cánh

01/09/2023 04:20 GMT+7

Chiều qua 31.8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh khởi công nhà ga sân bay Long Thành và nhà ga T3 ở Tân Sơn Nhất với tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỉ đồng. Các dự án này được kỳ vọng sẽ đưa kinh tế VN cất cánh.

Nâng hạng hàng không VN trên trường quốc tế

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư 336.630 tỉ đồng (khoảng 16 tỉ USD) chia làm 3 giai đoạn triển khai. Khi hoàn thành sẽ là Cảng trung chuyển hàng không của VN và quốc tế với công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Siêu sân bay sẽ kéo kinh tế Việt Nam cất cánh  - Ảnh 1.

Thủ tướng cùng các đại biểu nhấn nút khởi công dự án

LÊ LÂM

Hiện nay, dự án đang triển khai giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 110.000 tỉ đồng chia làm 4 dự án thành phần với các hạng mục xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), hai gói thầu có trị giá hơn 42.000 tỉ đồng được khởi công chiều 31.8 đều thuộc dự án thành phần 3 và là hạng mục quan trọng của dự án. Đối với gói thầu số 5.10 là công trình nhà ga hành khách có giá trị lên đến hơn 35.000 tỉ đồng, thời gian thi công nhà thầu đề xuất 39 tháng. ACV đánh giá gói thầu này có giá trị lớn và có tính chất kỹ thuật phức tạp nhất hiện nay. Nhà ga hành khách lấy hình ảnh hoa sen làm ý tưởng chính và được sử dụng xuyên suốt trong quá trình thiết kế, áp dụng vào mái, phối cảnh từ góc nhìn mặt chính nhà ga, nội thất khu vực sảnh làm thủ tục, được bố trí theo dạng tập trung gồm khu vực trung tâm và 3 cánh...

Siêu sân bay sẽ kéo kinh tế Việt Nam cất cánh  - Ảnh 2.

Phối cảnh nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

ACV

Gói thầu số 4.6 có trị giá hơn 7.308 tỉ đồng, thời gian thi công 700 ngày, là gói thầu lớn thứ hai của dự án trong giai đoạn 1. Gói thầu này bao gồm các hạng mục sân đường khu bay với đường cất hạ cánh có chiều dài 4.000 m, chiều rộng 45 m; hệ thống 2 đường lăn song song, 6 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối, diện tích khoảng 69,3 ha; 4 sân đỗ tàu bay (sân đỗ tàu bay trước nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay trước nhà ga chuyển phát nhanh, sân đỗ bảo trì tàu bay, sân đỗ cách ly) và các sân đỗ phương tiện phục vụ mặt đất với diện tích khoảng 12,4 ha...

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất vui mừng có mặt dự và chứng kiến lễ khởi công 2 dự án quan trọng của sân bay Long Thành giai đoạn 1 và dự án nhà ga hành khách T3 (sân bay Tân Sơn Nhất). Thủ tướng khẳng định, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều nhiệm kỳ. Thực tiễn đã chứng minh giao thông vận tải nói chung và sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Giao thông phát triển tới đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.

Siêu sân bay sẽ kéo kinh tế Việt Nam cất cánh  - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên công nhân thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành

TTXVN

"Trong những năm qua, hạ tầng hàng không ở nước ta được nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới với nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, tuy nhiên vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng trưởng, phát triển của quốc gia và quốc tế. Nhiều sân bay đã trở nên quá tải cả trên bầu trời và dưới mặt đất, nhất là sân bay Tân Sơn Nhất", Thủ tướng đánh giá và kỳ vọng, sân bay Long Thành sẽ đưa VN thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ hàng không quốc tế. "Một cảng hàng không có quy mô lớn như Long Thành ngoài việc chắp cánh cho sự phát triển của ngành hàng không còn đem lại lợi ích cho sự phát triển chung của đất nước", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng lưu ý, việc khởi công 2 dự án này mới là bước đầu, nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề. Do đó, để công trình hoàn thành, đảm bảo an toàn, chất lượng và đáp ứng tiến độ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành T.Ư, UBND TP.HCM, UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án, thúc đẩy tiến độ công trình.

"Tóm lại có 6 việc phải hoàn thành thật tốt. Đó là phấn đấu vượt tiến độ; nâng cao chất lượng công trình; đảm bảo an toàn kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường; dứt khoát không được để đội vốn, không chia nhỏ gói thầu, làm manh mún dự án, khó quản lý, giảm hiệu quả; kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong triển khai dự án tại tất cả các khâu; đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích giữa người dân và nhà nước", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự án "Xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất" gồm 3 hạng mục chính: nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng.

Gói thầu nhà ga hành khách được khởi công hôm qua 31.8 dự kiến thi công 20 tháng, có quy mô 1 tầng hầm và 4 tầng nổi, tổng diện tích sàn xây dựng là 112.500 m2.

Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, kiến trúc nhà ga được thiết kế mềm mại, trẻ trung như sức sống của một thành phố năng động đang vươn mình phát triển. Nhà ga có hình tuyến tính tương đồng với nhà ga hiện hữu, được thiết kế thành 2 cao trình đi và đến riêng biệt.

Động lực bứt phá toàn vùng Đông Nam bộ

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV), cho biết dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa/năm và dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất hoàn thành quy hoạch cảng với công suất 50 triệu hành khách/năm là hai dự án quan trọng quốc gia, công trình cấp đặc biệt. 

Hai dự án có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành hàng không nói riêng, sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và VN nói chung. Trong đó, nhà ga hành khách T3 sau khi hoàn thành sẽ có công suất 20 triệu hành khách/năm, đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại tàu bay Code C và Code E, góp phần giải quyết tình trạng tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất. 

Các công nghệ tiên tiến, trang thiết bị tối tân nhất hiện nay sẽ được áp dụng để xây dựng sân bay Long Thành có thể sánh ngang với các sân bay lớn cùng quy mô trên thế giới. Hai cảng hàng không tạo thành một cụm cảng hùng mạnh, hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không VN trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng.

Siêu sân bay sẽ kéo kinh tế Việt Nam cất cánh  - Ảnh 5.

Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành

ACV

"Là chủ đầu tư, chúng tôi thực sự áp lực và phấn khích khi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo các cấp thời gian qua đã trực tiếp quan tâm, đôn đốc, nhắc nhở về việc nâng cao điều kiện làm việc, ăn ở của đội ngũ anh chị em công trường; lãnh đạo Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thường xuyên trực tiếp giao ban tại công trường. Hai đại công trường đang dần hiện hữu với các hạng mục có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, thời gian thiết kế và thi công dài được đồng loạt triển khai. ACV cam kết sẽ dồn mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý dự án, chỉ đạo, kiểm soát sát sao và phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu để hoàn thành thi công các dự án đúng tiến độ và chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế", ông Lại Xuân Thanh khẳng định.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền đánh giá: Sân bay là hạ tầng vô cùng quan trọng đối với một đô thị phát triển như TP.HCM cũng như cả nước. Nhưng sân bay duy nhất của TP.HCM hiện nay là Tân Sơn Nhất đang ngày càng quá tải, gây nhiều hệ lụy về vận chuyển con người, lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến cả hình ảnh của TP trong thu hút khách du lịch. Với vị trí chiến lược của mình, TP.HCM cần một sân bay lớn hơn để không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của TP mà còn phục vụ cho cả vùng Đông Nam bộ và các tỉnh miền Tây. Nhà ga T3 với mục tiêu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất sau khi hoàn thành sẽ tạo nền tảng đầu tư rất tốt cho TP, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương quốc tế. Ngoài ra, sân bay Tân Sơn Nhất còn là một trong những biểu tượng, là công trình có bề dày lịch sử, điểm đến được nhiều du khách và người dân địa phương lựa chọn khi tới TP.HCM nên một khi còn duy trì, Tân Sơn Nhất vẫn cần được đầu tư nâng cấp theo đúng quy hoạch và chất lượng của một cảng hàng không quốc tế cửa ngõ.

Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh Điền, một mình Tân Sơn Nhất dù mở rộng thêm cũng chắc chắn không "cáng đáng" nổi tốc độ phát triển của TP.HCM. Cảng Long Thành trước mắt sẽ "chia lửa" cùng Tân Sơn Nhất, giải tỏa ách tắc cả trên trời và dưới đất; về dài hạn sẽ nâng cao năng lực đón khách, vận chuyển hàng hóa cho cả vùng Đông Nam bộ. Đồng thời, khi sân bay Long Thành mở ra, những hạ tầng kết nối phải được xây dựng đồng bộ sẽ định hình lại hạ tầng cho vùng kinh tế trọng điểm phía nam, tạo ra một cú hích về hạ tầng giao thông đồng bộ, bài bản hơn. Cụm sân bay Tân Sơn Nhất - Long Thành dự kiến hoàn thành giai đoạn 2025 - 2026 khi những khó khăn của nền kinh tế thế giới dự báo đã lùi lại, trở thành hạ tầng nền quan trọng giúp TP.HCM và các tỉnh phía nam đón đầu phát triển.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, việc khởi công 2 "siêu" công trình này càng có ý nghĩa lớn hơn. Xây dựng sân bay sẽ thúc đẩy rất nhiều lĩnh vực phụ trợ đi theo, đặc biệt là các ngành kinh tế mà doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều như: vận chuyển, vật tư, vật liệu xây dựng, dịch vụ tư vấn thủ tục xây dựng, pháp lý, tạo công ăn việc làm cho người lao động, kéo theo hàng trăm nhà thầu phụ tham gia… Rất nhiều lĩnh vực sẽ được kích thích, thúc đẩy. Đồng thời, đây là động lực quan trọng giúp tăng tốc giải ngân đầu tư công, tạo ra chỗ đầu tư để dòng tín dụng sau khi được mở rộng chính sách tiền tệ sẽ có chỗ chảy vào, tạo động lực mạnh khôi phục kinh tế cả nước", ông Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh.

Cơ hội xốc dậy các công ty xây dựng

Theo ước tính của Công ty chứng khoán VietCap, tổng lợi nhuận ròng tối đa là 525 tỉ đồng cho một nhà thầu tham gia gói thầu 5.10 - thi công xây dựng hạng mục nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong trường hợp nhà thầu hoàn thành 50% tổng backlog của gói. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho sân bay Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 - 3 năm rưỡi. 

Ngoài ra, Vietcap ước tính dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ cần khoảng 18 triệu tấn đá xây dựng, tương đương 56% công suất khai thác được cấp phép hằng năm của tỉnh Đồng Nai. Do đó, VNDirect nhận định dự án sân bay Long Thành sẽ là cú hích lớn đối với các DN xây dựng, DN đá xây dựng trong thời gian tới.

Khơi thông điểm nghẽn hạ tầng

Dưới góc nhìn từ thị trường hàng không, ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không VN, nhận xét thời gian qua, các nhà chức trách hàng không luôn phải tính toán hạn chế độ mở thị trường, một phần do "chiếc áo" hạ tầng chật chội. Mức độ cạnh tranh của thị trường hàng không VN vì thế nhiều năm duy trì ở mức thấp. Sau đại dịch, hạ tầng tiếp tục là lo ngại lớn nhất đối với câu chuyện tăng trưởng giai đoạn tới. Mặc dù nhiều sân bay liên tục được nâng cấp, mở rộng nhưng hầu hết sân bay tại các TP lớn đang hoạt động quá công suất. Cả nước có 22 sân bay dân dụng, trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa. Tổng công suất toàn mạng sân bay đạt 90,4 triệu lượt khách/năm nhưng từ năm 2018 đã được khai thác phục vụ gần 105 triệu lượt khách, tới 2019 phục vụ 116 triệu lượt hành khách. Cả 3 sân bay quốc tế lớn nhất của nước ta đều đang quá tải. Tình trạng kẹt đường lăn, sân đỗ tại một số sân bay trọng điểm thường xuyên diễn ra, dẫn đến việc chậm, hủy chuyến đang ngày càng trở thành nỗi ám ảnh của hành khách.

Trong khi đó, sau dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế, ngành hàng không sẽ nhanh chóng tái lập tăng trưởng 2 con số mỗi năm như trước đây. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hãng hàng không cũng đã chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho sự khôi phục toàn diện, kể cả với thị trường quốc tế. Thị trường hàng không VN được đánh giá là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực. Do đó, để đáp ứng cơ sở hạ tầng khi thị trường phục hồi, điều kiện tiên quyết là sớm đầu tư, nâng cấp mở rộng các sân bay hiện có cũng như đẩy nhanh xây dựng các sân bay mới, tránh tình trạng ùn tắc, quá tải.

"Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất đảm bảo đáp ứng lưu lượng hành khách đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường nội địa, trong khi cảng Long Thành là hạ tầng cơ sở lớn nhất của VN, là hub của các đường bay quốc tế đi và đến VN. Cụm cảng Tân Sơn Nhất - Long Thành trước mắt sẽ khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, lâu dài nhằm đảm bảo nguồn lực bền vững cho thị trường hàng không có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Hạ tầng hàng không phát triển sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển và ngược lại, kéo theo đó là tạo việc làm, nguồn thu cho các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan và ở một chừng mực nào đó là bảo đảm an sinh xã hội", ông Bùi Doãn Nề nói.

Nên chia tải khách giữa 2 sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành thế nào?

Bộ GTVT cũng như TP.HCM đang nghiên cứu kết nối trực tiếp 2 sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, có thể xuất phát từ chiến lược sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất như sân bay quốc nội và Long Thành đảm nhiệm bay quốc tế. Tuy nhiên, phương án tổ chức này là thiếu khả thi vì không đem lại hiệu quả kinh tế. Về nguyên tắc vận hành cảng quốc tế, nhà ga quốc nội và quốc tế phải gần nhau. Tương lai TP.HCM đang hướng tới trở thành trung tâm hàng không, thành "hub" logistics của cả khu vực và thế giới. Những chuyến bay quốc nội, nối vào đi quốc tế phải được tổ chức một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất để đạt hiệu quả cao nhất.

Không có quốc gia nào trên thế giới tổ chức đưa khách bay tới sân bay quốc nội rồi vác hành lý di chuyển thêm 40 km đường bộ, đường sắt tới sân bay khác để bay đi quốc tế. TP.Paris (Pháp) cũng có 2 sân bay là sân bay Charles de Gaulle ở phía bắc TP và sân bay Orly (ORY) ở phía nam, gần trung tâm TP. Khách bay quốc tế chặng ngắn có thể đến/đi từ Orly, trong khi tất cả chuyến bay đường dài được phân bổ về Charles de Gaulle. Đây là cách quản lý đô thị sân bay mà các nước khác trên thế giới đều áp dụng.

Để Long Thành phát huy hết hiệu quả kinh tế cũng như mục đích giảm tải cho Tân Sơn Nhất, cần đảm bảo cả hai sân bay này đều phục vụ khách quốc nội và quốc tế. Trong đó, Tân Sơn Nhất sẽ chỉ tổ chức các chuyến bay quốc tế đường gần như trong khu vực Đông Nam Á hoặc châu Á, máy bay vừa. Long Thành sẽ đảm nhận các chuyến bay nối đi khắp thế giới, máy bay to, sức chở lớn. Khi đó, cả hai sân bay vẫn đảm bảo năng lực khai thác, mật độ hành khách tới Tân Sơn Nhất sẽ giảm đi đáng kể, mật độ giao thông cũng được giải tỏa. Đồng thời, người dân TP.HCM đi nước ngoài, những chặng gần có thể thuận tiện đi từ Tân Sơn Nhất, thay vì tốn thêm thời gian đi quãng đường xa tới Long Thành.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.