Sinh viên dễ bị lừa sang Campuchia vì tin việc nhẹ lương cao

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/01/2024 18:43 GMT+7

Các chuyên gia về an ninh mạng cảnh báo công dân Việt thuộc 'vùng trũng' nhận thức về lừa đảo trên không gian mạng, nên tội phạm mạng tập trung nhiều vào Việt Nam. Trong đó, không ít học sinh, sinh viên trở thành nạn nhân.

Kẻ lừa đảo có "giáo trình", có phương pháp

Sáng 5.1, tại sự kiện kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo do ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) là người sáng lập, các chuyên gia an ninh mạng đã chia sẻ những câu chuyện đáng chú ý về vấn đề an toàn trên không gian mạng.

Sinh viên dễ bị lừa sang Campuchia vì tin việc nhẹ lương cao- Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Hiếu (thứ 2 từ trái sang) cùng các chuyên gia an ninh mạng chia sẻ tại sự kiện 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo

MỸ QUYÊN

Ông Philip Hùng Cao, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ an ninh mạng VinCSS, nhìn nhận Việt Nam là "vùng trũng" nhận thức về an toàn thông tin nên tội phạm mạng tập trung tại Việt Nam rất nhiều.

"Tổng số tiền mà thế giới bị lừa đảo qua mạng là 53 tỉ USD thì người Việt bị lừa khoảng gần 16 tỉ USD, chiếm gần 30%", ông Philip Hùng Cao thông tin.

Ông Võ Văn Khang, Phó chủ tịch Chi hội phía Nam của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (Vnisa), cũng cho rằng lừa đảo qua mạng hiện nay là ngành công nghiệp, không còn xuất phát từ cá nhân hay nhóm nhỏ.

"Những kẻ lừa đảo có 'giáo trình', có phương pháp về mặt tâm lý học và công cụ hiện đại để tiếp cận nạn nhân. Với nhận thức còn thấp về an toàn thông tin, Việt Nam trở thành nơi đắc địa để tội phạm khai thác", ông Khang cho biết.

Lừa đảo tuyển dụng "việc nhẹ lương cao"

Khảo sát của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) được hỗ trợ bởi dự án Chống lừa đảo, cho thấy Facebook và Gmail nổi lên như những kênh lừa đảo chính, với 71% số người được hỏi gặp phải các vụ lừa đảo thông qua những nền tảng được sử dụng rộng rãi này. Sau đó là Telegram (28%), Google (13%) và TikTok (13%).

"Hầu hết người Việt Nam đều bị lừa đảo qua cuộc gọi điện thoại và tin nhắn/SMS Facebook và Gmail. Trong đó, lừa đảo trộm danh tính có tác động lớn nhất so với các trò lừa đảo khác, sau đó đến mua sắm và tuyển dụng. Không ít bạn trẻ, sinh viên tin và bị hấp dẫn bởi những lời mời gọi việc nhẹ lương cao. Hậu quả là thời gian qua không ít bạn bị lừa sang Campuchia, bị nhốt, đánh đập nếu không làm việc theo yêu cầu của bọn chúng…", ông Ngô Minh Hiếu thông tin.

Theo ông Hiếu, trong 3 năm qua dự án Chống lừa đảo đã tới hàng trăm trường THPT, CĐ và ĐH trên khắp cả nước như: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, Khoa học tự nhiên TP.HCM, Kinh tế-luật TP.HCM, Mở TP.HCM, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội... để phổ biến, chia sẻ nhằm giúp sinh viên nâng cao nhận thức về cách bảo vệ mình trên không gian mạng.

"Chúng tôi không dừng lại ở đó. Sứ mệnh của dự án Chống lừa đảo là xây dựng một không gian mạng an toàn, xanh, nơi mọi người có thể tự tin tận dụng tiềm năng của công nghệ và mạng xã hội mà không cần lo lắng về lừa đảo và nguy cơ mất tài sản, mất niềm tin vào cuộc sống", ông Ngô Minh Hiếu bày tỏ.

"Nín thở 7 giây trước khi click chuột"

Ông Võ Văn Khang lưu ý: "Khi sử dụng mạng, người dùng nên chậm lại để tỉnh táo. Quá nhanh, quá tin tưởng sẽ dễ bị lừa đảo. Hãy đặt câu hỏi về nguồn gốc của người đang trò chuyện: Họ là ai? Vì sao họ biết mình và có thông tin của mình? Tại sao không quen biết mà họ lại mang lợi ích đến cho mình?".

Ông Philip Hùng Cao thì cho rằng cần "nín thở 7 giây trước khi click chuột" để kiểm chứng thông tin, hoặc tắt hết kết nối mạng khi không dùng đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.