Số người bị chó cắn, mèo cào tăng vọt, lên tới hơn 50.000 ca trong tháng 1

13/02/2023 19:30 GMT+7

Trong tháng 1, cả nước ghi nhận số người bị chó cắn, mèo cào tăng vọt, lên tới hơn 50.000 ca phải đi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.

Trao đổi với Thanh Niên ngày 13.2, TS Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế), cho biết trong tháng 1 vừa qua ghi nhận sự tăng vọt số người bị chó cắn, mèo cào.

Cụ thể, các cơ sở y tế trong cả nước thống kê được trên 50.000 người bị chó cắn, mèo cào phải tiêm chủng tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Nếu so sánh cùng thời điểm tháng 1.2022 (41.567 người), số người bị chó cắn, mèo cào tăng gần 10.000 ca, tương đương khoảng 30%.

Số người bị chó cắn tăng vọt lên hơn 50.000 người trong tháng 1 - Ảnh 1.

Tháng 1 có 2 kỳ nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán, ghi nhận số người bị chó cắn tăng vọt so với cùng thời điểm năm 2022

THANH NIÊN

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Hương, thông thường vào dịp nghỉ tết hàng năm, số người bị chó cắn, mèo cào đều cao hơn tháng bình thường. Đặc biệt, năm 2023, cả hai dịp nghỉ tết Dương lịch và tết Nguyên đán đều rơi vào tháng 1 nên số ca chó cắn ghi nhận nhiều hơn.

Bên cạnh đó, trong 2 kỳ nghỉ tết năm nay, người dân có nhu cầu đi lại thăm thân, về quê nhiều hơn sau 2 năm chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 nên số ca bị chó cắn, mèo cào cũng tăng cao hơn so với năm 2022, 2021. Điều này cho thấy, chó thả rông, không được xích nhốt… là nguy cơ đe dọa sự an toàn, sức khỏe của người dân khi đi lại trên đường, vui chơi tại nơi công cộng.

Theo thống kê của Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, năm 2022, cả nước ghi nhận 70 người ở 34 tỉnh, thành tử vong vì bệnh dại, tăng 17 người so với năm 2021. Trong đó, tại Phú Thọ có 1 trường hợp tử vong sau 6 tháng bị chó cắn và không tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Bên cạnh đó, số ca tử vong vì bệnh dại có xu hướng tăng ở địa bàn miền Trung và Nam bộ.

TS Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định, tiêm vắc xin phòng bệnh dại là biện pháp duy nhất để giúp người bị chó cắn, mèo cào thoát khỏi bệnh dại. Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế đã phân loại 3 mức độ vết thương khác nhau. Trong đó, vết thương mức độ 3 là những vết thương lớn hoặc vết thương ở vị trí có nhiều dây thần kinh như đầu các chi, vùng mặt, cổ, bộ phận sinh dục… đều là những vết thương nguy hiểm. 

Khi có các vết thương này, bệnh nhân đều được bác sĩ điều trị chỉ định ngoài vắc xin thì phải sử dụng thêm huyết thanh kháng bệnh dại để đảm bảo người bị chó cắn, mèo cào tạo ra đầy đủ kháng thể chống lại bệnh dại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.