Sống mãi 'người truyền giáo hát bội'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
27/09/2023 07:16 GMT+7

Khẳng định GS Hoàng Châu Ký là "người bảo vệ linh hồn tuồng nước Việt", các nhà nghiên cứu cũng cho rằng những bài học, nghiên cứu mà GS để lại là vốn quý để tiếp tục gìn giữ bản sắc và đổi mới, phát triển nghệ thuật tuồng (hát bội).

Chiều 26.9, Sở VH-TT TP.Đà Nẵng phối hợp Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật (VHNT) TP.Đà Nẵng tổ chức tọa đàm khoa học chủ đề GS Hoàng Châu Ký với nghệ thuật sân khấu tuồng VN. Tọa đàm diễn ra nhân sự kiện cố GS Hoàng Châu Ký vừa được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh bởi những đóng góp xuất sắc về VHNT và nhân kỷ niệm 15 năm ngày ông qua đời (2008 - 2023).

Sống mãi 'người truyền giáo hát bội' - Ảnh 1.

Năm 1965, GS Hoàng Châu Ký cùng với soạn giả Tống Phước Phổ chỉnh lý, biên soạn lại kịch bản Nghêu Sò Ốc Hến thành kịch bản tuồng

NHÀ HÁT TUỒNG NGUYỄN HIỂN DĨNH

NGƯỜI LO "KHÔNG CÒN ĐỦ QUỸ THỜI GIAN"

Nhà nghiên cứu (NNC) Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT TP.Đà Nẵng, nhận định lâu nay GS Hoàng Châu Ký nổi tiếng là một NNC nghệ thuật tuồng với rất nhiều công trình đi cùng năm tháng như: Khảo cứu về vở Nghêu Sò Ốc Hến (1961), Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng (1973), các công trình nghiên cứu về tuồng cung đình Huế gồm Tuồng cổ (1976), Nghiên cứu và hiệu đính văn bản (1978). Trong Tổng tập Văn học VN - tập 15A (1994) có in toàn bộ kịch bản sân khấu tuồng mà ông đã dày công sáng tạo trong hơn 60 năm.

Đạo diễn Hoàng Hoài Nam, khi viết về người cha của mình, cũng đưa ra nhận định: GS Hoàng Châu Ký đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp bảo tồn, kế thừa và phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống VN. Đó là một khối lượng công việc cực kỳ to lớn mà cho đến tận những ngày cuối đời, ông vẫn cảm thấy mình cần nhiều thời gian hơn nữa khi thốt lên: "Tôi lo không còn đủ quỹ thời gian". Theo ông Nam, ngoài việc chỉnh lý các tác phẩm kinh điển (Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn hậu, Nghêu Sò Ốc Hến...) theo phương châm kế thừa, phát triển, trong các sáng tác mới, GS Hoàng Châu Ký tiếp thu kỹ thuật biên kịch của phương Tây để thúc đẩy hành động kịch, xung đột đến cao trào nhanh hơn nhưng vẫn giữ cấu trúc kịch hát truyền thống…

Theo NNC Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, GS Hoàng Châu Ký là người đa tài bởi ngoài khả năng tổ chức, quản lý, đào tạo nghệ sĩ, ông có nhiều đóng góp quý giá cho bộ môn nghệ thuật tuồng. "Ông được người đời trân trọng tôn vinh là "Bậc thầy của nghệ thuật tuồng", "Cánh chim đầu đàn của nghệ thuật tuồng", "Người truyền giáo hát bội"... Tất cả các mỹ từ ấy đều rất chính xác, nhưng trước hết và trên hết, ông là một thầy tuồng - một nhà sư phạm kiệt xuất của bộ môn hát bội, là người tiên phong trong sự nghiệp bảo tồn, phát triển và chấn hưng loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc VN", ông Tịnh nhận xét.

Sống mãi 'người truyền giáo hát bội' - Ảnh 2.

GS Hoàng Châu Ký

"TÍNH BẢN ĐỊA" CỦA TUỒNG VIỆT

NNC Hồ Xuân Tịnh cho biết thêm, trong lĩnh vực lý luận, nghiên cứu về nghệ thuật tuồng, GS Hoàng Châu Ký đã viết tác phẩm Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng, trong đó khẳng định tính bản địa của nghệ thuật tuồng VN, khác với quan điểm của một số nhà nghiên cứu cho rằng tuồng bắt nguồn từ sân khấu cổ truyền Trung Quốc. Ông Tịnh cho rằng qua phân tích của GS, có thể thấy nhiều điểm khác nhau giữa tuồng VN và nghệ thuật kinh kịch Trung Hoa. Chỉ riêng cách hóa trang của tuồng, trong tác phẩm Tuồng Quảng Nam do GS Hoàng Châu Ký chủ biên đã phân tích sự khác nhau trong cách kẻ mặt của tuồng VN và kinh kịch Trung Hoa.

Trong tham luận của mình, NSND Trịnh Thúy Mùi, Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội VHNT VN, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, cho biết tìm hiểu cuộc đời, hoạt động nghệ thuật của GS Hoàng Châu Ký, có thể thấy rõ những bài học quý giá mà ông để lại cho những người lãnh đạo và các đồng nghiệp sân khấu cả nước. Theo bà, cần khẳng định rõ ràng tuồng cũng là nghệ thuật sân khấu thuần Việt như chèo, không hề có yếu tố ngoại lai. Có những nhận thức không đúng tồn tại dai dẳng lâu nay trên không gian mạng cũng như một số sách báo cần phải bị gạt ra khỏi sách vở, truyền thông chính thống.

GS Hoàng Châu Ký sinh năm 1921 tại xã Quế Lộc, H.Quế Sơn (Quảng Nam), mất năm 2008 tại TP.Đà Nẵng. Ông là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ sân khấu VN, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Nghệ thuật sân khấu, Trưởng đoàn tuồng Liên khu 5, Giám đốc Đoàn tuồng Bắc T.Ư, Viện trưởng Viện Sân khấu…

Theo thống kê chưa đầy đủ, GS Hoàng Châu Ký đã để lại khoảng hơn 50 tác phẩm và bài viết bao gồm các lĩnh vực của nghệ thuật tuồng: từ sáng tác, chỉnh lý, đạo diễn, nghiên cứu lý luận, chuyên luận. Với những cống hiến của cho nền sân khấu VN, năm 1984, ông được Nhà nước phong hàm giáo sư (đợt 1). Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng giải thưởng Nhà nước (đợt 1) về VHNT. Năm 2022, ông được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT với cụm tác phẩm sách Tuồng cổ, kịch Thanh gươm chủ chiến, kịch Trần Quý Cáp. GS Hoàng Châu Ký được đặt tên đường ở Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng) vào năm 2013.

Theo NSND Trịnh Thúy Mùi, từ năm 1963, NNC Mịch Quang (trong cuốn sách Tìm hiểu nghệ thuật tuồng) và 10 năm sau GS Hoàng Châu Ký (trong cuốn sách Sơ thảo lịch sử nghệ thuật tuồng) đã đưa ra nhiều bằng chứng xác thực bác bỏ giả thuyết cho rằng tuồng xuất phát từ Trung Hoa. Về nghệ thuật biểu diễn, GS Hoàng Châu Ký và NNC Mịch Quang đều thống nhất nhận định âm nhạc tuồng, vũ đạo tuồng đều có nguồn gốc từ âm nhạc Phật giáo VN, ca trù và múa hát cung đình, đặc biệt cái hia đế cong là đặc sắc của tuồng VN. "Việc khẳng định sự khác biệt về chất, về huyết thống của tuồng VN so với kinh kịch, Việt kịch của Trung Hoa để xóa hết các truyền thuyết vô căn cứ về nguồn gốc nghệ thuật tuồng VN là cực kỳ cần thiết", nghệ sĩ Mùi nhấn mạnh khi đề cập việc gìn giữ bản sắc dân tộc và đổi mới, phát triển tuồng VN.

GS Hoàng Châu Ký từng quan niệm, nghệ thuật tuồng và sân khấu truyền thống nói chung chỉ có thể được bảo tồn và phát triển khi được sự ủng hộ của xã hội và nhân dân. NNC Võ Hà, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, cũng cho rằng nghệ thuật tuồng cần được quan tâm hơn nữa, có giải pháp thỏa đáng hơn nữa. Trước hết, cần có chương trình để phát triển tuồng thực sự trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng của VN nói chung và xứ Quảng nói riêng, để làm sao nó là một sản phẩm du lịch cần phải xem của du khách khi đến VN. Tuồng cần được biểu diễn tại các sự kiện quan trọng của đất nước như nó từng có trong lịch sử. Thứ đến, cần đề xuất các cơ quan T.Ư nghiên cứu đưa tuồng vào các chương trình truyền hình quốc gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.