Sự kiện văn hóa tuần qua: Người Việt đã mua thành công ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’

19/02/2023 07:15 GMT+7

Người thương lượng mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là ông Nguyễn Thế Hồng, Chủ tịch Hội Cổ vật Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Thế Hồng là người chủ động tìm hiểu để nắm được các thông tin về chiếc ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" khi Nhà đấu giá Millon (Pháp) bắt đầu đưa ra thông tin về việc đấu giá cổ vật này. Ông Hồng cũng là người bỏ ra toàn bộ các chi phí để Nhà đấu giá Millon hủy bỏ cuộc đấu giá chiếc ấn báu, đồng ý để đàm phán thương lượng, mua trực tiếp. Việc thương lượng mua thành công cổ vật "Hoàng đế chi bảo" để đưa bảo vật hồi hương nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời của Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT-DL.

Sau đó, thông qua thương lượng trực tiếp, ông Nguyễn Thế Hồng đã mua thành công ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" với giá hơn 6,1 triệu euro.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Người Việt đã mua thành công ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thế Hồng trong niềm hạnh phúc chạm tay vào báu vật “Hoàng đế chi bảo”

NVCC

Hiện hợp đồng mua cổ vật đã hoàn tất, phía bên mua đang hoàn tất các thủ tục chuyển tiền để đưa cổ vật hồi hương, dự kiến vào khoảng tháng 5 năm nay. Hợp đồng mua bán, chuyển giao đã được ký kết.

2 bảo vật triều Nguyễn (gồm ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và chiếc bát vàng) được đưa ra đấu giá vào ngày 31.10.2022 tại Pháp, sau đó hoãn đến trưa ngày 10.11.2022 để phía VN thương lượng.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xã hội hóa để địa phương phối hợp với các bộ, ngành T.Ư vận động nguồn lực cho Quỹ bảo tồn di sản Huế, kịp thương lượng với Nhà đấu giá Millon mua lại ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" và hồi hương cổ vật. Tuy nhiên, một thành viên của Quỹ bảo tồn di sản Huế cho biết đến nay do vướng "cơ chế" nên Quỹ bảo tồn di sản Huế vẫn chưa thể vận động kinh phí cho việc tham gia thương lượng mua lại cổ vật.

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế, thành viên Hội đồng Di sản quốc gia, ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" là cổ vật có giá trị nhất về văn hóa, lịch sử. "Việc một tư nhân đã bỏ ra mọi chi phí để mua và đưa về nước thật sự là một tín hiệu rất vui trong quá trình xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản", ông Phan Thanh Hải nói. Ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820 - 1841), chất liệu bằng vàng, nặng 10,78 kg. Ấn được truyền từ đời vua Minh Mạng đến vị vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Đại. Sau đó, vua Bảo Đại bàn giao cho chính quyền cách mạng trong lễ thoái vị ngày 30.8.1945 tại Ngọ môn Huế, đưa ra Hà Nội. Tuy nhiên, cuối năm 1946 khi Pháp quay trở lại VN và đưa quân vào Hà Nội, bộ ấn kiếm đã bị thất lạc và rơi vào tay người Pháp. Đến ngày 8.3.1952, Pháp tổ chức nghi lễ trao lại ấn - kiếm cho Bảo Đại tại Đà Lạt, khi đó với tư cách "Quốc trưởng" của một chính phủ được ông đại diện thành lập năm 1948. Bộ ấn kiếm sau đó được thứ phi Bùi Mộng Điệp mang sang Pháp cho gia đình Bảo Đại từ đó đến nay.

Khánh thành Khu di tích lịch sử 'Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt'

Ngày 16.2, UBND H.U Minh (Cà Mau) tổ chức lễ khánh thành công trình Khu di tích lịch sử "Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt" tại ấp 6, xã Khánh Hòa, H.U Minh.

Công trình được khởi công ngày 31.3.2022, xây dựng trên diện tích đất hơn 1.800 m2, do hộ gia đình ông Đỗ Văn Thuần hiến tặng. Tổng mức đầu tư công trình hơn 6,3 tỉ đồng, từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa.

Trong thời gian 1970 - 1973, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận nhiệm vụ của T.Ư bí mật về U Minh để triển khai Nghị quyết và chỉ đạo cách mạng tại Khu ủy. Tại đây, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã bàn bạc kế hoạch xây dựng, củng cố lực lượng của Khu ủy T3 kết hợp lực lượng địa phương tiếp tục thực hiện chiến tranh nhân dân chống địch bình định nông thôn, kiên trì bám dân, bám đất, xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang, binh vận… tạo ra cao trào cách mạng mới tiến công địch, nhằm tiêu diệt các đồn bót, căn cứ của địch ở tại U Minh và các vùng lân cận.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Người Việt đã mua thành công ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ - Ảnh 2.

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu di tích 'Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt'

G.B.

Sau ngày giải phóng, nơi ở và làm việc của cố Thủ tướng được chính quyền địa phương cùng gia đình ông Đỗ Văn Biện và con cháu bảo quản, giữ gìn cẩn thận; các địa điểm được xác định rõ ràng, từng vị trí được bảo quản tránh bị xâm hại.

Ngày 7.11.2016, Khu di tích lịch sử "Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt" được Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ban hành quyết định xếp hạng Di tích cấp tỉnh.

Tại Lễ khánh thành, ông Huỳnh Minh Nguyên, Chủ tịch UBND H.U Minh, cho biết: "Công trình Khu di tích lịch sử "Nơi ở và làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt" được khánh thành có ý nghĩa sâu sắc để tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hôm nay".

Triển lãm về cuộc đời, sự nghiệp trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Sáng 15.2, tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Bình, Sở VH-TT Quảng Bình tổ chức khai mạc triển lãm chuyên đề Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Cuộc đời và sự nghiệp. Đây là sự kiện nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của vị tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn (1.3.1923 - 1.3.2023).

Triển lãm giới thiệu trên 160 ảnh tư liệu, được chia thành 6 phần. Phần 1: Giới thiệu khái quát về quê hương và gia đình của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Phần 2: Giới thiệu về dấu ấn đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên "đất lửa" Quảng Bình. Phần 3: Giới thiệu về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hoạt động đối ngoại. Phần 4: Giới thiệu những tình cảm sâu nặng của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với quê hương và nghĩa tình với đồng chí, đồng đội. Phần 5: Giới thiệu những công trình dấu ấn của đất nước gắn với trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sau ngày đất nước thống nhất và đặc biệt là trong công cuộc đổi mới. Phần 6: Quảng Bình đổi mới và phát triển.

Sự kiện văn hóa tuần qua: Người Việt đã mua thành công ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ - Ảnh 3.

Một hình ảnh về trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong triển lãm

Nguyễn Phúc

Triển lãm còn trưng bày gần 400 đầu sách, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn huyền thoại cùng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại.

Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc Sở VH-TT Quảng Bình, cho rằng triển lãm sẽ tái hiện một phần về cuộc đời và sự nghiệp của vị tướng tài ba đã gắn liền với đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và những chiến công hiển hách trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Vị tướng luôn trọn nghĩa, trọn tình với quê hương, đồng chí, đồng đội.

Triển lãm sẽ mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ nay đến hết ngày 5.3.

Đại lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lại sau 3 năm vì dịch Covid-19

Ngày 16.2, UBND TP.Đà Nẵng cho biết vừa có quyết định thành lập ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn năm 2023. Sau 3 năm phải tạm hoãn vì dịch Covid-19, Lễ hội Quán Thế Âm sẽ quay trở lại với nhiều hoạt động quy mô, diễn ra trong 3 ngày, từ 8 – 10.3 (nhằm các ngày 17, 18 và 19.2 âm lịch).

Theo đó, Lễ khai mạc sẽ diễn ra lúc 19 giờ ngày 8.3 (tức ngày 17.2 âm lịch); Lễ vía Đức bồ tát Quán Thế Âm (lễ chính thức) sẽ diễn ra lúc 7 giờ ngày 10.3 (tức ngày 19.2 âm lịch) và Lễ bế mạc sẽ diễn ra lúc 17 giờ ngày 10.3 (tức ngày 19.2 âm lịch).

Sự kiện văn hóa tuần qua: Người Việt đã mua thành công ấn vàng ‘Hoàng đế chi bảo’ - Ảnh 4.

Hàng vạn người dân, Phật tử tề tựu về lễ hội trong những lần tổ chức trước đó

S.X

Địa điểm chính tổ chức lễ hội tại khuôn viên chùa Quán Thế Âm và các tuyến đường Sư Vạn Hạnh, Lê Văn Hiến, đường từ chùa Quán Thế Âm đến chùa Hương Sơn (núi Ghềnh)...

Lễ hội Quán Thế Âm gồm nhiều hoạt động, trong đó có hoạt động nghi lễ, tín ngưỡng, tôn giáo; biểu diễn thư pháp đại tự, Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát, Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát, diễn thuyết về ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, trồng cây bồ đề…

Trong phần hội cũng có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như: thả diều, trình diễn nghệ thuật nấu món chay tuyệt phẩm, giao lưu thơ, nhạc Phật giáo...

Theo ban tổ chức Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn, đây là dịp để quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng, đồng thời là dịp để mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, du lịch, tôn giáo...

Lễ hội cũng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng, đại diện cho bản sắc văn hóa của TP.Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.

Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn được Bộ VH-TT-DL công nhận và đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 3.2.2021.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.