Sức mua sụt giảm

Mai Phương
Mai Phương
20/05/2023 05:07 GMT+7

Cửa hàng, chợ, siêu thị vắng khách, sức mua giảm vẫn là tình trạng phổ biến hiện nay ở TP.HCM, nơi được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Thực phẩm, thời trang đều vắng khách

Ông Trần Văn Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại quốc tế hải sản Hoàng Gia, cho hay sức mua trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 có nhích một chút so với mức khá thấp của 4 tháng trước đó. Thế nhưng hết lễ thì sức mua giảm trở lại. Lượng khách đến hệ thống cửa hàng Hoàng Gia không giảm nhiều nhưng số tiền trên mỗi hóa đơn ít hơn. Chẳng hạn bình quân trước đây khách mua trị giá khoảng 1 triệu đồng/lần thì nay chỉ còn 700.000 - 800.000 đồng/lần. Ước tính doanh thu từ đầu năm đến nay giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm trước. 

Khách hàng có xu hướng cân nhắc về giá, giảm chi tiêu khá nhiều, nhất là phân khúc những người có thu nhập trung bình. Chính vì vậy, công ty trong năm nay cũng đặt ra chỉ tiêu kinh doanh giảm hơn 2022, không mở cửa hàng mới, củng cố những điểm bán đang có và tập trung bán hàng online… "Tình hình chưa thấy có dấu hiệu gì sáng hơn dù đã sắp hết quý 2/2023. Đây là khó khăn chung từ thế giới đến trong nước, không biết khi nào kinh tế hồi phục và sức mua tăng trở lại", ông Trần Văn Trường chia sẻ.

Sức mua sụt giảm - Ảnh 1.

Thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào thực phẩm thiết yếu

M.P

Thậm chí, trứng gà, trứng vịt luôn được xem là thực phẩm giá thấp, đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi gia đình, nhưng theo ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, doanh số hiện cũng giảm khoảng 20%, trong đó chủ yếu giảm mạnh ở lĩnh vực bán sỉ cho các doanh nghiệp chế biến, cung cấp suất ăn công nghiệp… 

Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc vận hành hoạt động hệ thống siêu thị Co.opmart, cho biết xu hướng của người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu ngày càng rõ. Siêu thị phải tăng cường khuyến mãi, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhưng chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua vẫn "lình xình". "Việc gia tăng khuyến mãi sẽ khiến doanh nghiệp phải giảm bớt lợi nhuận nhưng đó là chuyện phải làm để duy trì sức mua, cố gắng giữ ổn định doanh thu và hoạt động trong bối cảnh khó khăn hiện nay", ông Thắng nói.

Trong khi sức mua thực phẩm thiết yếu chậm đi thì những cửa hàng thời trang như quần áo, giày dép, mắt kính… càng ế ẩm. Ông Lê Viết Thanh, Giám đốc chuỗi cửa hàng K&K Fashion, cho rằng ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty đóng cửa nhiều tháng thì mức tiêu thụ sau đó đã hồi phục nhanh và tính chung cả năm vẫn đạt mục tiêu đề ra. Thế nhưng từ đầu năm đến nay sức tiêu thụ của hệ thống đã giảm gần 60% - là mức giảm mạnh không ngờ khiến ông cũng bàng hoàng. 

"Chưa bao giờ vắng khách đến vậy, sức mua rớt mạnh và không biết khi nào hồi phục trở lại. Hàng hóa tiêu thụ ít khiến thu nhập của nhân viên cũng giảm hơn 30%. Công ty phải tiết kiệm chi phí hết mức, giảm lợi nhuận để cố gắng duy trì hoạt động", ông Thanh buồn bã thông tin.

Sức mua sụt giảm - Ảnh 2.

Sức mua ế ấm, hàng loạt cửa hàng ngay trung tâm TP.HCM phải đóng cửa

T.TÂM

Điện máy, điện thoại hết lãi, đến lỗ

Dù đang mùa nắng nóng và khuyến mãi liên tục nhưng trái với mọi năm, các cửa hàng bán máy lạnh, quạt… năm nay vẫn ế dài. Trước đó, báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động công bố lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 21 tỉ đồng, giảm đến 99% so với số lãi 1.445 tỉ đồng của cùng kỳ năm trước. Công ty này giải thích sức mua điện thoại và điện máy suy yếu kể từ quý 4/2022 và tiếp tục giảm mạnh hơn so với dự báo trong quý đầu năm nay. Nhiều khách hàng có tâm lý thận trọng, trì hoãn trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao. 

Song song đó, khách hàng ở phân khúc thu nhập thấp khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng để mua hàng trả góp. Đối với mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh và dược phẩm, khách hàng cũng có xu hướng tiết kiệm khi mua các sản phẩm có cùng công dụng nhưng giá thấp hơn. Thế giới Di động đã chủ động thực hiện chiến lược giá bán cạnh tranh, tăng cường giảm giá, khuyến mãi để thu hút và giữ chân khách hàng.

Để góp phần thúc đẩy sức mua trong nước, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% như Chính phủ đang đề xuất phải được áp dụng trong thời gian dài hơn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, một phần lớn lượng tiền đầu tư công ở VN lại chi cho giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng nên sẽ không trực tiếp tạo ra nhiều công ăn việc làm hay tăng sức mua cho các lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng. Đó là chưa kể việc đầu tư công chỉ mang lại hiệu quả góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian dài. Do đó Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế, phí nhiều hơn ở nhiều dịch vụ, sản phẩm. Đặc biệt, nên xem xét có thể đưa ra chương trình hỗ trợ bằng tiền mặt với một khoản cố định như từ 1 - 3 triệu đồng/người cho các đối tượng vừa bị thất nghiệp, hộ gia đình khó khăn như đã từng thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19. Lượng tiền mặt hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình khó khăn, người lao động bị thất nghiệp này sẽ trực tiếp chảy vào hàng hóa, sản phẩm thiết yếu, thúc đẩy sức mua trên thị trường, từ đó mới đảm bảo hoạt động sản xuất, doanh nghiệp tồn tại và kinh tế có sự tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Thậm chí, Công ty CP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2023 với khoản lỗ ròng 5 tỉ đồng của công ty mẹ trong khi cùng kỳ năm trước lãi 165 tỉ đồng. Hệ thống này giảm 20% doanh thu ở nhóm sản phẩm hàng công nghệ như máy tính, điện thoại… Nhờ sự tăng trưởng của chuỗi nhà thuốc Long Châu bù đắp nên doanh thu hợp nhất vẫn đạt mức cao. Ban lãnh đạo FPT Retail nhận định sức mua các mặt hàng công nghệ vẫn tiếp tục giảm mạnh, hoạt động mua trả góp đi xuống và chưa thể dự báo được thời điểm phục hồi. Vì vậy công ty đưa ra kế hoạch kinh doanh cả năm 2023 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế giảm 50% so với năm 2022, xuống còn 240 tỉ đồng… 

Với các cửa hàng, doanh nghiệp nhỏ thì tình hình càng tệ hơn. Chủ một hệ thống cửa hàng điện thoại di động ở TP.HCM cho biết trong 2 năm trước, ông đã mở mới thêm nhiều cửa hàng ở nhiều tỉnh, thành phố khi sức mua vẫn gia tăng tốt, kể cả trong giai đoạn dịch Covid-19. Thế nhưng tình hình đã đảo chiều quá nhanh kể từ cuối năm 2022 đến nay và càng ngày càng khó. Cộng thêm chi phí tài chính tăng vọt khi lãi suất đi lên khiến ông trở tay không kịp. Có những cửa hàng ở gần các khu công nghiệp lớn trước đây kinh doanh khá tốt thì hiện nay nhiều doanh nghiệp cho công nhân nghỉ việc, giảm giờ làm… khiến lượng khách hàng này hầu như bắng bóng. Vì vậy ông đã phải âm thầm đóng cửa nhiều cửa hàng.

Đây là thực trạng khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất lo ngại. Bởi chỉ trong vòng 6 tháng (từ 1.10.2022 - 30.3.2023), số lượng lao động của Thế giới Di động đã giảm khoảng 9.000 người, tương ứng tỷ lệ 12%. Hay cách đây mấy ngày, Công ty TNHH PouYuen VN thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 5.700 người trong thời gian tới. Đây là đợt cắt giảm lao động thứ hai kể từ đầu năm đến nay của công ty này. Trước đó, tháng 3.2023, công ty đã phải giảm gần 2.360 người lao động. Nguyên nhân do sụt giảm đơn hàng gia công khi mức tiêu thụ ở các thị trường xuất khẩu đi xuống. Hàng loạt doanh nghiệp dệt may, da giày cũng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này khiến cho người dân bị giảm thu nhập, nhiều hộ gia đình khó khăn hơn nên sức mua sẽ càng sụt giảm. Và tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.