Giới trẻ với điện thoại di động và internet

15/12/2006 00:10 GMT+7

Tập đoàn viễn thông Telenor (Na Uy) vừa công bố một kết quả điều tra theo chiều sâu về thói quen sử dụng điện thoại di động và internet trong giới trẻ Việt Nam. Tập đoàn này lựa chọn các thanh niên tuổi từ 18 - 24 tại Hà Nội làm đối tượng nghiên cứu.

Kết quả của cuộc điều tra cho thấy, số tiền sử dụng cho cước điện thoại di động hằng tháng của nhóm thanh niên tại Hà Nội vào khoảng 300.000 đồng/tháng. Các bạn trẻ thường sử dụng nhiều sim điện thoại trả trước để tận dụng các chương trình giảm giá, khuyến mãi của các nhà cung cấp dịch vụ thông tin di động và để kiểm soát cước phí hằng tháng. Giới trẻ tại Hà Nội thường gửi 5 - 6 tin nhắn/ngày và thực hiện số cuộc gọi cũng tương đương trong ngày đó.

Kết quả điều tra lại cho thấy, cha mẹ thường là những người đầu tiên muốn con cái mình có điện thoại di động để tiện việc liên lạc và kiểm soát. Tuy nhiên, khi được sử dụng di động, mục đích chính của các bạn trẻ lại là tổ chức gặp gỡ bạn bè và tin nhắn nhanh được các bạn trẻ coi là một công cụ quan trọng để duy trì các mối quan hệ xã hội. Cuộc điều tra cũng cho thấy, giới trẻ Hà Nội sử dụng điện thoại "xịn" khá nhiều và rất say mê trong việc thưởng thức âm nhạc trên điện thoại di động biểu hiện ở những bản nhạc chuông và MP3 tải xuống điện thoại.

Theo kết quả điều tra về sử dụng internet của Telenor đối với giới trẻ tại Hà Nội, máy tính được coi như công cụ phục vụ học tập và internet như phương tiện giao tiếp, tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, máy tính không được coi như một thiết bị cá nhân và phần lớn đến quán internet để chơi game và gặp gỡ bạn bè dù ở nhà cũng đã có máy tính kết nối internet. Nguyên nhân là những người trẻ Hà Nội không muốn bố mẹ biết họ dùng bao nhiêu thời gian và làm gì với internet.

Tuy nhiên, những nghiên cứu chiều sâu về thói quen sử dụng điện thoại di động và internet của Tập đoàn Telenor dẫn đến kết luận, giới trẻ Hà Nội có sự khao khát mạnh mẽ đối với kiến thức và thông tin nói chung. Các nhà nghiên cứu của Tập đoàn Telenor nhìn nhận điều này như việc tìm kiếm sự hoàn thiện bản thân và khát vọng.

Nếu nhìn vào kết luận này, hẳn nhiều bậc phụ huynh sẽ không hài lòng và cho rằng nó sai. Họ khó có thể chấp nhận việc mê chơi game, ham "chat chit", lướt web, nhắn tin, gọi điện nhiều là những biểu hiện tốt, chứ chưa nói đến việc coi đó như một sự tìm kiếm sự hoàn thiện bản thân và khát vọng. Trên thực tế, nhiều bậc phụ huynh (thậm chí cả nhiều nhà quản lý) đã nhìn những sở thích đối với internet và điện thoại di động của con cái mình, của những người trẻ tuổi bằng một cái nhìn tiêu cực.

Hai thế hệ có những cách suy nghĩ khác nhau và có những cách thức khác nhau để thể hiện khát vọng cũng như sự cống hiến cho gia đình và xã hội. Kết luận từ một nghiên cứu của Tập đoàn Telenor - một cách nhìn khách quan từ bên ngoài - có thể coi như một tư liệu tham khảo hữu ích đối với các bậc cha mẹ, các cơ quan quản lý.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.