Dấu ấn An Giang

12/12/2005 22:36 GMT+7

Ngày 10.12, lễ tổng kết trại điêu khắc quốc tế Dấu ấn An Giang lần II - 2005 được tổ chức long trọng tại chân núi Cấm, Châu Đốc (An Giang). Trên 1.600 đại biểu, quan chức đại diện Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh (Bộ Văn hóa - Thông tin), lãnh đạo tỉnh An Giang, các nhà điêu khắc, nghệ sĩ vùng ĐBSCL và đông đảo người dân vùng Bảy Núi đã đến tham dự.

Sau hơn 40 ngày dầm mưa, dãi nắng, miệt mài lao động nghệ thuật trên công trường trại điêu khắc quốc tế Dấu ấn An Giang, 62 nhà điều khắc (32 người đến từ 16 nước như: Mỹ, Nga, Áo, Pháp, Úc, Canada, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Palestine, CH Czech...) đã bền bỉ khoan, cưa, đục, đẽo, mài, gò, đánh bóng...; thổi hồn vào những khối đá vô tri nặng hàng tấn, biến chúng thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo, gợi cảm, đầy tính triết lý và thẩm mỹ. Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch UBND thị xã Châu Đốc, Trưởng ban điều hành trại, đã có 68 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc được hình thành, thể hiện sinh động, phong phú lịch sử, cuộc sống các nền văn hóa và tình đoàn kết giữa các dân tộc. Các tác phẩm đầy tính ngẫu hứng, sáng tạo này đã được chế tác từ các loại đá quý, chất lượng cao của vùng Thất Sơn (An Giang) và Thanh Hóa, chịu được mưa nắng theo thời gian.


Bên nhau của Yasushi (Nhật)

Cũng theo ông Thắng, so với trại điêu khắc lần thứ nhất, công tác phối hợp, tổ chức lần này được tính toán chu đáo hơn. Phần đông các nhà điêu khắc được mời đều là những người mới. Công tác hậu cần với nhiều phương tiện như lều bạt, giàn giáo, dụng cụ lao động, xe cẩu, xe tải cũng được chuẩn bị chu đáo cùng trên 100 công nhân phục vụ đã giúp các trại viên lao động thuận tiện. Ông Dương Đình Chiến, vừa là trại viên vừa là Phó ban điều hành trại phụ trách chuyên môn cho biết: Hầu hết các tác phẩm đều đẹp, có nội dung sâu sắc, tiếp cận nhiều trường phái điêu khắc trên thế giới. Thời gian dự trại đã giúp các nhà điêu khắc học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ tình cảm, kiến thức nghệ thuật, nét đặc trưng của từng dân tộc. 

Ông Đỗ Thành Nam, Phó chánh văn phòng HĐND, UBND thị xã Châu Đốc, thành viên Ban điều hành cho biết: “Vào cuối tuần, chúng tôi thường tổ chức đưa các nhà điêu khắc đi tham quan làng bè Châu Đốc, làng Chăm An Giang, rừng Trà Sư, lâm viên Núi Cấm, đồi Tức Dụp, khu chứng tích lịch sử Ba Chúc, Hà Tiên... hay tham gia giao lưu với sinh viên Đại học An Giang. Các nhà điêu khắc nước ngoài rất thích giao lưu văn hóa, nhảy múa hát ca, mặc trang phục của người miền Tây và thưởng thức các món ăn dân dã đồng bằng.


Quả địa cầu của Vũ Bích Đào

Với 2 lần tổ chức, hơn 100 tác phẩm điêu khắc quý sẽ được bảo quản chu đáo tại Công viên vườn tượng điêu khắc Núi Sam trên diện tích 5 ha. Đây sẽ là điểm tham quan du lịch thú vị cho du khách trong ngoài nước mỗi khi đến Châu Đốc. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, thành viên Ban chỉ đạo cho biết: "Có lẽ đây là vườn tượng có quy mô lớn nhất Việt Nam, một kho tàng văn hóa được tổng hợp từ nhiều trường phái nghệ thuật điêu khắc trên thế giới". 

Trương Công Khả

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.