Tài liệu gốc của Pháp tiết lộ về lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
26/02/2024 11:54 GMT+7

Bằng những nỗ lực khám phá không mệt mỏi từ các kho lưu trữ không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà cả những tài liệu gốc ở Paris, Aix-en-provence (Pháp), nhà nghiên cứu Bùi Thị Hà đã 'giải mã' nhiều góc khuất về lịch sử y tế phương Tây ở Việt Nam cận hiện đại, trong tác phẩm mới xuất bản 'Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945)'.

Kỷ niệm 69 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2024), NXB Tổng hợp TP.HCM vừa cho ra mắt cuốn sách Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945) của tác giả Bùi Thị Hà, giới thiệu đến độc giả quá trình du nhập của y tế phương Tây ở Bắc kỳ (Việt Nam) và định hình về lĩnh vực y tế Việt Nam cho đến sau này.

Tài liệu gốc của Pháp tiết lộ về lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ- Ảnh 1.

Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945) do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành

Tài liệu gốc của Pháp tiết lộ về lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ- Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Bùi Thị Hà

NVCC

Theo nhà nghiên cứu Bùi Thị Hà: "Khi làm luận án Y tế phương Tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 đến năm 1945, tôi phát hiện ra rất ít công trình nghiên cứu về chủ đề này. Có lẽ nào do khó tư liệu hay lý do gì khác? Càng lao vào tìm hiểu tôi càng bị "mê hoặc" và đề tài nó chọn tôi lúc nào không hay. Hóa ra đề tài y tế phương Tây ở Việt Nam nói riêng là rất mới, rất rộng, rất phong phú dưới góc độ sử học".

Tác giả bộc bạch: "Chọn đề tài y tế phương Tây vào Bắc kỳ vì tôi sinh thành ở miền Bắc, phải hiểu trước hết chỗ mình đang sống, đang cống hiến. Làm sử nên hay chọn thời gian từ khởi đầu y tế phương Tây vào Bắc kỳ (cuối thế kỷ 19) đến trước khi chấm dứt thời thuộc địa (1945). Y tế phương Tây vào Nam kỳ sớm hơn và phức tạp hơn, vậy nên chọn dễ làm trước, khó làm sau - nghiên cứu y tế Bắc kỳ trước, làm cơ sở để nghiên cứu y tế Nam kỳ và cả nước. Vả lại nghiên cứu y tế không chỉ là nghiên cứu một lĩnh vực quan trọng bậc nhất về sức khỏe con người, mà còn là nghiên cứu một trong những lĩnh vực thú vị của cuộc "Tiếp xúc Đông -Tây" ở Việt Nam về văn hóa, khoa học, kỹ thuật... từ thời trung - cận đại cho đến nay".

Nhiều sự thật lịch sử về y tế phương Tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 - 1945

Rõ ràng dưới góc độ khoa học, việc tìm hiểu về chủ đề y tế phương Tây ở Bắc kỳ thời kỳ 1873 - 1945 có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu lịch sử Bắc Kỳ, lịch sử y tế ở Việt Nam thời cận đại. Vì nhờ có sách, độc giả sẽ hiểu được quá trình hình thành, hoạt động của y tế phương Tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 - 1945, và có được những nhận thức rõ ràng hơn, đúng đắn hơn về lịch sử Bắc kỳ thời kỳ này. Đó là các vấn đề xâm chiếm và cai trị thuộc địa của thực dân Pháp, về tình trạng sức khỏe, vệ sinh, y tế và việc tiếp nhận những yếu tố mới trong đời sống dân sinh của người Việt ở Bắc kỳ lúc bấy giờ.

Kể cả khi y tế phương Tây đã hiện hữu trong đời sống của người Việt thì tâm lý ưa chuộng y học cổ truyền vẫn phổ biến. Mặc dù thừa nhận những tiến bộ của y tế phương Tây, nhiều người bản địa vẫn duy trì sử dụng y học cổ truyền và tiến tới liệu pháp Đông - Tây y kết hợp. Bên cạnh y học cổ truyền, một phương pháp kết hợp Đông - Tây y đã ra đời và phát triển trong đời sống của người Việt kể từ đó trở về sau.

Vì vậy, Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945) thực sự là công trình rất có giá trị về lịch sử y tế phương Tây, từ những tư liệu gốc, quý được lưu trữ bằng tiếng Pháp khai thác ở các trung tâm lưu trữ ở Việt Nam và Pháp - đó cũng là cách để tài liệu nói lên sự thật lịch sử.

Tài liệu gốc của Pháp tiết lộ về lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ- Ảnh 3.

Điện Kính Thiên ở Hà Nội xưa

Charles-Édouard Hocquard

Tài liệu gốc của Pháp tiết lộ về lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ- Ảnh 4.

Thực hành phẫu tích ở trường Y khoa Đông Dương

Tư liệu từ sách

Tác giả cũng mong muốn phác họa một bức tranh tổng thể về quá trình hình thành và hoạt động của nền y tế phương Tây ở Bắc kỳ trong suốt thời kỳ y tế gắn liền với bước chân quân xâm lược Pháp ở Việt Nam thời cận đại. Tác phẩm mới cho thấy, sự ra đời của nền y tế mới ở xứ Bắc có một cấu trúc đặc biệt, gồm các bộ phận: các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở phòng dịch và nghiên cứu y học.

Tính thực tiễn cuốn sách Y tế phương Tây ở Bắc kỳ (1873 – 1945) của tác giả Bùi Thị Hà còn là sự tác động của nền y tế mới của phương Tây đối với đời sống dân sinh ở Bắc kỳ lúc bấy giờ, trên cả hai phương diện tích cực và hạn chế, từ đó có thể liên hệ với thực tiễn hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, nhất là trong thời gian đại dịch vừa qua.

Tác giả: TS. Bùi Thị Hà hiện làm việc tại Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Hướng nghiên cứu chính: lịch sử y tế phương Tây ở Bắc kỳ thời cận đại, lịch sử thủy nông Việt Nam thời cận đại. Tác giả từng được trao giải nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật năm 2020 với luận án tiến sĩ xuất sắc Y tế phương Tây ở Bắc kỳ từ năm 1873 đến năm 1945.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.