Tài năng trẻ thể thao VN: Đừng để bị mai một

26/08/2013 03:05 GMT+7

Không ít tài năng trẻ thể thao Việt Nam từng được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng rồi dần mai một...

Không ít tài năng trẻ thể thao Việt Nam từng được đặt rất nhiều kỳ vọng nhưng rồi dần mai một...

Có thời người hâm mộ quần vợt rất kỳ vọng vào “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên. Được sự đầu tư mạnh mẽ của gia đình bằng các chuyến tập huấn dài hạn ở nước ngoài, được thuê chuyên gia ngoại riêng…, Hoàng Thiên ghi dấu ấn với danh hiệu số 1 giải U.14 châu Á cùng nhiều ngôi vô địch giải trẻ quốc tế khác. Tay vợt này cũng đi vào lịch sử là VĐV Việt Nam đầu tiên góp mặt ở Grand Slam trẻ Úc mở rộng 2012, dù phải dừng chân ở vòng loại.

Nhưng đó cũng là dấu ấn cuối cùng của tay vợt này ở hệ thống giải trẻ, bởi lẽ bây giờ ở tuổi 18, Hoàng Thiên đang có dấu hiệu chững lại. Những người theo sát bước tiến phân tích Hoàng Thiên gặp nhiều áp lực từ gia đình (bỏ tiền muốn mau có thành tích). Từ 14 - 16 tuổi, Thiên bị “ép ra ràng” khi phải tham dự rất nhiều giải đấu mà lẽ ra đây là khoảng thời gian tay vợt này cần được tích lũy kỹ chiến thuật cũng như hoàn thiện nhân cách. Áp lực đó khiến Hoàng Thiên rất sợ mỗi khi thi đấu thất bại và đã gây hiệu ứng ngược là để dính chấn thương vai, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiến triển.

Tài năng trẻ thể thao VN: Đừng để bị mai một
Hoàng Thiên và Đài Trang từng được kỳ vọng, nhưng đều chựng lại đáng tiếc - Ảnh: Bạch Dương

Con đường theo đuổi quần vợt nhà nghề của nữ tay vợt số 1 Việt Nam vừa bước sang tuổi 20 Huỳnh Phương Đài Trang lại không như ý chỉ vì thiếu tiền. Tài năng phát lộ từ 14 tuổi, nhưng suốt 7 năm qua chỉ vì loay hoay chữ tiền nên Đài Trang bỏ lỡ nhiều cơ hội. Cũng vì muốn kiếm tiền cho Đài Trang ra nước ngoài tập huấn, du đấu chuyên nghiệp, gia đình buộc đưa tay vợt này đầu quân nhiều đơn vị khác nhau từ TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng... cũng như phải chủ động gõ cửa các mạnh thường quân để hỗ trợ cho Đài Trang. Thế nhưng số kinh phí hạn hẹp khiến tay vợt này chỉ có thể thực hiện những chuyến tập huấn ngắn hạn, còn chuyện thuê chuyên gia là điều xa xỉ. Ở tuổi 20, Đài Trang vẫn đeo bám giấc mơ quần vợt chuyên nghiệp khi được sự đầu tư một phần từ đơn vị chủ quản TP.HCM. Nhưng dường như khoảng thời gian dài hụt hẫng tài chính vừa qua đã quá muộn cho chu kỳ phát triển một tài năng.

Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) Nguyễn Quốc Kỳ cho biết trong bối cảnh thể thao VN chưa chuyên nghiệp như hiện nay thì vai trò đầu tư từ phía nhà nước phải là chủ yếu để ươm mầm tài năng, giúp họ yên tâm rèn luyện theo đuổi sự nghiệp. Với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp, VTF chỉ có thể giúp tổ chức giải đấu, tìm kiếm tài trợ thêm cho VĐV… chứ không thể lo tất tần tật cho một cá nhân tay vợt nào. Ngoài ra, theo ông Kỳ yếu tố khác khiến các tay vợt Việt Nam khi còn nhỏ là thần đồng nhưng càng lớn càng chững lại là vì không đi đúng lộ trình chuyên nghiệp. Cụ thể, một tay vợt muốn theo chuyên nghiệp phải có HLV phù hợp cho mỗi giai đoạn, có người quản lý, chuyên gia riêng mới mong tiến bộ vững chắc. Tính cục bộ “quân anh quân tôi” dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có từng xảy ra ở bơi lội (trường hợp Quý Phước) và đang manh nha ở quần vợt cũng là nguyên nhân khiến các tài năng bị mai một.

Lãng phí nhiều tài năng

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Phó chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Trưởng bộ môn thể dục Tổng cục TDTT, cho biết lẽ ra Đỗ Thị Ngân Thương còn tiến xa hơn nữa ở châu lục, thậm chí thế giới nếu trước đây Thương được nhiều lần đi tập huấn và thi đấu nước ngoài. Bà Lan cảm thấy rất tiếc và lãng phí khi chính vì điều kiện tài chính eo hẹp mà khá nhiều VĐV thể dục đã không thể phát triển được tài năng, trong đó phải kể đến Nguyễn Thùy Dương (nữ), Nguyễn Minh Tuấn, Hồ Trung Linh (nam). “Các em đã bị lỡ một nhịp vì không được đầu tư sớm. Mấy năm trước, các chuyến tập huấn nước ngoài quá ít. Cả năm 2009 chỉ được 1 lần, sang năm 2010 được 2 lần. Và kể từ năm 2011, mới “nở rộ” nhiều hơn các chuyến tập huấn, thi đấu quốc tế và hiệu quả nhìn thấy ngay mà thành công sáng chói của Phan Thị Hà Thanh ở đấu trường châu Á, thế giới là minh chứng rõ rệt nhất”, bà Lan nói.

Theo bà Lan, nhà nước cần quan tâm cho các VĐV được thi đấu quốc tế nhiều, vì chỉ có cọ xát mới tiếp cận được với trình độ kỹ thuật hiện đại và rèn tâm lý. Ngoài ra, các tài năng trẻ phải được cung cấp đầy đủ thuốc, chế độ hồi phục hợp lý, chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì họ mới đủ nền tảng thể lực tranh chấp thường xuyên ở đỉnh cao.

Lan Phương

Hoàng Quỳnh

>> TP.HCM bảo vệ thành công ngôi vô địch đồng đội nữ
>> Xé lưới xem quần vợt
>> Sự cố tại giải quần vợt đồng đội quốc gia 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.