TAND tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện liệu có khả thi?

07/09/2023 11:27 GMT+7

TAND tối cao đề xuất đổi tên TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm; nhiều bộ, ngành bày tỏ sự băn khoăn về tính hiệu quả.

Ngày 7.9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra dự thảo luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Dự thảo này do TAND tối cao chủ trì soạn thảo.

TAND tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện: Có khả thi? - Ảnh 1.

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp

TUYẾN PHAN

Đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và cấp huyện

Theo đề xuất của TAND tối cao, mô hình tổ chức của TAND tới đây sẽ bao gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND phúc thẩm, TAND sơ thẩm, TAND sơ thẩm chuyên biệt và tòa án quân sự.

Trong đó, TAND tối cao, TAND cấp cao và tòa án quân sự về cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành.

TAND phúc thẩm thay cho TAND cấp tỉnh (ví dụ TAND TP.Hà Nội thành TAND phúc thẩm Hà Nội), TAND sơ thẩm thay cho TAND cấp huyện (ví dụ TAND Q.Hoàn Kiếm thành TAND sơ thẩm Hoàn Kiếm).

TAND tối cao cho biết, việc thay đổi như trên không chỉ đơn thuần về tên gọi mà mục tiêu hướng tới là thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. 

Cơ quan soạn thảo cũng khẳng định đề xuất này không ảnh hưởng đến hoạt động và quan hệ phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp.

Đề nghị nghiên cứu kỹ hơn

Cho ý kiến, Chính phủ nhất trí với chủ trương xây dựng hệ thống tòa án độc lập theo thẩm quyền xét xử.

Tuy nhiên, Chính phủ nhận thấy mặc dù dự thảo luật đổi tên nhưng các TAND sơ thẩm, TAND phúc thẩm vẫn sắp xếp theo với đơn vị hành chính như hiện nay, không làm giảm số lượng các tòa án và chưa thể hiện đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Bên cạnh đó, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa án nêu trên cũng không thay đổi, TAND phúc thẩm vẫn xét xử sơ thẩm một số vụ án, vụ việc.

Như vậy, thay đổi mới chỉ dừng lại ở tên gọi của các tòa án mà chưa có sự thay đổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tòa án để đáp ứng với chủ trương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Chính phủ còn nhận định việc thay đổi về tên gọi của hệ thống tòa án sẽ dẫn tới yêu cầu sửa đổi, bổ sung các đạo luật trong lĩnh vực tư pháp như bộ luật Tố tụng hình sự, bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính, luật Thi hành án dân sự, luật Thi hành án hình sự... Việc sửa đổi, bổ sung thì lại phải có nguồn lực kèm theo để thực hiện.

Từ những căn cứ đã nêu, Chính phủ đề nghị cơ quan chủ trì tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung này.

TAND tối cao đề xuất đổi tên tòa án cấp tỉnh và huyện: Có khả thi? - Ảnh 2.

TAND tối cao đề xuất nhiều điểm mới về hệ thống tổ chức tòa án (ảnh minh họa)

PHÚC BÌNH

Đóng góp thêm về dự thảo, Văn phòng Chủ tịch nước đánh giá việc đổi tên tòa án trong khi thẩm quyền về địa hạt tư pháp, thẩm quyền về giải quyết vụ án, vụ việc cơ bản vẫn giữ nguyên sẽ không giải quyết được triệt để việc bảo đảm tính độc lập của tòa án.

Trong đó, TAND cấp tỉnh đổi thành TAND phúc thẩm nhưng vẫn còn thẩm quyền giải quyết, xét xử sơ thẩm là không phù hợp ngay trong tên gọi.

Hơn thế, thực tiễn rất nhiều đơn vị có tên tỉnh và tên thành phố trực thuộc tỉnh trùng nhau. Việc đổi tên mang tính cơ học sẽ dẫn đến sự bất cập trong nhận thức của người dân về phạm vi thẩm quyền sơ thẩm, phúc thẩm theo địa hạt tư pháp của tòa án, dẫn đến khó khăn cho người dân khi có nhu cầu tiếp cận. Ví dụ, TAND sơ thẩm Hưng Yên và TAND phúc thẩm Hưng Yên.

Tương tự, Bộ Tư pháp cho rằng một trong những biện pháp căn cơ để xây dựng hệ thống tòa án độc lập là tổ chức theo thẩm quyền xét xử chứ không phụ thuộc vào đơn vị hành chính. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên mà vẫn giữ nguyên thẩm quyền và bố trí theo đơn vị hành chính thì chưa thể chế hóa được toàn diện, đầy đủ chủ trương nêu trên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.