Tết luôn có trong căn cước văn hóa người Việt

11/02/2024 10:42 GMT+7

Với người Việt, dù thế nào cũng vẫn phải ăn tết.

Ăn tết một thời

Những năm tháng bao cấp, cuộc sống của người dân VN khó khăn, thiếu thốn, nhà nước chỉ lo cho dân để sống ở mức tối thiểu. Ở nông thôn, điều kiện vật chất còn hơn thành thị. Để có một cái tết, nhà nhà phải chuẩn bị từ trong năm. Mẹ tôi đi chợ thấy có mộc nhĩ, hay chút nấm hương là mua về sấy khô gói kỹ, mộc nhĩ để gói giò thủ, nấm hương để nấu canh, một trong những món cổ truyền của người Hà Nội. Còn cha tôi mỗi lần đi công tác các tỉnh, khi trở về thế nào cũng có gộc tre hay những gốc cây. Có khi để nhờ xe cơ quan, có khi đạp xe quay lại, kèo kẽo gần trăm cây số chở về nhà. Bánh chưng luộc củi sẽ dền hơn luộc bếp than. Bánh chưng là bánh thờ quan trọng, vì thế nhiều người nói lo xong nồi bánh chưng là lo xong cái tết.

Tết luôn có trong căn cước văn hóa người Việt- Ảnh 1.

Với nhiều người, tết là phải có mai, có đào. Trong ảnh: Ông Nguyễn Hiếu Dân đang chọn quất, đào chưng tết

NVCC

Khi trên phố đì đẹt tiếng pháo tép, mùi thuốc pháo hòa vào khí xuân thành mùi thơm rất khó quên báo hiệu sắp đến tết. Và khi ngành thương nghiệp thông báo bán tiêu chuẩn hàng tết thì phố xá Hà Nội nhộn nhịp. Mẹ tôi phân công ai mua túi hàng tết, ai mua gạo nếp, lá dong, ai đi làm bánh quy gai, quy xốp, mỗi người một việc. Thời bao cấp, lo cho cái tết quẩn quanh chỉ là lo cho mâm cỗ. Ông Nguyễn Hiếu Dân nhớ lại: "Cha tôi hồi đó là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, chức vụ tương đương như bộ trưởng nên tiêu chuẩn cũng cao, mua ở cửa hàng riêng ở phố Tôn Đản. Cha tôi cũng có sổ giao tế. Tiêu chuẩn tết có khá hơn, thêm thịt, thêm thực phẩm, tết được mua gạo tám thơm. Còn sổ giao tế thì mua bánh kẹo không hạn chế, thuốc lá ngon là một cây, nhưng chỉ là tiêu chuẩn của mình ông; còn gia đình tôi vẫn như bao gia đình khác ở Hà Nội". Đạo diễn Lê Quý Dương có cha làm đạo diễn ở Đài truyền hình VN, áp tết còn làm chương trình văn nghệ đón xuân, mẹ làm ngân hàng, 29 tết vẫn phải chi trả tiền cho các cơ quan, xí nghiệp nên cậu bé Dương được giao xếp hàng mua thịt, mua gạo. Để ăn một cái tết là công sức của các thành viên trong gia đình, ai cũng phải thức khuya, dậy sớm.

Tết luôn có trong căn cước văn hóa người Việt- Ảnh 2.

Người Việt xưa sao gọi là ăn tết? Chữ ăn tết bao hàm trong đó các thủ tục, kiêng kỵ, thức lễ nhưng trọng tâm vẫn ăn, không phải vì xưa đói kém, hay chỉ tết mới được ăn ngon, dùng chữ ăn là phù hợp với tinh thần cư dân lúa nước, "có thực mới vực được đạo".

Ăn đi xuống, uống đi lên

Sau đổi mới, đời sống người dân khá hơn. Những ngày trong năm, rất nhiều gia đình có thể mua hay làm các món mà chỉ ngày tết mới có. Nhà tôi cũng vậy. Không còn cảnh tích trữ chút đậu xanh, tí nấm, tí măng khô. Và giáp tết, cha mẹ không phải dậy sớm huy động cả nhà chạy khắp thành phố xếp hàng mua thực phẩm, dặn cẩn thận kẻo rơi tiền và tem phiếu là mất tết. Siêu thị, chợ truyền thống ê hề thịt cá, rau quả. Tết không thay đổi nhưng cách ăn tết đã thay đổi. Nhà nhà chuyển từ "quốc lủi" sang bia, phần làm sang theo tính sĩ diện của người Hà Nội, nhưng cũng là uống bia nó "mát". Nhà ít một thùng, nhà có điều kiện thì nhiều hơn. Thành phố xuất hiện trở lại tầng lớp trung lưu, họ mua rượu vang và những chai whisky đắt tiền mời khách. Cỗ tết cũng bớt cầu kỳ, nhiều nhà không nhất thiết đủ 4 bát, 6 đĩa nhưng phải có đĩa thịt gà vì "không có thịt gà, không ra mâm cỗ".

Tết luôn có trong căn cước văn hóa người Việt- Ảnh 3.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Mẹ tôi không bảo thủ nhưng bà vẫn giữ chữ lễ, không làm "mâm cơm tết" mà làm "mâm cỗ tết", mấy anh em xúm lại "can" rằng: "Mấy năm nay ăn đi xuống, uống đi lên, mẹ bày ra làm gì cho vất vả". Bà đủng đỉnh: "Sông có nguồn, con người có tổ tiên. Tết không có mâm cỗ, tổ tiên sẽ tủi thân". Cỗ tết nhà tôi có 4 bát, 6 đĩa. Và mẹ tôi không quên món mọc vân ám, trong suốt hiện rõ 5 màu, tượng trưng cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mẹ tôi hoài cổ còn kho nồi cá trắm đen với nước chè xanh cho khúc cá rắn chắc, lót khẩu mía dưới đáy nồi để dậy mùi thơm. Món cá trắm đen kho xưa là đầu vị trong cỗ tết Hà Nội.

Ăn và uống trong ngày tết là đương nhiên. Và nhiều người lớn mong tết không phải được ăn uống trong không khí gia đình ấm cúng mà vì tết là hết năm, người gặp vận rủi trong năm như "thoát" được "hạn", mong năm mới may mắn trong làm ăn, duyên tình.

Và chơi tết

Là đạo diễn nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật, giáp tết Lê Quý Dương vẫn bận bịu dàn dựng cho các đơn vị để bà con thưởng thức trong những ngày tết. Hỏi: "Có người nói tết ngày càng nhạt, ông nghĩ sao?". Đạo diễn trả lời: "Ai nói tết nhạt tức là người đó nhạt, tết không bao giờ nhạt. Văn hóa tết chưa bao giờ nhạt". Lại hỏi, năm nay đạo diễn sẽ ăn tết thế nào, ông bảo: "Tôi ăn tết đơn giản, bánh chưng mua, đồ ăn cũng đặt, chỉ làm một hai món gia truyền nhưng dứt khoát phải có hoa đào, hoa mai". Rồi đạo diễn giải thích câu Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh bao hàm đầy đủ tết Việt. Nhưng cơ chế thay đổi, quan niệm về tết cũng khác, ngày nay chỉ còn ít làng bản của bà con dân tộc Mường dựng cây nêu, pháo cũng cấm từ năm 1995 vì có thể nguy hiểm tính mạng, thịt mỡ càng không vì chị em sợ béo, câu đối đỏ may ra còn ít người hiểu chữ Hán, chữ Nôm chơi. Thế nhưng hồn cốt của tết vẫn nguyên vẹn như số Pi trong toán học. "Tết là đoàn viên, nhưng sự họp mặt không chỉ giữa những người đang sống mà sum họp trong tâm linh với cả những người đã khuất, thế giới thực và thế giới tâm linh hòa làm một. Vì thế mới có tục, trước tết các gia đình ra nghĩa trang mời tổ tiên, người đã khuất về ăn tết. Tết cũng là để chúc mừng người già mạnh khỏe, sống lâu, là lì xì cho lũ trẻ, mong chúng ngoan ngoãn, học hành tiến bộ".

Tết luôn có trong căn cước văn hóa người Việt- Ảnh 4.

Đạo diễn Lê Quý Dương cùng mẹ hoài niệm tết xưa

Nhà ông Nguyễn Hiếu Dân ở Tứ Liên, thủ phủ của đào, quất và các loại hoa, cây thế cảnh, ông đã U.70, con cái trưởng thành. Hỏi ông năm nay kinh tế khó khăn, gia đình ăn tết thế nào, ông chia sẻ: "Thời bao cấp thiếu thốn nhưng không nhà nào bỏ tết, giờ có khó khăn vẫn đỡ khổ hơn xưa, thành ngữ có câu "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng" mà". Hỏi ông cảm nhận tết ngày nay khác tết trước ra sao, ông bảo: "Bây giờ tết người ta không khoe cỗ, khoe rượu mà khoe hoa và khoe đi du lịch". Đúng như ông Dân nói, nhiều người đưa mùa xuân vào nhà, lại có người muốn đến với mùa xuân. Người Hà Nội thích chơi hoa đào, người miền Nam chơi hoa mai, cả hai loài hoa này đều có trong tranh tứ bình của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Mai, đào là cây biểu tượng của mùa xuân. Ở miền Bắc, chơi hoa đào còn vì tín ngưỡng. Sau ngày 23 tháng chạp, ông Công, ông Táo đã về trời, nên hạ giới không ai cai quản, vì thế vũ trụ vô chủ, mà ma quỷ lại sợ màu đỏ, có cành đào hoa đỏ ma quỷ không dám lảng vảng. Hỏi ông Dân, đến nhà họ hàng chúc tết có uống vài ly mừng năm mới như năm trước không, ông cười: "Đi xe máy gặp cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn, tết mất "mấy củ" lại bị giam xe cả năm xui xẻo lắm. Tôi sẽ đi taxi, an toàn cho mình, cho xã hội".

Hôm nay, ăn tết hay không, to hay nhỏ là lựa chọn của các cá nhân, gia đình, không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Nhưng tôi chắc chắn rằng, hầu hết các gia đình trên đất Việt đều ăn tết. Còn tôi cũng chuẩn bị một cái tết không cầu kỳ song cũng trên đơn giản. Sau đó sẽ lên đường du xuân. Văn minh đích thực không bao giờ mâu thuẫn và loại trừ văn hóa truyền thống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.