Tham vấn người dân

Khánh Hoan
Khánh Hoan
16/05/2024 05:20 GMT+7

Không được người dân địa phương đồng tình, số phận dự án khai thác vàng có thể sẽ phải chấm dứt...

Hội nghị lấy ý kiến lãnh đạo và người dân ở 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh của UBND và UB MTTQ H.Tương Dương (Nghệ An) về một dự án khai thác vàng vừa kết thúc.

Dự án khai thác mỏ vàng tại địa bàn 2 xã này do Công ty CP Xây dựng và thương mại tổng hợp Thủ Đô thực hiện, thăm dò từ năm 2008 và được cấp phép khai thác năm 2017. Dự án có công suất 13.800 tấn quặng vàng nguyên khai/năm, thời gian khai thác 15 năm, diện tích ảnh hưởng hơn 126,71 ha. Chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để được khai thác và cam kết sẽ trích một phần lợi nhuận hỗ trợ người dân địa phương. Tuy nhiên, 100% cán bộ, người dân của 2 xã này được mời tham vấn đều biểu quyết không đồng ý cho doanh nghiệp thực hiện dự án vì lo ngại ô nhiễm môi trường và phát sinh tệ nạn xã hội.

Đại diện Đảng úy, chính quyền, đoàn thể và người dân 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh biểu quyết không đồng ý để doanh nghiệp khai thác vàng

Đại diện Đảng úy, chính quyền, đoàn thể và người dân 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh biểu quyết không đồng ý để doanh nghiệp khai thác vàng

CTV

Thực tế, nỗi lo của chính quyền và người dân địa phương về mỏ vàng này là hoàn toàn có cơ sở. Những năm trước, tại đây đã xảy ra nạn khai thác vàng trái phép khiến môi trường bị tàn phá, tệ nạn xã hội nảy sinh. Sau khi dự án khai thác vàng được cấp phép, Sở TN-MT tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị Bộ TN-MT thu hồi giấy phép, không để doanh nghiệp thực hiện dự án rất nhạy cảm về môi trường này vì khu vực khai thác nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Đây cũng là hội nghị khá hiếm hoi được tổ chức công khai, minh bạch, dân chủ dù pháp luật đã quy định các dự án nhạy cảm, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường phải tham vấn ý kiến của người dân địa phương. Tuy nhiên, lâu nay ở khá nhiều dự án, việc tham vấn cộng đồng được thực hiện chiếu lệ và khi dự án triển khai, nảy sinh nhiều hệ lụy xấu, người dân địa phương phải gánh chịu và lúc đó mới biết mình bị "qua mặt". Một lãnh đạo huyện có nhiều mỏ khoáng sản đã phải thốt lên rằng sống trên các mỏ khoáng sản, nhưng người dân chỉ "được" ô nhiễm môi trường, đường sá hư hỏng và nhiều tệ nạn xã hội.

Không được người dân địa phương đồng tình, số phận dự án này có thể sẽ phải chấm dứt; và đó cũng là cách tôn trọng người dân khi chính họ là người trực tiếp gánh chịu hệ lụy nếu dự án hoạt động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.