Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC

05/05/2014 11:01 GMT+7

(TNO) Với việc đưa giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc lại một lần nữa vi phạm nghiêm trọng Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và làm căng thẳng thêm tình hình khu vực, theo các chuyên gia phân tích quốc tế.


Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan HD981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam - Ảnh: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về thông báo hàng hải ngày 3.5.2014 của Cục Hải sự Trung Quốc nói rằng giàn khoan HD-981 tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ bắc - 111o12’06” kinh đông từ ngày 2.5 đến 15.8.2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nêu rõ: "Vị trí tọa độ hoạt động của giàn khoan HD-981 nêu trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý".

"Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình được xác định phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982. Mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển của Việt Nam khi chưa được phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị, Việt Nam kiên quyết phản đối".

Trả lời Thanh Niên Online, các chuyên gia quốc tế khẳng định Trung Quốc vẫn đang tiếp tục cậy đến vũ khí pháp lý để khẳng định cái gọi là chủ quyền của mình trên biển Đông.

Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), nói với Thanh Niên Online: “Đây là một động thái bất ngờ và chỉ làm thêm căng thẳng tình hình hiện nay ở biển Đông. Với động thái này, Trung Quốc một lần nữa vi phạm DOC”.

“Trung Quốc biết chọn thời điểm để phục vụ cho những toan tính khẳng định sự hiện diện của mình tại vùng biển tranh chấp, và từ đó tiến tới khẳng định cái gọi là chủ quyền”, GS Thayer nói.

“Đừng lắng nghe những gì Trung Quốc nói. Hãy quan sát những gì Bắc Kinh làm”.

GS Thayer nhận định các nước trong khu vực ASEAN cần được thông báo về động thái này của Trung Quốc.  Dè dặt hơn khi đưa ra nhận định, nhưng Tiến sĩ Mark Valencia (Mỹ) vẫn cho rằng: “Đây có vẻ là bước vi phạm nghiêm trọng DOC”.

Ngày 4.5.2014, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan HD-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Việc làm nói trên của Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc đi ngược lại tinh thần hợp tác giữa hai tập đoàn dầu khí quốc gia, trái với thông lệ của các hoạt động dầu khí quốc tế cũng như phương châm hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc.

An Điền

>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm thềm lục địa Việt Nam
>> Phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam
>> Nhật lo ngại về giàn khoan của Trung Quốc ở Hoa Đông
>> Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ ra biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.